Tin nông nghiệp 9X mê trồng ổi Đài Loan, bưởi da xanh độc lạ

9X mê trồng ổi Đài Loan, bưởi da xanh độc lạ

Tác giả Chí Trung, ngày đăng 22/11/2016

9X mê trồng ổi Đài Loan, bưởi da xanh độc lạ

Mong muốn tạo những loại cây ăn trái “sạch” phục vụ người tiêu dùng, đảm bảo sức khỏe, bảo vệ môi trường và nói không với thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học là ý tưởng táo bạo vườn ổi Đài Loan và bưởi da xanh độc, lạ của anh Võ Văn Lắm (sinh năm 1992) ngụ ấp Long Hòa, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp).

Anh Lắm nhiều chiêu

Hồng Ngự là vùng đất còn nhiều khó khăn của tỉnh Đồng Tháp, Lắm lại sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Cha mất sớm nên bản thân anh Lắm luôn phải tự lập để nuôi sống bản thân và chăm sóc mẹ. Học hết lớp 10, anh Lắm quyết định nghỉ học để ở nhà phụ giúp gia đình. Trồng 3 công lúa và nuôi cá nên cuộc sống gia đình anh cũng không quá khó khăn, eo hẹp. Cũng bởi vậy, câu hỏi “làm gì để có tiền?” luôn lởn vởn trong đầu Lắm, nên mọi người gọi vui là anh Lắm… lắm chiêu.

Trong ảnh: Anh Võ Văn Lắm chăm sóc vườn trái cây sạch của mình. Ảnh: C.T

Để trái đạt chất lượng, tôi sử dụng phương thức tỉa trái, mỗi nhánh ra 3 trái thì bỏ đi 2, chỉ để lại 1. Việc sử dụng bao trái cũng sẽ giúp trái có chất lượng tốt, trái đẹp, tránh được ruồi đục trái, ruồi vàng gây bệnh sì mũ trên bưởi... Mặt khác, tôi cũng tận dụng diện tích đất trống trồng thêm ngò gai, rau thơm, rau má... để tăng thêm thu nhập, giữ ẩm cho đất, tránh cỏ dại gây hại”. Anh Võ Văn Lắm 

Năm 2011, anh Lắm cùng mẹ về quê ngoại mua 2.000m2 để canh tác. Anh quyết định trồng các loại rau mùa như: Hành lá, bí, cải... nhưng giá cả bấp bênh, nhiều phen thua lỗ. Quyết tâm tìm hướng đi mới, anh Lắm nhiều lần thuyết phục mẹ cho mình chuyển trồng rau màu sang trồng cây ăn trái. Sau khi được mẹ đồng ý, với diện tích 2.000m2, anh Lắm đã đầu tư chuyển đổi sang trồng ổi Đài Loan và bưởi da xanh. Để cho trái nhiều, năng suất cao, phòng trừ tốt các loại bệnh trên cây ăn trái,  anh Lắm vẫn sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cho vườn cây ăn trái của mình.

Anh Lắm cho biết: “Ban đầu vẫn sử dụng phân và thuốc vì đây là phương thức trồng truyền thống của nhiều nông dân trước đây. Vườn ổi cho trái nhiều, trái to nhưng không ngọt. Mặt khác, bán rất khó vì xung quanh cũng có rất nhiều vườn trồng ổi và giá chỉ được 7.000 đồng/kg”.

Sau thời gian dài trồng với phương thức truyền thống, anh Lắm nhận thấy việc phun thuốc trừ sâu rất có hại, vì sẽ trực tiếp hít phải, gây nguy hiểm cho bản thân, người làm xung quanh và người sử dụng trái cây cũng chịu sự tác động lớn. Chính suy nghĩ đó đã giúp anh Lắm đột phá với ý tưởng trồng trái cây sạch phục vụ gia đình, bạn bè và người sử dụng trái cây nhà mình bán ra.

Đầu năm 2014, vườn cây ăn trái của anh Lắm bắt đầu thực hiện phương thức không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật mà thay vào đó là phân chuồng, sử dụng các chế phẩm sinh học để thu hút và diệt các loại sâu hại, ruồi đục trái. Ngoài ra, anh tận dụng sự cân bằng sinh thái thu hút các loại thiên địch để phòng trừ bệnh trên cây trồng. Anh Lắm chia sẻ, anh tận dụng những loại thực vật như: Vỏ đậu xanh, rơm, lá cây để chúng tự hoại mục thành phần cung cấp lại cho cây, điều quan trọng hiện nay không phải là năng suất và phải tạo được sản phẩm an toàn, không độc hại.

Dựng “hàng rào sinh học” để trồng trái cây sạch

Khi việc sản xuất bắt đầu có chiều hướng thuận lợi, anh Lắm nghiên cứu nhiều hơn về cách trồng các loại trái cây sạch và hướng đến nhiều loại sản phẩm khác. Để bảo vệ vườn cây ăn trái của mình, anh Lắm đã sử dụng phương thức bao trái bằng túi nylon cho ổi và túi cước cho bưởi. Phương thức trồng trái cây sạch làm giảm năng suất từ 2 tấn/đợt trái (mỗi đợt khoảng 2 tháng) chỉ còn 1 - 1,2 tấn/đợt hái trái đối với ổi Đài Loan, nhưng bù lại giá bán từ 7.000 đồng/kg tăng lên 15.000 đồng/kg cho các cơ sở trái cây sạch TP.HCM.

Hiện tại, vườn bưởi da xanh của anh đã bắt đầu chuẩn bị cho trái. Để tập trung cho bưởi phát triển tốt, anh đã tỉa thưa số lượng cây ổi Đài Loan trong vườn. Bình quân mỗi tuần vườn ổi cho năng suất từ 100 - 200kg trái với giá 15.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, mỗi tháng anh Lắm có thể thu lãi từ 3 - 4 triệu đồng. Phát huy lợi thế hiện tại, anh còn đầu tư trồng 1.300m2 gừng chuẩn bị cho thu hoạch và cung ứng cho các nhà hàng, quán ăn lớn tại TP.HCM.

Chia sẻ về phương hướng tới, anh Lắm cho biết sẽ tiếp tục mở rộng diện tích và từng bước xây dựng “hàng rào sinh học” bằng cách trồng đậu rồng, đậu đũa, đậu que... để thu hút thiên địch, cách ly với môi trường bên ngoài bảo vệ vườn ăn quả của mình và tăng thêm thu nhập. Anh cũng xây dựng một ao nước để sử dụng nước lọc tưới cho cây ăn trái, sử dụng hệ thống tưới phun để tiết kiệm nước, giảm công chăm sóc. 


Kinh nghiệm sử dụng nấm đối kháng với cây trồng cạn Kinh nghiệm sử dụng nấm đối kháng với… Gỗ Việt sắp có “giấy thông hành” tiến thẳng vào EU Gỗ Việt sắp có “giấy thông hành” tiến…