An Giang trồng rau an toàn trong nhà lưới giá rẻ
Ăn rau sạch đúng nghĩa
Thời gian qua, tình trạng nông dân sản xuất rau, màu vô tư sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đã ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người tiêu dùng. Trong xu thế hội nhập, đòi hỏi nhà nông cần phải thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn, nhằm cạnh tranh lành mạnh trên thương trường và an toàn cho người tiêu dùng về lâu dài. Mới đây, nhiều người “lướt phây” thấy thạc sĩ Tuấn ăn sống những cọng rau xà lách trong nhà lưới ngọt lịm, mà không cần rửa sạch thì rất ngạc nhiêu. Chuyện tưởng đùa, nhưng sự thật 100%. Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới do thạc sĩ Tuấn ứng dụng tại cồn Bình Thạnh (Châu Thành, An Giang) được nông dân và ngành chuyên môn đánh giá cao. Đây được xem là mô hình tiên tiến giảm chi phí sản xuất, giúp người tiêu dùng có thực phẩm “sạch” đúng nghĩa.
Thạc sĩ Tuấn cho biết, mô hình nhà lưới giá rẻ rất dễ làm, dễ ứng dụng cho từng hộ nông. Chỉ với 500m2 đất canh tác, nông dân đầu tư mô hình nhà lưới chỉ cần 15 triệu đồng. “Vật tư gồm: Trụ bê tông, dây chì, lưới bao quanh và ống nước phun sương tự động. Thời gian sử dụng nhà lưới khoảng 10 năm, riêng lưới cước bao bọc bên ngoài từ 2-3 năm phải thay mới một lần. Trong quá trình sử dụng, nhà nông cần chú ý khâu chằng níu nhà lưới thật kiên cố để tránh gió lùa quật sập…”- thạc sĩ Tuấn hướng dẫn và nói thêm, mô hình nhà lưới giá rẻ có thế mạnh vượt trội hơn so với mô hình trồng rau truyền thống là hạn chế được 70% chi phí phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm 20% lượng phân bón (đạm, NPK, DAP). Ngoài ra, sản lượng rau thu hoạch cũng cao hơn trồng rau truyền thống từ 0,5-1 tấn/công.
Cung cấp cho người tiêu dùng
Tuy nhiên, trong quá trình xuống giống rau, đòi hỏi nhà nông phải kỹ lưỡng, đặc biệt là khâu làm đất. Do đó, thạc sĩ Tuấn khuyến cáo nhà nông nên xới đất, phơi đất, dùng thuốc tiêu diệt mầm bệnh trong đất, rồi bao bọc lưới thật kỹ. Sau đó, nên xuống giống hoặc gieo cấy cây giống trong nhà lưới để tránh sâu bệnh chui vào bên trong. “Chỉ cần 100 con sâu tơ lọt vào trong nhà lưới, mỗi con đẻ 200 trứng thì đám rau sẽ bị chúng tàn phá dữ dội. Rau được trồng trong nhà lưới có màu sắc xanh mơn mởn, lá có độ bóng, rất bắt mắt và an toàn cho người tiêu dùng…”- thạc sĩ Tuấn nói.
Trước đó, anh Đào Văn Quyết ở xã Bình Thạnh cũng được thạc sĩ Lưu Minh Tuấn hướng dẫn ứng dụng mô hình trồng rau ăn lá trong nhà lưới đem lại hiệu quả khả quan. Anh Quyết hồ hởi: “Tôi ứng dụng khoảng 500m2 trồng thử nghiệm, không ngờ đám rau cho năng suất cao. Thương lái tranh nhau mua, bởi mình trồng rau vì sức khỏe người tiêu dùng, không chạy theo lợi nhuận mà phun thuốc tăng trưởng”.
Anh Quyết nói thêm, cây cải bẹ dún có thời gian trồng 35 ngày, trong quá trình canh tác, anh giảm đến 6 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và giảm bón phân 15kg/công. Ban đầu chỉ cực khâu làm đất, gieo giống. Khi cây giống lớn lên, chỉ cần vặn van là nước phun sương tự động, nhẹ công chăm sóc hơn trồng bên ngoài, mà giá cả lại cao hơn.
Vừa rồi, anh Quyết bán cải bẹ dún được 4.500 đồng/kg, cao hơn giá thị trường từ 500 - 1.000 đồng/kg mà thương lái rất chuộng. Hướng tới, anh mạnh dạn đầu tư mô hình nhà lưới thêm 15 công đất còn lại để sản xuất rau an toàn cung ứng cho thị trường.
Thạc sĩ Lưu Minh Tuấn khẳng định, mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới giá rẻ phù hợp với các loại ra ăn lá, như: Cải bẹ dún, xà lách, bông cải, bắp cải, hành cọng… Nếu giá cả thị trường ổn định thì trồng rau an toàn trong nhà lưới mang lại hiệu quả hơn trồng rau theo cách truyền thống. Tới đây, thạc sĩ Tuấn sẽ thu hoạch 1.000m2 cải bẹ dún trong nhà lưới và mở “cửa hàng mini” tại 3 điểm (Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành, trước Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh và tại nhà riêng) để cung cấp rau an toàn cho người tiêu dùng với giá rẻ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ