40ha chanh tứ quý đủ điều kiện xuất khẩu tại Hưng Yên
Với phương pháp trồng chuẩn VietGap, chanh tứ quý Hưng Yên to tròn, vị chua thanh được ưa chuộng ở thị trường trong và ngoài nước.
Những quả chanh tứ quý sai trĩu cành tại Hưng Yên. Ảnh: Bizmedia.
Sau nhiều năm lăn lội trên đất Nga, anh Nguyễn Hữu Hà (xã Tân Dân, Khoái Châu, Hưng Yên) quyết định về quê, phát triển giống chanh tứ quý (chanh tứ thì). Năm 2016, huyện Khoái Châu đã nhân rộng mô hình chanh tứ quý từ vườn của anh Hà lên 40ha cho sản lượng tới 80 tấn, phân phối đi các tỉnh phía Bắc trong hệ thống siêu thị và xuất khẩu Trung Quốc.
Chanh tứ quý là giống nhập khẩu từ Australia với nhiều ưu điểm như vỏ mỏng, quả chín vàng, càng chín càng thơm, mọng nước, vị chua thanh mà không gắt. Khi chín, hạt chanh teo nhỏ lại và bảo quản được tới trên 20 ngày trong tủ lạnh. Tuy nhiên, nhược điểm của giống chanh này là bộ rễ phát triển kém khi trồng tại Việt Nam. Để khắc phục điểm yếu này, anh Hà đã thử nghiệm và thành công khi lai ghép chanh trên gốc bưởi.
"Cây bưởi có bộ rễ tôm mạnh khỏe nên khi lai ghép chanh với gốc bưởi, cây sinh trưởng được quanh năm, năng suất cao, nông dân khi trồng có thu nhập ổn định", anh Hà cho biết.
Từ 7 sào thử nghiệm của gia đình năm 2014, cây chanh phát triển tốt, sai quả, đến nay, tổng diện tích trồng chanh tứ quý nhân giống từ mô hình của anh Hà đã lên đến 40ha.
Với kinh nghiệm kinh doanh nông sản tại Nga nhiều năm, để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, anh Hà quyết định bắt tay luôn vào trồng chanh theo hướng VietGAP. Sau các khâu làm đất, nước đạt tiêu chuẩn về kim loại nặng, pH, asen, anh Hà tuân thủ quy trình trồng và chăm sóc tỉ mỉ chủ yếu bằng tay và phân hữu cơ.
Nông dân làm cỏ chăm sóc chanh. Ảnh: Bizmedia.
Những cây chanh được trồng trên luống đánh cao để gốc cây thông thoáng, thoát nước tốt khi mưa xuống. Ngoài ra, để cây đủ chất dinh dưỡng cho quả quanh năm, anh Hà bổ sung thêm phân chuồng hoai mục. Ngoài tăng sức đề kháng cho cây bằng cách kết hợp phân ủ với nấm đối kháng Tricoderma, anh còn nuôi giun, cho ăn bằng bột đỗ tương để giúp đất tơi xốp, màu mỡ.
Để cây giảm sâu bệnh, chanh được tưới bằng nguồn nước ngầm, sử dụng hệ thống vòi phun mạnh để rửa trôi cả côn trùng, sâu bọ gây bệnh lẫn bụi bẩn. Đồng thời, người trồng thường xuyên thăm vườn, làm cỏ quanh gốc với tần suất 15-20 ngày một lần và thường xuyên tỉa bỏ bớt cành để cây thông thoáng. Chanh tứ quý từ khi ra hoa tới khi đậu quả mất khoảng 5 tháng. Chanh được thu hoạch rồi còn để trên cây được thêm 4 tháng nữa.
Mô hình trồng chanh sai quả đang được nhân rộng tại Hưng Yên. Ảnh: Bizmedia.
Với mong muốn phát triển nghề trồng chanh tại địa phương, anh Hà còn trực tiếp hướng dẫn cho 30 nông dân khác kinh nghiệm trồng chanh tứ quý trên gốc bưởi để nhân rộng mô hình, đáp ứng thêm nhu cầu của cả thị trường cả trong nước và xuất khẩu.
Phương thức sản xuất sạch kết hợp với sự tìm tòi để biến loài cây nhập khẩu thành cây trồng thích nghi tốt với điều kiện địa phương đã giúp cây chanh tứ quý của Hưng Yên đem lại hiệu quả kinh tế cho người trồng và tiếp tục khẳng định vị trí trên thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ