Lao động phổ thông Nuôi Dế - Cần Cân Nhắc Kỹ Đầu Ra
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Nuôi Dế - Cần Cân Nhắc Kỹ Đầu Ra

Ngày đăng 27/01/2011

Nuôi Dế - Cần Cân Nhắc Kỹ Đầu Ra

Thời gian gần đây, thông qua môi giới của một số người từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang về triển vọng nuôi dế, không ít hộ trên địa bàn huyện Đà Bắc, Kim Bôi, Lương Sơn, TP Hòa Bình... không hề do dự đã bỏ ra tiền triệu để mua giống và chậu, thùng xốp để mong làm giàu từ loại côn trùng này. Trong khi việc tiêu thụ dế thịt ở Hòa Bình cũng như các tỉnh khác khá khó khăn thì nhiều hộ lại lao vào mua giống và phát triển mở rộng.

Nuôi dế chỉ để tự “nhắm” và bán giống

Mấy tháng nay, kể từ ngày thu lứa dế thịt đầu tiên, gia đình ông Nguyễn Văn Dưỡng ở tổ 10, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) đông khách hơn. “Chả là dế thịt đến lứa mà không bán được nên mời anh em, bạn bè đến “nhắm” cho đỡ phí công nuôi. Vòng đời của dế ngắn, chỉ 2 tháng là có dế thương phẩm, sau đó, chúng đẻ trứng và chết, nhưng đi hỏi các quán bán bia, đặc sản không ai mua, đành sơ chế và cất vào tủ lạnh ăn dần. Cách đây 6 tháng, tôi được mời đi thăm quan mô hình nuôi dế ở tỉnh Phú Thọ.

Thấy họ nuôi nhiều và được giới thiệu là cho thu nhập cao nên đã mua 2 chậu dế giống với giá “ưu đãi” tại gốc 600.000 đồng. Tôi đã nhân ra được 40 chậu, nhưng từ đó đến nay đã 3 lứa dế thịt mà chưa thu được đồng tiền nào. Hiện, tôi chỉ nuôi 12 chậu để giữ giống và nghe ngóng thị trường.” – ông Dưỡng tâm sự. Cách nhà ông Dưỡng chừng 500m, ông Nguyễn Văn Xanh ở tổ 12, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) đã mạnh dạn đầu tư nuôi gần 100 chậu dế. Ông Xanh cho biết: Gia đình tự đi liên hệ với các quán nhậu để bán dế thịt, nhưng bán được rất ít, chủ yếu vẫn là để ăn và bán giống.

Việc nuôi dế đã phát triển khá nhanh ra các xã, phường trên địa bàn TP Hòa Bình. Chị Nguyễn Thị Nhung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dân Chủ cho biết: Cách đây vài tháng, một số người nói là thuộc Hiệp hội nuôi dế tỉnh Vĩnh Phúc đến giới thiệu về hiệu quả việc nuôi dế và còn tổ chức thuê xe ô tô cho một số người dân và lãnh đạo xã đi tìm hiểu mô hình tại xã Bắc Sơn (huyện Kim Bôi) – nơi Hiệp hội đã bán giống cho người dân. Sau khi đi tham quan, người của Hiệp hội đã mang dế giống lên bán cho người dân với giá 600.000 đồng/thùng.

Ông Nguyễn Văn Lợi ở xóm Bái Yên tham gia đoàn đi thăm quan mô hình, hăng hái mua 2 thùng dế giống và 100 bộ chậu với tổng chi phí ban đầu trên 6 triệu đồng. Ông Lợi cho biết: Lúc đi làm thợ hồ, lúc đóng gạch thuê cứ com cóp được 400.000 – 500.000 đồng tôi lại đi mua thêm 10 bộ chậu để mở rộng nuôi dế. Nhưng gần 6 tháng nuôi, tôi mới chỉ bán được 1 lần gần 1 triệu đồng. Trong tủ lạnh nhà tôi giờ chỉ toàn là dế, chứa không hết còn phải đi gửi nhờ nhà hàng xóm.

Cần cân nhắc kỹ đầu ra

Xã Dân Chủ (TP Hòa Bình) hiện có khoảng 30 hộ nuôi dế, mỗi hộ vài chục thùng. Điều dễ nhận thấy, không chỉ riêng ông Nguyễn Văn Lợi mà nhiều người nuôi dế trong xã vẫn tin tưởng và chờ đợi vào lời hứa thu mua nếu có từ 10kg trở lên của những người cách xa gần 100 km. Nhiều người còn dự định mở rộng nuôi đến 200 chậu.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Thị Nhung - người đứng ra ký hợp đồng với Hiệp hội nuôi dế Vĩnh Phúc đã phải gom dế của các hộ và đi gõ cửa một số quán ăn trên địa bàn thành phố. Trong khi đó, xã Bắc Sơn – nơi xã Dân Chủ đến thăm quan cũng mới chỉ bán dế giống cho nhau chứ hầu như không bán được dế thịt. Ông Bạch Công Nhi, Chủ tịch xã Bắc Sơn cho biết: Hiệp hội dế Vĩnh Phúc đến giới thiệu và bán giống cho người dân và đã có gần 30 hộ nuôi.

Do chưa tìm được đầu ra nên xã chủ trương chưa mở rộng qui mô mà vừa nuôi vừa nghe ngóng thị trường. Thị trường tiêu thụ ở TP Hòa Bình đã khó, ở huyện vùng cao, vùng xa lại càng khó hơn. Ông Hà Anh Sứng ở thôn Mu, thị trấn Đà Bắc (huyện Đà Bắc) là một trong những người tiên phong nuôi dế ở huyện vùng cao này. Tuy nhiên, đến nhà ông bây giờ chỉ thấy những chậu nhựa và lồng bàn úp la liệt khắp nơi. Ông Sứng cho biết: Được người bạn giới thiệu, tháng 6/2009, tôi đã về tận tỉnh Vĩnh Phúc để mua 2 thùng dế giống giá 700.000 đồng/thùng và phát triển lên 40 thùng.

Nuôi dế không khó, chỉ cần mua cám và cho ăn thêm rau, cứ khoảng 70 ngày là có dế thịt. Cái khó nhất là đầu ra cho sản phẩm vì dế đẻ trứng xong sẽ chết. Một số hộ ở thị trấn mua giống của tôi do không bán được bây giờ cũng đồng loạt xếp chậu, bỏ nuôi hết rồi.

Với mục đích tìm hiểu các mô hình chăn nuôi, Đoàn cán bộ ngành nông, lâm nghiệp huyện Lương Sơn trung tuần tháng 10/2010 đã có chuyến thăm quan tại tỉnh Bắc Giang, trong đó tới thăm mô hình nuôi dế. Ông Nguyễn Mạnh Hình, Trưởng phòng NN&PTNT Lương Sơn cho biết: Hiện nay, người nuôi dế ở Bắc Giang cũng đang khó khăn trong tìm đầu ra.

Việc phát triển ồ ạt theo phong trào dẫn đến cung vượt quá cầu. Mặc khác, đây là giống dế Thái Lan, chất lượng thịt không không ngon như dế tự nhiên ở Việt Nam. Việc phát triển nuôi dế ở Hòa Bình chỉ là “vuốt đuôi” nên khó đem lại hiệu quả kinh tế. Từ 300.000 đồng/kg trước đây hiện giá dế đã giảm xuống chỉ còn khoảng 100.000 đồng/kg mà việc tiêu thụ vẫn khó khăn. Như vậy, người nuôi không những không có lãi mà những hộ vay vốn còn bị thua lỗ.

Điều đáng nói là trong khi người của Hiệp hội nuôi dế Vĩnh Phúc hứa thu mua cho người dân xã Dân Chủ, Bắc Sơn thì họ lại phải vượt mấy chục km đưa dế lên TPHB để bán với giá rẻ; giá giống bán cho người dân vẫn đắt và vẫn tuyên truyền là đem lại hiệu quả kinh tế cao?! Trước thông tin, các hộ dân ở các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ phát triển nuôi dế giống Thái Lan một cách ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu hàng chục lần.

Nhiều hộ không thu được sản phẩm đúng lứa, giá sụt giảm bị thua lỗ, Phòng Kinh tế TP Hòa Bình vừa có Công văn số 61 về việc khuyến cáo các tổ chức, hộ gia đình đang nuôi và dự định nuôi dế cần cân nhắc kỹ đầu ra thị trường để bố trí qui mô nuôi hợp lí; thường xuyên nắm chắc thông tin thị trường phục vụ sản xuất kinh doanh, tránh bị thiệt hại về kinh tế.

Ông Nguyễn Thế Bình, Trưởng phòng Kinh tế TPHoà Bình lo lắng: Dế là loại côn trùng sinh sản nhanh, mỗi con có thể đẻ vài ngàn trứng/lần. Nếu đầu ra không ổn định, người nuôi không còn chú ý, trông nom mà thoát ra môi trường, nguy cơ phá hoại cây trồng là rất lớn. Vì vậy, cần nghiên cứu đầu ra để có biện pháp phát triển hợp lý.


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Kỹ Thuật Nuôi Và Chăm Sóc Dế Kỹ Thuật Nuôi Và Chăm…