Mô hình kinh tế 10 Năm Kiên Trì Dựng Nghiệp Trên Vùng Ngập Lũ Nhờ Con Cá Giống

10 Năm Kiên Trì Dựng Nghiệp Trên Vùng Ngập Lũ Nhờ Con Cá Giống

Ngày đăng 07/10/2013

10 Năm Kiên Trì Dựng Nghiệp Trên Vùng Ngập Lũ Nhờ Con Cá Giống

Chuyển đổi từ trồng lúa độc canh sang ương cá giống, cá kiểng, anh Nguyễn Văn Đực Nhỏ, sinh năm 1964 tại xã Nhị Mỹ (Cai Lậy, Tiền Giang) đã vươn lên ổn định cuộc sống.

Trước đây, anh Nhỏ có 4.000 m2 đất trồng lúa. Do ảnh hưởng lũ lụt nên việc sản xuất bấp bênh. Những năm lũ lớn, lo chạy vạy gặt hái "chạy lũ" vừa vất vả vừa thất thoát, hiệu quả kinh tế kém. Do vậy, anh chủ động tìm giải pháp chuyển đổi từ trồng lúa sang ương ép cá giống trên ruộng. Cách làm của anh là năm 2003, đầu tư đào 2 ao nuôi cá, mỗi ao có diện tích 2.000 m2 ương cá giống trê vàng lai. Kỹ thuật ương ép cá giống được Trung tâm Khuyến nông chuyển giao qua các buổi tập huấn, hội thảo. Ưu điểm của việc ương dưỡng cá trê vàng lai giống là chu kỳ ngắn, quay vòng nhanh, đầu ra thuận lợi và kỹ thuật không phức tạp. Cụ thể, mỗi năm anh quay được 3 vòng cá trê lai, sản lượng 2 tấn cá giống/đợt. Tổng sản lượng 3 đợt cá giống trong năm là 6 tấn, bán với giá bình quân 35.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí, gia đình anh còn lãi ròng 110 triệu đồng/năm, cao gấp 4 lần trồng lúa năng suất cao.

Nhận thấy hiệu quả mang lại từ chuyển đổi sản xuất kể trên, năm 2005, anh tiếp tục đào thêm 5 ao nuôi cá mới có tổng diện tích 5.000 m2 đất thừa hưởng của cha mẹ, đưa quỹ đất sản xuất theo mô hình mới lên 9.000 m2 (7 ao). Trước năm 2010, anh ương dưỡng các đối tượng cá trê lai, cá điêu hồng. Sau năm 2010, nhận thấy cá điêu hồng và trê lai hiệu quả ngày càng giảm do đầu ra không thuận lợi, anh Nhỏ mạnh dạn ương dưỡng cá chép Nhật - một loại cá kiểng mà thị trường đang ưa chuộng. Hỏi về giá trị kinh tế, anh Nhỏ cho biết, mỗi năm sau khi trừ chi phí anh còn lãi ròng 200 triệu đồng, gần gấp đôi lợi nhuận từ con cá trê vàng lai trước đây.

10 năm thâm niên ương dưỡng cá giống và 3 năm gắn bó với con cá chép Nhật nuôi làm cảnh, anh Nhỏ đã đúc kết được những bài học kinh nghiệm. Đó là phải có diện tích và qui trình nuôi phù hợp từng đối tượng, chú trọng xử lý môi trường nước sạch, không nhiễm khuẩn, không chất độc hại, không nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, nguồn cá bột phải khỏe mạnh và sạch bệnh, mật độ thả vừa phải để giảm rủi ro. Ngoài ra người nuôi phải chú ý không để dư thừa lượng thức ăn trong ao nuôi và theo dõi sát dịch tễ để phòng trị bệnh kịp thời,... Hiện nay, nhiều nơi trong vùng ngập lũ như: Nhị Mỹ, Tân Hội (Cai Lậy); Hậu Mỹ Bắc A, Hậu Mỹ Bắc B (Cái Bè),... đang nhân rộng mô hình ương dưỡng cá giống trên ruộng theo cách anh Nhỏ đã thực hiện đạt hiệu quả cao.


Người Nuôi Tôm Neo Hàng Chờ Giá Người Nuôi Tôm Neo Hàng Chờ Giá 11,6 Triệu Con Tôm Bị Bệnh Hoại Tử Gan Tụy Cấp Tính 11,6 Triệu Con Tôm Bị Bệnh Hoại Tử…