Mô hình kinh tế 200.000 Héc Ta Cà Phê Đạt Tiêu Chuẩn Bền Vững

200.000 Héc Ta Cà Phê Đạt Tiêu Chuẩn Bền Vững

Ngày đăng 08/12/2013

200.000 Héc Ta Cà Phê Đạt Tiêu Chuẩn Bền Vững

Nhờ đề án phát triển cà phê bền vững nên hiện Việt Nam đã có 200.000 héc ta cà phê được chứng nhận theo các tiêu chuẩn bền vững quốc tế như 4C, UTZ, trong đó, có 150.000 héc ta theo tiêu chuẩn 4C. Diện tích này sẽ tăng lên 300.000 héc ta vào năm 2015.

Thông tin trên đã được đưa ra tại hội thảo phát triển cà phê bền vững thông qua hợp tác công tư tại Việt Nam do Ban điều phối ngành hàng cà phê thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng Tổ chức Phát triển Hà Lan và Hiệp hội 4C tổ chức ngày 4-12 tại TPHCM.

Theo ông Nguyễn Tấn Trung, nông dân trồng cà phê tại Di Linh, Lâm Đồng, chương trình cà phê bền vững đã giúp người trồng cà phê biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về bón phân sao cho hiệu quả, quản lý dịch hại tổng hợp, tưới nước theo nhu cầu cây trồng, thu hái cà phê chín tăng lên, áp dụng biện pháp chế biến phơi nguyên quả đã nâng cao chất lượng cà phê.

Theo số liệu của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có hơn 40.000 héc ta được chứng nhận bền vững theo nguyên tắc 4C, UTZ, RTA…

Một trong những công ty có kim ngạch xuất khẩu cà phê luôn đứng trong vị trí 10 công ty xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam trong những năm qua là Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex (Intimexhcm) hiện đang đầu tư phát triển cà phê bền vững.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Intemexhcm, khó khăn hiện nay khi thực hiện chương trình cà phê bền vững theo nguyên tắc 4C là vùng nguyên liệu không tập trung, nhỏ lẻ và phân tán dẫn đến chi phí đầu tư cao khiến công ty gặp khó trong việc hướng dẫn thực hành sản xuất tốt theo nguyên tắc 4C.

“Do người dân có nhiều năm trồng, chăm sóc cà phê theo cách truyền thống nên làm sao để người dân thay đổi tập quán sản xuất là rất khó nên phải tốn nhiều thời gian và chi phí”, ông Nam nói.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) mục tiêu đề án phát triển cà phê bền vững dự kiến đến năm 2015, khoảng 300.000 héc ta cà phê và khoảng 480.000 héc ta đến năm 2020 được triển khai sản xuất bền vững.

Tổng sản lượng cà phê nhân nguyên liệu đạt tiêu chuẩn bền vững sử dụng cho chế biến cà phê tiêu dùng đến năm 2015 là 160.000 tấn và là 200.000 tấn đến năm 2020. Hiện cả nước có khoảng 620.000 héc ta cà phê. Như vậy, đến năm 2020, diện tích trồng cà phê bền vững chiếm hơn 77%.

Chứng chỉ UTZ cấp cho những sản phẩm cà phê được đảm bảo về chất lượng xã hội và môi trường, có thể áp dụng cho mọi loại cà phê được đánh giá, đồng thời các sản phẩm có UTZ Ceritified cho phép truy nguyên xác định nguồn gốc của lô hàng.

Tiêu chuẩn 4C là một bộ quy tắc chung cho cộng đồng cà phê, ra đời và phát triển nhằm phục vụ cho toàn bộ chuỗi giá trị của cà phê đại trà. Bộ quy tắc chung hướng tới tính bền vững ở cả ba mảng bao gồm như xã hội, môi trường và kinh tế nhằm đảm bảo diều kiện lao động, sinh hoạt của người lao động; bảo vệ rừng nguyên sinh và tài nguyên thiên nhiên như nước, đất, đa dạng hóa sinh học và năng lượng; và phát triển trên cơ sở xã hội và môi trường bền vững.


Hoàn Thành Khung Pháp Lý Về Cây Trồng Biến Đổi Gene Hoàn Thành Khung Pháp Lý Về Cây Trồng… Hợp Tác Xã Rau An Toàn Phước Hậu Xuống Giống Hơn 20 Ha Rau Đón Tết Hợp Tác Xã Rau An Toàn Phước Hậu…