Ảnh hưởng của độ mặn lên tăng trưởng của tôm
Độ mặn của nước rất quan trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến sự tồn tại, phát triển và giúp duy trì các chức năng sinh lý, sinh trưởng của tôm, đặc biệt là trong giai đoạn tôm giống.
Tầm quan trọng
Độ mặn là nồng độ của tất cả các muối khoáng có trong nước. Độ mặn của nước rất quan trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến sự tồn tại, phát triển và giúp duy trì các chức năng sinh lý của tôm. Thông qua quá trình điều hòa áp suất thẩm thấu, tôm phải duy trì hàm lượng muối khoáng hòa tan trong cơ thể chúng ở mức độ ổn định. Cũng như nhiệt độ, mỗi loài cá, tôm đều có khoảng độ mặn thích hợp để sinh trưởng và phát triển. Khoảng chịu đựng độ mặn của tôm thẻ chân trắng là 5 – 35‰. Khi độ mặn thay đổi trong vài phút hay vài giờ hơn 10 ppt một lần thì tôm sẽ không có khả năng chịu đựng được.
Theo một vài nghiên cứu, độ mặn cũng ảnh hưởng đến hoạt tính kháng khuẩn và khả năng miễn dịch của tôm; tuy nhiên, hệ thống miễn dịch có thể hồi phục từ sự thay đổi về độ mặn trong vòng 6 ngày. Các enzyme xúc tác các hoạt động trong cơ thể cũng nhạy cảm bởi sự gia tăng nhất định của độ mặn. Nhất là enzyme phenoloxidase xúc tác cho sự melanosis (tạo đốm đen trên vỏ tôm), đây là cơ chế chống lại vi khuẩn của tôm trong hệ miễn dịch, tuy nhiên tại tạo nên sự khác biệt cho tôm làm mất giá trị kinh tế.
Độ mặn thích hợp nuôi tôm thẻ chân trắng 5 – 15‰, tôm sú là 15 – 20‰. Biến động trong ngày không quá 5 ppt. Trong nuôi thủy sản nước lợ, biến đổi độ mặn có ảnh hưởng lên sinh trưởng của tôm thẻ chân trắng giai đoạn giống. Tuy nhiên, cũng có nghiên cứu cho biết biến động độ mặn trong khoảng thích hợp sẽ kích thích tôm lột xác và nhanh lớn hơn.
Nghiên cứu Su et al. (2010) cho rằng, một mức biến động là 2 ngày/lần tôm thẻ chân trắng nuôi ở độ mặn biến động ± 5‰ và ± 10‰ có tăng trưởng tốt hơn tôm nuôi ở độ mặn không biến động hoặc biến động ± 15‰. Do biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa to kéo dài có thể làm giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi, gây khó khăn cho quá trình chăm sóc tôm; đặc biệt là trong giai đoạn thả giống, sự thay đổi độ mặn có thể ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của tôm.
Ảnh hưởng khi độ mặn thay đổi
Tôm thẻ chân trắng ngày càng được nuôi nhiều ở độ mặn thấp, do chúng có khả năng thích nghi cao. Trong giai đoạn giống, tôm thẻ chân trắng luôn sống trong môi trường có độ mặn khá cao, nhưng sau quá trình thuần hóa nhờ sức chịu đựng cao mà ở những vùng có độ mặn thấp tôm vẫn sống và phát triển tốt được. Trường hợp độ mặn quá thấp, dưới 5‰, các ion Ca2+, Mg2+, Na+, K+… trong nước với hàm lượng thấp làm cho quá trình lột xác của tôm diễn ra không đồng đều, tôm dễ bị mềm vỏ sau khi lột làm tăng tỷ lệ hao hụt lên gấp nhiều lần. Sau khi trời mưa, nước ao bị giảm độ mặn đột ngột cũng ảnh hưởng rất lớn đến tôm, nhất là quá trình lột xác của tôm bị kích thích mà chất dinh dưỡng cũng như khoáng chất cần thiết cho quá trình mềm vỏ không đủ để cung cấp. Do đó, tôm bị suy giảm sức đề kháng và rất dễ bị vi khuẩn tấn công, gây nên các bệnh nguy hiểm, tiếp đó làm tôm nhạy cảm nhiều hơn với các chất độc chứa nitơ như NH3, NO2…
Ngược lại khi tôm thẻ chân trắng sống trong môi trường có độ mặn quá cao, trên mức chịu đựng, tôm sẽ còi cọc, chậm lớn, thậm chí là sốc và chết hàng loạt. Cùng đó, khi độ mặn tăng cao, bệnh phân trắng và hoại tử gan tụy cấp tính (tôm chết sớm – EMS) sẽ diễn biến hết sức phức tạp, gây nên dịch bệnh làm thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế. Độ mặn cao sẽ gây biến đổi một số thông số môi trường như pH, độ kiềm; còn làm tảo trong ao nuôi tôm phát triển nhanh, sinh nhiều khí độc… Đặc biệt, nguồn ôxy trong nước sẽ càng tăng mạnh vào ban ngày, nhưng lại giảm tối thiểu vào ban đêm. Khi đó, môi trường sẽ thiếu ôxy, dẫn đến tôm thường nổi đầu vào lúc nửa đêm.
Nghiên cứu (được đăng trên Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam số 2/2018) được thực hiện tại trại thực nghiệm thuộc Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ. Đối tượng thí nghiệm là tôm sú PL12 đã được kiểm tra sạch bệnh. Nguồn nước thí nghiệm là nước máy có độ mặn 0‰ và nước ót có độ mặn 80 – 90‰ mua từ Bạc Liêu. Trong 7 nghiệm thức được thực hiện, có 5 nghiệm thức tôm được thả trực tiếp ở các độ mặn 5‰, 10‰, 15‰, 20‰ và 30‰; 2 nghiệm thức còn lại được chia làm 2 nhóm nhỏ để thuần nhanh từ độ mặn 20‰ xuống 5‰ trong vòng 3 giờ và thuần chậm từ độ mặn 20‰ xuống 5‰ trong 3 ngày.
Mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần và được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên trong bể nhựa chứa 70 lít nước, mật độ 2 con/lít. Tôm được cho ăn 4 lần/ngày bằng thức ăn số 1 (40% đạm) của C.P với chế độ cho ăn theo khối lượng thân tôm. Kết quả cho thấy, khi sốc độ mặn càng lớn thì tăng trưởng về chiều dài của tôm càng thấp, tỷ lệ sống của tôm bị ảnh hưởng khi thay đổi độ mặn đột ngột (giảm từ 10 – 15‰) và tôm từ độ mặn 20‰ thả nuôi trực tiếp (không qua thuần hóa) xuống độ mặn 5‰ và 10‰ có tỷ lệ sống thấp hơn so với các nghiệm thức còn lại sau 20 ngày nuôi. Bên cạnh đó, tôm tăng trưởng về chiều dài, khối lượng và tỷ lệ sống cao nhất là ở nghiệm thức 20‰ và ngưỡng sốc độ mặn từ 15 – 30‰ không ảnh hưởng đến sinh trưởng của tôm.
Theo một nghiên cứu cũng đăng trên Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; đối tượng thí nghiệm tôm thẻ chân trắng được nuôi theo dạng cá thể có khối lượng ban đầu là 0,007 g/cá thể được nuôi trong keo nhựa 5L chứa 2L nước biển 20‰, mỗi nghiệm thức được lặp lại 30 lần và biến động độ mặn là ± 5‰, thí nghiệm được thực hiện trong 45 ngày. Kết quả, sau 45 ngày ương cho thấy tôm nuôi ở biến động ± 5‰ chu kỳ biến động độ mặn 6 ngày/lần có chu kỳ lột xác ngắn nhất (4,9 ngày/lần) và phầm trăm tôm tham gia lột xác là cao nhất là 22,1%/ngày. Trái lại, tôm ở nghiệm thức đối chứng không có biến động độ mặn thì chu kỳ lột xác dài nhất (5,3 ngày).
Điều này cho thấy sự biến động độ mặn có tác động đến lột xác cûa tôm, với chu kỳ 6 ngày/lần chu kỳ lột xác của tôm ngắn nhất và phần trăm tôm tham gia lột xác/ngày cao nhất. Sau 45 ngày nuôi, tôm có tăng trưởng về khối lựợng tốt nhất (0,88 g/cá thể) ở biến động ± 5‰ chu kỳ biến động độ mặn 6 ngày/lần, kế đến là biến động ± 5‰ chu kỳ biến động độ mặn 4 ngày/lần (0,85 g/cá thể) và tôm nuôi ở lô đối chứng với độ mặn không thay đổi (0,83 g/cá thể). Tỷ lệ sống ở biến động ± 5‰ chu kỳ biến động độ mặn 6 ngày/lần cho kết quả tốt nhất (80%) và cao hơn nghiệm thức đối chứng. Kết quả thí nghiệm này cho thấy, tôm ương có độ mặn thay đổi và chu kỳ biến động độ mặn là 6 ngày/lần có chu kỳ lột xác ngắn, tỷ lệ lột xác/ngày cao, dẫn đến tăng trưởng về khối lượng tốt hơn so với tôm nuôi ở độ mặn không thay đổi.
Vậy theo kết quả nghiên cứu, trong thực tế nuôi người dân nên thay nước mới với nồng độ muối không chênh lệch quá 5‰ với chu kỳ thay nước là 6 ngày/lần để kích thích tôm lột xác tốt hơn. Còn nếu thời tiết mưa nhiều thì cố gắng duy trì độ mặn giảm không quá 5‰ bằng cách tháo bớt nước ngọt tầng mặt khi có sự phân tầng độ mặn do trời mưa to. Nếu muốn thay đổi độ mặn cho ao nuôi thì việc thuần hóa để tôm tập quen dần với độ mặn mới là vô cùng quan trọng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ