Tin thủy sản 2018, con tôm có bật xa?

2018, con tôm có bật xa?

Tác giả Bảo Hân, ngày đăng 01/02/2018

2018, con tôm có bật xa?

Nhiều năm nay, trong cơ cấu xuất khẩu ngành thủy sản, con tôm vẫn chịu trách nhiệm dẫn dắt, khi chiếm tới gần 50% giá trị xuất khẩu của ngành và là một trong 5 nhóm hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD của ngành nông nghiệp. Năm 2018 này, sức bật của con tôm còn mạnh?

Năm 2017, xuất khẩu tôm đạt 3,8 tỷ USD   Ảnh: Thanh Cường 

Năm 2017, do thời tiết thuận lợi cùng giá bán ổn định ở mức cao nên tình hình sản xuất tôm khá tốt. Theo Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng tôm nước lợ thu hoạch trong năm đạt trên 700.000 tấn, tăng khoảng 8,9% so năm 2016. Diện tích và sản lượng tôm nước lợ các tỉnh ĐBSCL tăng mạnh. Cụ thể, diện tích nuôi tôm sú cả năm đạt 598.000 ha, tăng 1,3% và sản lượng thu hoạch 270.500 ha, tăng 4,4% so năm 2016; diện tích nuôi TTCT khoảng 110.100 ha, tăng 10,1% và sản lượng thu hoạch 430.500 tấn, tăng 11,8%.

Tại cuộc họp triển khai kế hoạch năm 2018, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, con tôm hiện còn nhiều dư địa, do đó phải tập trung phát triển tôm công nghiệp, công nghệ cao; đảm bảo chất lượng, tập trung vào tôm sú; đặc biệt là phải tạo được đột phá trong con giống.

“Bắt mạch” thị trường xuất khẩu

Năm 2017, xuất khẩu tôm Việt Nam đánh dấu những bước ngoặt mới về thị trường nhập khẩu khi EU vượt qua Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, với giá trị đạt trên 780 triệu USD (tính đến hết tháng 11/2017), tăng 42,4% so cùng kỳ năm 2016 và chiếm 22,2% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ tôm tăng cao tại EU. Cùng đó, người tiêu dùng tại thị trường này lại ưa chuộng các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng, tiện lợi cho việc chế biến, sử dụng.

Năm 2018, dự báo rất triển vọng cho mặt hàng tôm tại thị trường EU, đặc biệt là khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, ngành tôm sẽ có thêm nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường quan trọng này.

Tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của người dân nước này, nhất là tôm đang tăng mạnh. Không chỉ vậy, thị trường này còn nhập khẩu tôm nguyên liệu cho chế biến và tái xuất khẩu nên dự báo năm 2018 sẽ còn khả năng tăng trưởng hơn nữa. Trung Quốc cũng được xem là thị trường thay thế tiềm năng của xuất khẩu tôm Việt Nam trong bối cảnh nhiều thị trường lớn khác đang gặp khó.

Với Nhật Bản, thị trường này luôn có vị trí rất quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Thế nhưng vấn đề chất lượng luôn khiến nhà quản lý và doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đau đầu.  Hiện nước này đang áp dụng chế độ kiểm tra 100% đối với một số sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, thời hạn đến ngày 31/3/2018. Toàn bộ chi phí kiểm tra sẽ do nhà nhập khẩu chi trả. Riêng mặt hàng tôm phải chịu kiểm tra ở 3 chỉ tiêu là Furazolidone, Enrofloxacin và Sulfadiazine.

Theo đánh giá, mỗi năm trung bình Australia nhập khẩu khoảng 40.000 tấn tôm từ các nguồn cung trên thế giới. Việt Nam là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho nước này, chiếm khoảng trên 35% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Australia, giá  bán tôm của Việt Nam vào thị trường này cũng “mềm” hơn so các nước đối thủ. Tuy nhiên, nước này đang có xu hướng thu hẹp để tập trung nhập khẩu vào một số thị trường chính. Bên cạnh đó, yêu cầu chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản nhập khẩu vào Australia rất khắt khe nên sẽ không nhiều nhà cung cấp đáp ứng được.

Khắc phục điểm yếu nội tại

Năm 2017, giá trị xuất khẩu tôm cả nước ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 22% so năm 2016. Dự kiến năm 2018, xuất khẩu mặt hàng này vẫn rất khởi sắc khi bối cảnh có nhiều thuận lợi. Sản xuất trong nước ổn định đảm bảo nguồn cung nguyên liệu; Tỷ giá đồng yên, euro, nhân dân tệ tăng so với USD cũng hỗ trợ tích cực cho con tôm Việt Nam khi ra thị trường thế giới.

Mặc dù, được đánh giá nhiều khả quan, nhưng vẫn khó để khỏa lấp những lo ngại trong xuất khẩu với con tôm, nổi cộm chính là vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi dư âm những vướng mắc của tình trạng này trong năm 2017 vẫn còn đeo đẳng, nhất là việc 6 thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam là Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ả Rập Xê út, Mexico và Brazil đã có thông báo yêu cầu sản phẩm nhập khẩu phải đạt chứng nhận an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) hoặc được cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu công nhận là sạch bệnh mới được phép xuất khẩu. 6 thị trường này chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm, tương đương 800 triệu USD. Nếu lỡ có bất trắc, đây sẽ là những lỗ hổng lớn trong mạch đi lên của con tôm.

Do vậy, để tránh bị “đánh chìm” khi ra biển lớn, buộc con tôm phải tự khắc phục. Và tôm “sạch” chính là điều kiện tiên quyết đảm bảo thành công trong cuộc chinh chiến của mũi nhọn ngành thủy sản này. 

>> Theo kế hoạch của ngành thủy sản, năm 2018, sản lượng tôm nuôi các loại khoảng 750.000 tấn, trong đó, tôm sú 290.000 tấn, TTCT 430.000 tấn. Xuất khẩu toàn ngành phấn đấu 9 tỷ USD, trong đó, tôm và cá tra vẫn tiếp tục là chủ lực.


Nuôi cá đuôi kiếm trong hồ thủy sinh đẹp lung linh hợp phong thủy Nuôi cá đuôi kiếm trong hồ thủy sinh… Chàng trai 8X lập nghiệp từ nuôi cá lồng trên sông Hồng, thu tiền tỷ/năm Chàng trai 8X lập nghiệp từ nuôi cá…