Ảnh hưởng của stress nhiệt đến vật nuôi trong mùa khô ở vùng Đông Nam Bộ
Tóm lược
Mỗi loài động vật cần có một phạm vi nhiệt độ không khí để sống được thoải mái, đó là phạm vi nhiệt độ tối ưu được giới hạn giữa nhiệt độ tới hạn thấp và nhiệt độ tới hạn cao. Khoảng nhiệt độ này, với gà là 16 – 25 độ C. Khi nhiệt độ không khí vượt lên trên nhiệt độ tới hạn cao và bức xạ nhiệt vượt quá nhiệt độ bề mặt da con vật, con vật sẽ bị stress nhiệt. Stress nhiệt làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, giảm khả năng sinh sản và lượng sữa gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi.Vì vậy cần có các giải pháp thích hợp về (giống, chuồng trại, chăm sóc, dinh dưỡng…) để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
I. GIỚI THIỆU
Nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết thay đổi theo mùa, theo vùng miền và trong ngày cũng có sự biến động không nhỏ gây ra hiện tượng tress nhiệt ở vật nuôi và biểu hiện rõ nhất là ở vùng Đông Nam Bộ với mùa khô nắng nóng, nhiệt độ cao nhất trong mùa có lúc nên đến 40 độ C.
Stress nhiệt là trạng thái nhiệt độ môi trường chênh lệch lớn với vùng nhiệt độ trung hòa của cơ thể gia súc, gây xáo trộn các hằng số sinh lý trong cơ thể. Vùng nhiệt độ trung hòa là vùng nhiệt độ môi trường tốt nhất giúp cơ thể gia súc có thể đạt năng suất tối đa và chịu tác động của stress ở mức tối thiểu. Vùng nhiêt độ trung hòa phụ thuộc vào tuổi, giống, lượng thức ăn tiêu thụ, thành phần thức ăn, tình trạng sản xuất, điều kiện chuồng nuôi. Ở vùng nhiệt độ này thú duy trì thân nhiệt bằng cách co hoặc giãn mạch, thay đổi tư thế, hành vi, bộ lông, đổ mồ hôi hoặc thở dốc. Về môi trường ngoại cảnh, stress nhiệt còn là sự kết hợp giữa nhiệt độ, độ ẩm tương đối và tốc độ gió. Tuy nhiên, những nhân tố về động vật (tuổi tác, độ dài và màu lông, trạng thái dinh dưỡng) tương tác với những nhân tố ngoại cảnh đã tạo nên tính chất nghiêm trọng của stress nhiệt. Do đó vấn đề chống stress nhiệt cho vật nuôi là một khâu hết sức quan trọng
II. NỘI DUNG
2.1 Biểu hiện của hiện tượng stress nhiệt trên vật nuôi
Stress nhiệt làm cho vật nuôi mệt nhọc, choáng váng, lờ đờ, thân nhiệt tăng (bò, lợn: > 40 độ C), toát mồ hôi (ở những vật nuôi có tuyến mồ hôi), tăng nhịp thở và nhịp tim, uống nhiều nước, ngất, cuối cùng có thể chết. Bò mẫn cảm với stress nhiệt nhiều hơn so với con người, mặc dù bò cũng có phạm vi chịu đựng nhiệt rộng như con người. Những bò nặng cân (>500kg) hoặc có da sẫm màu dễ mẫn cảm với stress nhiệt hơn bò nhẹ cân. Với lợn thì do thân nhiệt của lợn trong điều kiện sinh lý bình thường luôn giữ ổn định ở mức 39 độ C, khi bị stress nhiệt, con vật phải toả nhiệt để duy trì thân nhiệt ở mức này, để toả nhiệt con vật không thể toát mồ hôi vì trên da của chúng không có tuyến mồ hôi (trừ phần da quanh mõm). Phương thức toả nhiệt của lợn là tăng nhịp thở (nhịp thở có thể tăng từ 20 lần/phút lên 160 lần/phút), tăng sự tiếp xúc với các bề mặt có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể như nằm ép bụng xuống sàn chuồng hay đằm tắm trong nước, thậm chí trong phân và nước tiểu do chúng thải ra. Mặt khác, con vật cũng phải tìm cách giảm sản sinh nhiệt trong cơ thể bằng cách giảm lượng thức ăn ăn vào. Đối với gà khi nhiệt độ tăng cao các hoạt động của cơ thể bắt đầu thay đổi, cánh rã, để giữ cho cơ thể không tổn thất nhiệt độ, giảm hoạt động, tăng lượng nước tích tụ và giảm ăn, 75% năng lượng trao đổi trong cơ thể chuyển thành nhiệt độ để đền bù tổn thất nhiệt.
2.2 Ảnh hưởng của hiện tượng stress nhiệt đến vật nuôi
Stress nhiệt gây ảnh hưởng cho sức khoẻ vật nuôi, như: giảm sức sinh trưởng, giảm mức ăn được (có thể đến 20%), giảm năng suất sữa, giảm khả năng cho thịt và kéo dài thời gian đạt khối lượng xuất chuồng. Trong trao đổi chất, stress nhiệt làm cho vật bị thất thoát những chất khoáng (K, Na, P, Mg, Zn).
Stress nhiệt làm giảm sinh sản ở bò sữa (rút ngắn thời gian chịu đực, giảm tỉ lệ thụ thai, nang trứng giảm kích cỡ và sự phát triển, dễ chết phôi, giảm kích thước và sự phát triển thai bê). Khi nhiệt độ môi trường tăng cao, bò có khuynh hướng giảm những hoạt động cơ thể để hạn chế quá trình sản sinh nhiệt: dành nhiều thời gian nghỉ ngơi; ăn ít, uống nhiều nước, giảm thời gian gặm cỏ làm cho sản lượng và chất lượng sữa bị giảm. Ngoài ra, người ta cũng nhận thấy bò có biểu hiện giảm những hoạt động tính dục như không nhảy chồm lên bò khác hoặc ít kêu rống, di chuyển, khả năng sinh sản cũng bị ảnh hưởng. Theo Đoàn Đức Vũ sau khi gặp phải stress nhiệt, nếu dùng biện pháp kỹ thuật để giảm một đơn vị THI (chỉ số nhiệt - ẩm) thì tăng được 0,11kg sữa/ngày. Trong điều kiện bò có sức khỏe bình thường, nếu nhiệt độ trực tràng tăng 1 độ C so với bình thường thì bò giảm 1kg sữa. Theo Johnson H.D (1985), thành phần của sữa (béo, đạm và các chất rắn khác) đều giảm trong điều kiện nhiệt độ cao. Không chỉ làm giảm lượng sữa, stress nhiệt còn làm giảm khả năng sinh sản của bò. Theo Cartmill (2001) chỉ số THI từ 72 trở lên thì tỷ lệ thụ thai giảm. Khi thân nhiệt khoảng 40 độ C do nhiệt độ môi trường lên khoảng 32,2 độ C trong 72 giờ sau khi gieo tinh thì tỷ lệ đậu thai sẽ bằng 0%.
Bảng 1: Ảnh hưởng của chỉ số nhiệt ẩm trong 2 ngày trước khi phối giống đến tỷ lệ thụ thai của bò HF
THI (chỉ số nhiệt - ẩm) | 68 | 78 |
Tỷ lệ thụ thai của bò | 66 % | 35 % |
Stress nhiệt có ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản: sẩy (chết) thai, động dục lại (sau khi đẻ) bị muộn, phối giống khó thụ thai (stress nhiệt ảnh hưởng đến khả năng thụ thai trong vòng 5 tuần). Với lợn nái, sự phát triển của phôi bị đe doạ khi nhiệt độ không khí vượt quá 32 độ C và kéo dài liên tục trong tháng chửa đầu. Theo một nghiên cứu của Bang Texas (Mỹ), khi nhiệt độ không khí 37 - 43 độ C, tỉ lệ lợn con chết (trước khi cai sữa) có thể đến 30%. Với lợn đực, stress nhiệt ảnh hưởng xấu đến chất lượng tinh trùng (giảm hoạt lực đến 50 - 60%, kéo dài 2 - 6 tuần), giảm khả năng thụ thai và số lợn con sinh ra trong ổ (cho dù sau khi hết đợt nóng). Với gà, khi nhiệt độ không khí >32 độ C, giảm mức ăn được, giảm tăng khối lượng cơ thể, trứng giảm khối lượng, vỏ trứng kém chất lượng. Khi nhiệt độ 35 - 380C, gà mái đẻ, gà thịt nặng cân có thể bị kiệt sức. Khi nhiệt độ >39 độ C, nhiệt thu vào vượt quá nhiệt thải ra, thân nhiệt tăng đến gần nhiệt gây tử vong và làm cho gà nhiều tuổi dễ chết hơn gà ít tuổi. Khi nhiệt độ từ 40 độ C trở lên, gà bắt đầu chết.
2.3 Các biện pháp khắc phục
Cung cấp đầy đủ nước uống, bổ sung chất dinh dưỡng
- Cung cấp nước đầy đủ, tạo điều kiện cho heo tự điều hòa thân nhiệt một cách tốt nhất. Khi nhiệt độ không khí mùa hè lên cao, cứ mỗi 50kg thể trọng bò, cần cho uống 8 lít nước; tốt nhất nên cho vật nuôi uống nước lạnh hoặc bồn chứa nước, máng uống cần được che nắng. Khi nhiệt độ không khí >33 độ C, bò có thể uống nước nhiều gấp đôi khi nhiệt độ 20 độ C.
- Nếu mức ăn được của lợn bị giảm, cần tăng thêm 13% mức lysine nhiều hơn so với những lợn không bị stress nhiệt, đồng thời tăng mức năng lượng, ví dụ bổ sung chất béo vào khẩu phần (2 - 6%). Khi có stress nhiệt, không cho lợn ăn nhiều xơ (cám lúa mì, vỏ hạt đậu tương, alfalfa). Trong thức ăn hoặc nước uống, cần bổ sung các chất điện giải (KCl, NH4Cl, NaCl, NaHCO3) và các vitamin (A, D, E và B complex).
Chuồng trại phải thông thoáng
- Chọn nơi thoáng mát, cao ráo để xây dựng chuồng trại. Tránh việc để ánh nắng chiếu trực tiếp vào heo nái bằng cách bố trí hướng chuồng cũng như trồng các loại cây lâu năm, tán rộng trong trại.
- Trang bị các hệ thống điều hòa nhiệt độ trong chuồng như hệ thống phun sương, phun mưa, hoặc tốt nhất là xây chuồng kín với hệ thống làm lạnh. Chủ động điều khiển nhiệt độ trong chuồng nuôi, tránh hiện tượng chênh lệch nhiệt độ quá cao trong chuồng tại các thời điểm trong ngày (ngày, đêm). Nếu lợn được nuôi trong chuồng kín, khi nào nhiệt độ không khí trên 30 độ C, cần có quạt thông gió và phun sương, mỗi lợn nái cần 18m3 không khí lưu thông mỗi phút; theo kinh nghiệm, cứ phun sương 1 phút, ngừng 14 phút để cho hơi nước và sức nóng bốc hơi hết khỏi cơ thể lợn. Với lợn, có thể tạo những vũng đầm bùn (dưới bóng râm) để lợn tự đầm tắm bùn.
III. KẾT LUẬN
Điều kiện khí hậu ở vùng Đông Nam Bộ vào mùa khô nóng, làm hiện tượng stress nhiệt trên vật nuôi rất dễ xảy ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vật nuôi như làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, giảm khả năng sinh sản và chất lượng sữa... Người chăn nuôi cần quan tâm đúng mức đến vật nuôi, có những biện pháp về chuồng trại, chăm sóc, nuôi dưỡng để khắc phục hiện tượng stress nhiệt.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ