Tin thủy sản 5 thực hành tốt nhất trong nuôi tôm thâm canh

5 thực hành tốt nhất trong nuôi tôm thâm canh

Tác giả Trị Thủy (Lược dịch), ngày đăng 19/12/2019

5 thực hành tốt nhất trong nuôi tôm thâm canh

Các nước như Thái Lan nói riêng đã dẫn đầu phong trào nuôi tôm bền vững. Phần lớn các trang trại nuôi tôm ở Thái Lan có quy mô vừa và nhỏ, và hầu hết được điều hành bởi các gia đình. Thực hành tốt cho phép các gia đình nông nghiệp quy mô nhỏ này ổn định kinh tế và cải thiện tính bền vững của trang trại. Dưới đây là 5 thực hành tốt nhất cho nuôi tôm:

1. Hệ thống vườn ươm 

Hệ thống vườn ươm (nuôi tôm 2 giai đoạn) có những ưu điểm sau:

- Người dân có thể chủ động, kiểm soát được con giống và mùa vụ thả nuôi. 

- Gối đầu giữa vụ này và vụ khác để có thời gian cải tạo ao hồ và xử lý nước được kỹ hơn theo quy trình sản xuất. 

- Hệ thống này giúp tôm ngăn chặn dịch hại, ương vèo tôm trước khi thả nuôi sẽ lảm tăng tỉ lệ sống của tôm ngay giai đoạn đầu.

- Giai đoạn đầu con giống được lấy về có kích thước nhỏ nên có thể nuôi được ở mật độ cao từ 1000 - 3000 con/m3 (thậm chí có nơi đã ương trên 10.000 con/m3). Nên ao ương với diện tích nhỏ có thể ương được lượng giống lớn cung cấp cho nhiều ao cùng một thời điểm.

- Ương trong thời gian ngắn (20-30 ngày) và diện tích ao ương nhỏ (100 – 500m2) nên quản lý, kiểm soát ao nuôi dễ dàng, quy trình nuôi ít thay nước, giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường, giảm tải lượng chất thải, giảm chi phí nhân công, sử dụng hợp lý tài nguyên nước và đất. 

- Từ yếu tố ổn định môi trường, quản lý, chăm sóc, chế độ dinh dưỡng tốt nên chất lượng tôm khỏe, tỷ lệ sống cao và đặc biệt hạn chế tối đa mầm bệnh nhất là bệnh hoại tử gan tụy cấp (vì bệnh hoại tử gan tụy thường biểu hiện ở giai đoạn <40 ngày tuổi).

- Khi ương nuôi ở quy trình này, giúp rút ngắn thời gian nuôi thương phẩm, tốc độ tăng trưởng nhanh, giảm chi phí, tăng vụ nuôi/năm, đem lại hiệu quả kinh tế và khả năng quay vòng vốn nhanh.

Chú ý: San tôm thực hiện vào sáng sớm khi nhiệt độ nước của ao ương và ao nuôi thương phẩm ổn định và chênh lệch không đáng kể. San tôm bằng cách mở van cho tôm và nước xuống ao nuôi thương phẩm hoặc san khô bằng cách sử dụng dụng cụ chứa bằng rổ có nắp đậy, mỗi rổ chứa 2-3 kg tôm, thời gian vận chuyển khi san khô không quá 5 phút.

2. Hệ thống thoát nước trung tâm

Hệ thống thoát nước trung tâm còn gọi là hố xi phong. 

Để ngăn ngừa bệnh tật, nông dân đã nhận thấy tầm quan trọng của việc giữ một môi trường nuôi tôm sạch sẽ. Hệ thống thoát nước trung tâm giúp xi phong làm sạch trầm tích, chất thải từ đáy ao cũng như tôm chết để hạn chế lây lan dịch bệnh. Công nghệ này giữ cho nước ao sạch, cải thiện khả năng sống sót và tăng cường tính bền vững của một trang trại nuôi tôm. Các trang trại có hệ thống thoát nước trung tâm thì thường thành công hơn và bền vững hơn.

3. Lưới ngăn cua và chim

Lưới này giúp bảo vệ và giữ các loài săn mồi xâm nhập vào trang trại nuôi tôm. Cua và chim có thể mang mầm bệnh vào ao nuôi, chim cũng là loài ăn tôm. Việc đảm bảo an toàn sinh học của trang trại nuôi tôm giúp cải thiện sức khỏe của tôm nuôi. 

4. Máy sục khí

Máy sục khí tốt và phù hợp từng mô hình nuôi cho phép chúng ta nuôi tôm nhiều hơn và hiệu quả hơn. Ao có hàm lượng oxy hòa tan cao sẽ giảm căng thẳng và giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như đảm bảo tốc độ tăng trưởng cho tôm. Để máy sục khí hiệu quả cần thiết kế vị trí đặt sao cho nó hoạt động tối ưu và có khả năng gom tụ chất thải vào giữa ao tôm.

5. Ao lót bạt

Ao lót bạt giảm xói mòn bờ ao, giảm sự tích tụ chất độc giữa các vụ nuôi, giúp làm giảm sự thẩm thấu nước vào đáy ao từ đó đảm bảo đủ lượng nước cần thiết. Lót bạt đáy ao cũng giúp giảm chi phí bảo trì và cải thiện tuổi thọ của ao.


Tiêu chuẩn kỹ thuật lựa chọn cá giống Tiêu chuẩn kỹ thuật lựa chọn cá giống Giải pháp đơn giản nhưng xử lý nước thải nuôi thủy sản hiệu quả Giải pháp đơn giản nhưng xử lý nước…