5 năm nông thôn khoác áo mới xóa dần cảnh đôi bờ chia cắt
Sau 5 năm xây dựng NTM, những cây cầu đó đã xuất hiện ngày càng nhiều, giúp bà con nhân dân xóa dần cảnh “đôi bờ chia cắt”.
Không còn nắng bụi, mưa lầy
“Cầu đường thông thoáng lắm rồi, đã bê tông hết nên tôi rất dễ dàng đi lại, không còn cảnh nắng bụi, mưa lầy như những năm về trước” – lão nông Phạm Văn Khiêm, ấp Thạnh Lộc 2 (xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) nói về tuyến đường rạch Trà Ếch đi qua ấp.
Đây cũng là nhận định của rất nhiều hộ dân sống dọc theo tuyến đường rạch Sỹ Cuông (cũng đi qua địa bàn ấp Thạnh Lộc 2, xã Trung An).
Theo người dân địa phương, 2 tuyến đường trên được triển khai xây dựng từ năm 2011 (năm đầu tiên triển khai thực hiện xây dựng NTM) theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, có tổng chiều dài trên 3,2km.
5 năm qua, để tạo thuận lợi hơn cho người dân, xã Trung An tập trung mọi nguồn lực để xây mới 11 cây cầu bê tông, trong đó các cây cầu có quy mô lớn, có thể kể đến là cầu Xẻo Môn, cầu Vàm Sáng, cầu Lấp Vò, cầu Ngã Cậy, cầu Trà Ếch...
Ông Lâm Hồng Sững - Phó Chủ tịch UBND xã Trung An vui mừng cho biết: “Ngoài việc vận động xây dựng tốt hạ tầng nông thôn, xã Trung An còn thực hiện hoàn thành đủ các tiêu chí khác từ rất sớm.
Vì vậy, năm 2014, nơi đây đã được công nhận là xã NTM đầu tiên của TP.Cần Thơ”.
Cũng như xã Trung An, người dân các xã như Tân Thới, Mỹ Khánh, Nhơn Ái… thuộc huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ) cũng rất phấn khởi vì nhiều đường mới, cầu mới được dựng lên.
Gặp chúng tôi, bà Lê Thị Như, xã Tân Thới nói: “Bây giờ đi làm, đi chợ không còn phải đi đò qua sông nữa, học sinh đi học cũng không sợ muộn vì đã có cầu Nhơn Ái, nối liền xã Tân Thới với xã Trường Thành, huyện Thới Lai (kinh phí xây dựng 600 triệu đồng)”.
Theo thống kê của huyện Phong Điền, từ năm 2011 đến nay, huyện đã xây mới, sửa chữa 233km đường giao thông nông thôn và tới 365 cây cầu.
Ở Hậu Giang cũng vậy, 5 năm qua, tỉnh đã xây mới, sửa chữa 1.471km đường, 857 cây cầu (tổng chiều dài hơn 15,7km).
Trong đó, có trên 180km đường và 65 cây cầu có thể đảm bảo cho xe có tải trọng 5 tấn lưu thông.
Đến nay, Hậu Giang đã có đến 18/54 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông.
“Việc đi lại của bà con đã tuyệt vời lắm rồi.
Tất cả các ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh đã có đường xe hai bánh đi lại được trong hai mùa mưa nắng”- ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết.
Còn theo Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long, nếu 2010, toàn tỉnh chỉ có 45km đường ô tô liên xã, liên ấp, thì đến nay tăng lên 292km.
Đường liên tỉnh từ 221km đường và 112 cầu vào năm 2010, đến nay đã lên đến 272km và 133 cầu.
Hiện nhiều đoạn, tuyến đường đang được đầu tư xây mới như Đường tỉnh 907, 910, 902, 908,…
Đáp ứng đi lại là chưa đủ
" Sau 5 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn đã phát triển khá mạnh mẽ, bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ rệt với hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đi lại cho người dân.. Ông Trần Công Chánh – Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
Mặc dù việc xây dựng NTM đã đạt nhiều kết quả, song theo ông Phạm Văn Quỳnh – Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ, thời gian tới, T.Ư cần quan tâm, tăng nguồn vốn thực hiện cho Chương trình NTM, Chính phủ nên tiếp tục có những chính sách ưu tiên đầu tư cho hạ tầng nông thôn, hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu...
“Các sở, ban ngành trong thành phố cần tăng cường lồng ghép các chương trình, dự án...
vào xây dựng NTM, giúp tăng thu nhập cho người dân, từ đó người dân mới có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho địa phương” – ông Quỳnh nhận định.
Trong khi đó, ông Trương Cảnh Tuyên cho rằng: Đến nay, đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng được nhu cầu đi lại của phương tiện lưu thông nhỏ nên khó thu hút doanh nghiệp vào khu vực này, nhất là doanh nghiệp thu mua chế biến nông sản.
Tới đây, tỉnh Hậu Giang cũng sẽ tập trung lồng ghép nhiều chương trình, dự án và tiếp tục nhận sự đóng góp từ nhân dân để cùng nhau thực hiện, hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn.
Còn tại Vĩnh Long, bà Vương Thị Thu Hưởng) - Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho rằng: “Mặc dù vùng nông thôn đã có nhiều đổi mới, với 23 xã đạt tiêu chí số 2 về hạ tầng (vượt kế hoạch đề ra), nhưng nhìn chung vẫn chưa hoàn thiện.
Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục phấn đấu vận động xã hội hoá để xây dựng thêm nhiều cây cầu, đường bê tông”.
Đánh giá về chương trình xây dựng hạ tầng NTM ở ĐBSCL, ông Trần Hữu Hiệp – Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết: Thực tế việc xóa dần cảnh “đôi bờ chia cắt” ở ĐBSCL chỉ mới đáp ứng được việc đi lại chứ chưa phục vụ được nhu cầu vận chuyển hàng hóa, chưa phát triển được đa mục tiêu của các địa phương.
“Điểm nghẽn này là do thiếu vốn và cần phải được “khai thông” trong thời gian tới.
Có như vậy mới thu hút được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào vùng nông thôn, không dừng lại ở mức chỉ có khoảng 1% doanh nghiệp đã đầu tư (thống kê của Bộ NNPTNT) như trước đây” – ông Hiệp nói.
Ông Trần Hữu Hiệp – Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết: Sau 5 năm xây dựng NTM, vùng ĐBSCL đã xuất hiện nhiều “điểm sáng” đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, đích đến vẫn còn đang ở phía trước.
Thời gian tới, ngoài tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, các địa phương cần tạo ra một môi trường NTM đáng sống được đo lường bằng sự hài lòng của người dân hơn là những “tiêu chí kỹ thuật”.
Yêu cầu đó, phụ thuộc vào kết quả sáng tạo của quá trình lãnh đạo “cuộc cách mạng”, vận động quần chúng, phát huy vai trò làm chủ của người dân.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ