Tin thủy sản 6 tháng đầu năm 2016 tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 88 ngàn tấn

6 tháng đầu năm 2016 tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 88 ngàn tấn

Tác giả Phương Bình, ngày đăng 08/07/2016

6 tháng đầu năm 2016 tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 88 ngàn tấn

6 tháng đầu năm, tổng diện tích thả giống trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản là 35.395ha, đạt hơn 75% kế hoạch năm; trong đó, tôm biển 27.462ha, đạt 78,5%, còn lại là cá tra, tôm càng xanh, nhuyễn thể… Tuy nhiên, tổng sản lượng thu hoạch được là 108.956 tấn, đạt 41% kế hoạch năm.

Hiện toàn tỉnh có hơn 3.700 tàu cá các loại, công suất bình quân 286 CV/tàu. Trong đó, hơn 1.800 tàu hoạt động khai thác thủy sản xa bờ, với công suất bình quân hơn 500 CV/tàu. Có 139 tàu cá được cải hoán và đóng mới. 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 88 ngàn tấn (đạt hơn 50% kế hoạch năm, vượt gần 10% so với cùng kỳ năm 2015).

Về việc triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển khai thác thủy sản, đến nay 12 tàu dịch vụ hậu cần được đóng mới và 5 tàu được đầu tư nâng cấp, tổng số tiền giải ngân hơn 37 tỷ đồng vay theo chính sách tín dụng ưu đãi đặc biệt, tổng số tiền chi hỗ trợ bảo hiểm hơn 26 tỷ đồng.

Lãnh đạo các địa phương kiến nghị tỉnh nên tăng cường phối hợp với địa phương để tổ chức vận hành có hiệu quả hơn về hoạt động của các ban quản lý vùng nuôi; điều chỉnh lại cho hợp lý hơn các quy hoạch các vùng nuôi trước diễn biến quá nhanh của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đặc biệt áp dụng mạnh mẽ chế tài xử lý việc xả thải từ ao nuôi ra xung quanh; sớm thông báo về lịch thời vụ thả nuôi kịp thời; hỗ trợ nhiều hơn về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản thông qua các lớp tập huấn cho ngư dân; triển khai các cơ chế chính sách để tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản…

Ông Nguyễn Hữu Lập cho rằng, lĩnh vực thủy sản nói riêng và ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian qua vì thời tiết, giá cả và việc quản lý còn tương đối lỏng lẻo.

Vì thế trong 6 tháng cuối năm 2016 và những năm tiếp theo, các sở, ngành, địa phương có liên quan đến lĩnh vực thủy sản cần lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, các doanh nghiệp và sâu sát cơ sở hơn nữa để định hướng cho ngành thủy sản phát triển phù hợp một cách bền vững trước tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt là giải quyết không còn vấn nạn ô nhiễm môi trường vùng nuôi.

Các cơ quan chuyên môn cần xem xét, đánh giá lại một số mô hình hiệu quả để kịp thời nhân rộng. Tính toán, tổ chức lại sản xuất, trong đó chú trọng đa dạng hóa chủng loại vật nuôi, đẩy mạnh phát triển sâu rộng hơn nữa mô hình kinh tế tập thể để tăng hiệu quả trên cùng một diện tích canh tác và giảm rủi ro trong sản xuất.

Các sở, ngành liên quan phải kết hợp để kiểm soát chặt chẽ tôm giống từ tỉnh ngoài vào, quản lý tốt thị trường phân thuốc và thực hiện nghiêm các quy định chế tài về quản lý các hoạt động khai thác trên biển đúng với chủ trương, định hướng của Chính phủ, cụ thể là chỉ đạo của UBND tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với Công ty TNHH MTV chuỗi cung ứng thủy sản Hưng Phú (tỉnh Cà Mau); UBND huyện Ba Tri phối hợp với Công ty thủy sản Việt Úc sớm triển khai các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh để tạo tiền đề nhân rộng trong nông dân thời gian tiếp theo. Các sở, ngành, chính quyền địa phương phải xem xét để hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp thủy sản hoạt động trên địa bàn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập đặc biệt lưu ý các huyện biển cần chủ động các phương án phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão để đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng dễ tổn thương bởi thiên tai này.


Cuộc cách mạng từ tôm thẻ chân trắng Cuộc cách mạng từ tôm thẻ chân trắng Kinh nghiệm vàng chọn cá rô đầu vuông sinh sản Kinh nghiệm vàng chọn cá rô đầu vuông…