Nghêu Ảnh hưởng của bệnh do Perkinsus marinus trên nhuyễn thể

Ảnh hưởng của bệnh do Perkinsus marinus trên nhuyễn thể

Tác giả TS Nguyễn Thị Hạnh Tiên, ngày đăng 26/05/2020

Ảnh hưởng của bệnh do Perkinsus marinus trên nhuyễn thể

Bệnh do ký sinh trùng đơn bào Perkinsus là một trong số bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng ở nhuyễn thể trên phạm vi toàn cầu. Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đưa bệnh do nhóm ký sinh trùng đơn bào nội ký sinh Perkinsus spp. vào danh sách các bệnh bắt buộc phải khai báo và kiểm dịch trên nhuyễn thể.

Hàu bị bệnh Perkinsus marinus ảnh hưởng đến năng suất nuôi. Ảnh: CBP

Tác nhân gây bệnh

Bệnh gây ra do sinh vật đơn bào thuộc ngành bào tử Apicomplexa (Levine, 1978), ký sinh trên mang, màng áo, tế bào biểu mô ruột, các tổ chức mô liên kết của tuyến tiêu hóa và tuyến sinh dục của nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Perkinsus marinus là ký sinh trùng đầu tiên được phát hiện trên nhuyễn thể nuôi. Chúng được tìm thấy lần đầu tiên trên hàu, sau đó là trên điệp, nghêu và bào ngư. Perkinsus marinus lây truyền trực tiếp giữa động vật thân mềm mà không cần vật chủ trung gian. Chu kỳ sống của Perkinsus sp. gồm ba giai đoạn chính: Giai đoạn dinh dưỡng (trophozoite), tăng trưởng (hypnospore), bào tử động (zoospores). Đường kính bào tử Perkinsus biến động từ 7,7 - 15,8 µm, trung bình 10,9 µm. Ở Việt Nam, từ năm 2007 đã phát hiện ký sinh trùng Perkinsus sp. trên nghêu lụa ở vùng biển Kiên Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 2010, lần đầu tiên ký sinh trùng Perkinsus sp. được phát hiện trên nghêu tại huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Một số loài Perkinsus được phát hiện trên thế giới như Bảng 1.

Đặc điểm dịch tễ

Bệnh Perkinsus marinus xảy ra trên nhuyễn thể hai mảnh vỏ như hàu, vẹm, ngao...; nuôi thâm canh mật độ cao là một trong các nguyên nhân làm cho dịch bệnh dễ dàng phát sinh. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường tập trung nhiều nhất vào mùa thu và ít nhất vào đầu mùa xuân khi nhiệt độ môi trường trên 200C, độ mặn từ 9‰ - 12‰. Cường độ nhiễm bệnh tăng cao khi môi trường tăng độ mặn trên 12‰. Nhuyễn thể hai mảnh vỏ bị nhiễm bệnh với tỷ lệ cao, tỷ lệ chết có thể lên đến 95% khi điều kiện môi trường bất lợi đối với vật chủ.

Bảng 1 (Nguồn: Ngô Thị Thu Thảo, 2008)

Triệu chứng lâm sàng

Biểu hiện chủ yếu của bệnh Perkinsus marinus là nhuyễn thể hai mảnh vỏ sinh trưởng chậm. Tuyến sinh dục của chúng chậm phát triển, giảm sức sinh sản và làm chậm chu kỳ sinh sản. Nhuyễn thể hai mảnh vỏ có hiện tượng nổi lên cát, mở vỏ và chết hàng loạt. Trên nghêu và hàu, Perkinsus sp gây sinh trưởng chậm, mở vỏ và chết hàng loạt. Ở nghêu Manila, bào tử Perkinsus thường xuất hiện từng đám trên màng áo, mang, mô liên kết tuyến tiêu hóa và tuyến sinh dục nhưng chúng ít xuất hiện ở chân, cơ khép vỏ và siphon. Những con nghêu bị nhiễm nặng thường có những đốm trắng trên màng áo, mang và chân do phản ứng của cơ thể khi bị ký sinh trùng xâm nhập. Những đám bào tử Perkinsus xuất hiện dày đặc trên mang, mô liên kết tuyến tiêu hóa và mô liên kết tuyến sinh dục ở những đối tượng bị nhiễm bệnh nặng. Tổn thương và xung huyết trầm trọng trên mang sẽ làm giảm hiệu quả lọc thức ăn và do đó làm giảm sinh trưởng của vật chủ. Bào tử ký sinh trùng xâm nhập trên mô liên kết ống tiêu hóa có thể làm thay đổi cấu trúc, làm mất dần các tế bào hấp thu dinh dưỡng do đó ảnh hưởng xấu đến quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Perkinsus còn xâm nhập mô liên kết tuyến sinh dục làm ảnh hưởng đến quá trình sinh sản.

Ở hàu châu Mỹ, khi nhiễm Perkinsus marinus cao sẽ làm tiêu hao năng lượng đầu tư cho quá trình sinh trưởng và sinh sản, kết quả làm giảm tốc độ sinh trưởng và sức sinh sản. Trên nghêu Manila, vào mùa sinh sản, nghêu khỏe mạnh sinh ra lượng trứng tương đương 20 - 30% khối lượng cơ thể của chúng. Khi nghêu bị nhiễm bệnh nặng, lượng trứng mà chúng sinh ra thấp hơn 2 lần so với số trứng bình thường của nghêu khỏe mạnh.

Bệnh tích

Khi bị nhiễm bệnh, nhuyễn thể hai mảnh vỏ gầy rạc, mô chảy nước, co màng áo, tuyến tiêu hóa nhợt máu. Bào tử Perkinsus marinus xuất hiện từng đám trên màng áo, mang, mô liên kết, tuyến tiêu hóa và tuyến sinh dục với biểu hiện là những nốt sần màu nâu trắng hoặc những cái nang trên mặt của màng áo, mang. Sự nhiễm Perkinsus marinus nặng gây tổn thương và xung huyết nghiêm trọng trên mang, mô ruột và mô liên kết của nhuyễn thể hai mảnh vỏ.

Mẫu được xác định là nhiễm bệnh do Perkinsus marinus khi có đặc điểm dịch tễ, triệu chứng lâm sàng, bệnh tích điển hình của bệnh và có kết quả dương tính với Perkinsus marinus bằng phương pháp PCR trong phòng thí nghiệm.

Phòng bệnh

Bệnh do Perkinsus marinus gây ra có khả năng lây lan rất nhanh và chưa có giải pháp chữa trị hữu hiệu. Do đó để phòng và hạn chế lây lan bệnh này, người nuôi cần thực hiện biện pháp phòng bệnh tổng hợp, gồm chọn giống đã qua kiểm dịch, mật độ nuôi hợp lý, không thả ở những vùng nước quá nông. Giống trước khi thả nên được tắm qua nước ngọt để loại bỏ bào tử của Perkinsus sp. thả con giống đảm bảo chất lượng. Cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra các yếu tố môi trường nước như nhiệt độ, độ mặn... ở khu nuôi để có giải pháp kịp thời khi các yếu tố môi trường bất lợi. Định kỳ kiểm tra sinh trưởng và tỷ lệ sống. Lưu ý kiểm tra vật nuôi ngay sau khi có hiện tượng thời tiết bất thường như khi có bão, dịch bệnh hoặc có mưa lớn hay nắng nóng kéo dài…

Khi nhuyễn thể đạt kích cỡ thu hoạch nên thu hoạch sớm để tránh thiệt hại. Đối với nhuyễn thể chưa đạt kích cỡ thu hoạch nên san thưa mật độ không để mật độ nuôi quá dày. Mật độ thích hợp với cỡ giống 400 - 600 con/kg là 180 - 200 con/m2, cỡ giống nuôi 600 - 800 con/kg nên nuôi dưới 250 con/m2 và đối với với cỡ giống 800 - 2.000 con/kg nên thả 250 - 300 con/m2. Khi có hiện tượng ngao, vẹm chết, cần thu gom, xử lý để tránh lây lan sang các cá thể còn sống, có biện pháp khai thông vùng đọng nước để tránh hiện tượng đọng nước.

Perkinsus marinus có thể tồn tại dai dẳng suốt vòng đời vật chủ. Perkinsus gây ra tỷ lệ chết cao và thường xuyên cho nhiều loài nhuyễn thể như hàu, điệp, bào ngư, nghêu, vẹm, sò huyết và trai ngọc nước mặn. Bệnh đã gây thiệt hại đáng kể cho nghề nuôi nhuyễn thể ở nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam.


Một số khuyến cáo trong nuôi ngao khi thời tiết nắng nóng Một số khuyến cáo trong nuôi ngao khi…