Nuôi Ba Ba Theo Công Nghệ Mới
Hồ nuôi
- Hồ nuôi ba ba có thể thiết kế theo 3 kiểu, tùy theo điều kiện kinh tế của từng hộ: Hồ xây dựng nổi láng đáy bằng xi măng, hồ xây chìm không láng đáy và hồ không xây, chỉ quây bằng Bro-ximăng.
Nếu có điều kiện kinh tế, tốt nhất là xây hồ nổi, láng đáy, xây tường 10 cm, cao 1m, vát 4 góc cho tròn, lỗ thoát nước cho sát đáy, phần đáy cho nghiêng về phía thoát nước. Lỗ nước vào đặt ống cao hơn đáy 20 cm. Bể phải xây chắc, trát bằng xi măng trơn bóng, kể cả đáy. Xây xong cho nước ngâm khoảng 20 ngày, bắt đầu ngâm phải cho nhiều cây và lá chuối.
Thân chuối cắt ngắn khoảng 50 cm chẻ làm đôi lấy từng phần chà vào tường khoảng 3 lần, khi ngâm cho nước vào khoảng 70 cm là được. Sau đó tháo ra và cho nước mới vào khoảng 20 cm, chùi toàn bộ bể. Đồng thời đổ vào 1 lượt cát mịn dày khoảng 5 cm, cho vào 1 ít vôi để rửa cát cho sạch, sau đó xả hết nước, cho nước mới để xử lý nuôi.
- Cho cây phân xanh hoặc lá xoan theo tỷ lệ 15 kg/100 m2. Hòa thuốc Ngư đặc lợi theo tỷ lệ 1 kg cho 100 m3 nước (hoặc các loại khác như phân chuồng, đạm, lân cũng được) để tạo tảo và màu xanh cho nước ao. Khi xử lý xong đặt một số cành dừa kê nổi trên mặt nước để cho ba ba phơi nắng, lá dừa đặt gần chỗ cho ăn. Bàn ăn thì lấy một tấm ván đặt nghiêng khoảng 30 độ. Đặt 1/2 chiều rộng tấm ván chìm trong nước, 1/2 nổi lên. Tấm ván cho ăn rộng khoảng 25 cm, độ dài tùy chỗ rộng hay hẹp. Gỗ làm bàn ăn tránh các loại gỗ độc như lim, lát...
- Xây hồ theo kiểu không láng đáy thì phần đáy phải có nền đất cứng, ít bùn, giữ được nước. Nếu bùn nhiều thì phải vớt bớt bùn, chỉ để lại tối đa 20 cm bùn, tối thiểu là 10 cm. Số bùn để lại này phải vãi phân chuồng, vãi vôi, xử lý đảo đều với bùn, để không nước trong vòng 3 ngày, phơi nắng, sau đó cho nước vào và xử lý như hồ xây láng đáy đã nêu ở phần trên rồi thả giống vào. Còn đối với gia đình không có điều kiện xây hồ thì có thể quây bằng tấm prô xi măng, đáy phải xử lý như hồ không láng đáy. Sau cũng xử lý các loại thuốc, phân xanh như 2 loại hồ trên.
- Sau khi xử lý mà nước ao chuyển sang màu xanh là đạt yêu cầu. Khi nào thấy nước quá bẩn, có mùi hôi thối thì cho thay khoảng 40-60% nước trong hồ. Khi thấy ba ba chết trong hồ cần phải vớt ra đưa đến cách hồ tối thiểu 20m, vãi vôi lên trên và chôn sâu. Hết sức chú ý giữ yên tĩnh cho ba ba, nhất là khi phơi nắng, lên ăn.
Giống
Giống ba ba lai F1 giữa bố là ba ba gốc Đài Loan và mẹ là ba ba gốc Malaisia, có tên khoa học là Trionyxsinensis (Ba ba xanh) hoặc các giống ba ba nuôi truyền thống như ba ba trơn, ba ba gai.
Chăm sóc, nuôi dưỡng
Mật độ nuôi: Tùy theo tuổi mà có mật độ khác nhau. Nếu nuôi giống hoặc ươm giống từ 3 ngày tuổi đến 1 tháng thì thả với mật độ 100 con/m2; từ 1-4 tháng mật độ 50 con/m2, từ 4-8 tháng tuổi mật độ 10 con/m2; từ 8 tháng tuổi đến thu hoạch mật độ 3-4 con/m2.
Mực nước trong hồ: Từ 3 ngày tuổi đến 1 tháng tuổi để mức nước 20-30 cm; từ 1-4 tháng tuổi mức nước 30-40 cm; từ 4 tháng tuổi đến thu hoạch để mức nước 60-80 cm.
Thức ăn: Thức ăn chủ yếu của ba ba là cá, ốc, giun, tôm, tép tươi. Tùy theo điều kiện đầu tư mà cho ăn: 50-70% cá tươi + cơm để nguội + cám (5-10%) + 1 ít quả chuối chín bóc vỏ đem xay nhỏ. Ở giai đoạn ba ba còn nhỏ trộn thêm sữa và vitamin. Mỗi ngày cho ăn 2 lần vào 9 giờ sáng và 4 giờ chiều.
Thời gian thay nước: Từ 3-6 tháng thay nước 1 lần, nhưng không thay quá 50% lượng nước trong hồ; nếu không có điều kiện thì 1 năm thay 1 lần cũng được.
Chữa bệnh
Nuôi ba ba chủ yếu thực hiện phòng bệnh; nếu thực hiện tốt, ba ba chỉ có mắc bệnh nấm lở, bám lông. Khi ba ba bị bệnh dùng thuốc diệt nấm, bám lông như loại thuốc dùng cho tôm, sử dụng theo hướng dẫn ghi trên bao bì sản phẩm, nhưng tăng lượng thêm 50%. Nếu trời rét đậm dưới 10oC cần chống rét cho ba ba bằng cách phủ nilon trắng kín mặt ao.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ