Mô hình kinh tế Aonori Aquafarms Và Phương Pháp Nuôi Tôm Mới

Aonori Aquafarms Và Phương Pháp Nuôi Tôm Mới

Ngày đăng 08/03/2014

Aonori Aquafarms Và Phương Pháp Nuôi Tôm Mới

Trong suốt 15 năm, ông Armando A.León mơ ước có một phương pháp nuôi tôm mới, thật sự thân thiện với môi trường, chi phí sản xuất thấp hơn và năng suất cao hơn so với phương pháp nuôi tôm bán thâm canh truyền thống.

Ông đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng đầu tư và 13 năm kinh nghiệm trong ngành nông nghiệp, đã từng làm việc với các công ty Banamex New VAR và Franks Distributing và nay là Chủ tịch kiêm TGĐ công ty Aonori Aquafarms.

Armando A. León bắt đầu hiện thực hóa ước mơ của mình bằng việc hợp tác với công ty Sinaloa Seafiel và Alglimentos - một công ty con của Sinaloa ở Mêhicô, đi đầu trong công nghệ trồng rong biển theo các phương pháp mới với chi phí thấp. Nhưng trồng rong biển mới chỉ là bước khởi đầu.

Năm 2006, Armando A.León thuê đầm và bắt tay vào việc thử nghiệm nuôi tôm thương phẩm dựa trên ý tưởng về phương pháp nuôi mới của mình. Ông đã gửi kết quả nghiên cứu trên hệ thống của mình tới các trường đại học tốt nhất ở Mêhicô để đánh giá và đã nhận được bằng sáng chế độc quyền về phương pháp này. Trên cơ sở đó, ông tập hợp một đội ngũ các nhà quản lý và các nhà tư vấn chuyên nghiệp để phát triển một dự án nuôi tôm thương phẩm tại San Quintin, bang Baja California, Mêhicô.

Hệ thống này có gì mới?

Công ty Aonori Aquafarms có kế hoạch trồng một thảm rong lục (Ulva clathrata, một loài rong lớn, giàu protein, thường được sử dụng để gói sushi) trên bề mặt các đầm nuôi tôm truyền thống. Thảm rong này được Aonori gọi là “thảm rong thần kỳ” với một mạng lưới vô số những chiếc “tổ” làm nơi trú ẩn cho thủy sinh vật, đồng thời lọc sạch nước, cung cấp thức ăn và oxy cho tôm.

Hệ thống này không cần phải sục khí và không cần sử dụng chút bột cá nào, thay vì cho tôm ăn, chỉ cần bổ sung phân bón chứa hàm lượng protein thấp, giá rẻ để làm giàu thêm chuỗi thức ăn tự nhiên mà thôi. Chi phí thức ăn nuôi tôm vì thế giảm tới 45%.

Chi phí nhân công cũng giảm do không cần cho tôm ăn. Rong tảo và chuỗi thức ăn tự nhiên trong ao đủ cung cấp hầu hết thức ăn cho tôm. Trong thử nghiệm nuôi thương phẩm, Anonori đã thả tôm giống với mật độ 30 con/m2 và thu sản lượng 15 - 20 tấn/ha mỗi năm.

Một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy cho tôm ăn rong U.clathrata kết hợp với thức ăn truyền thống có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn 60% so với đối chứng. Cuộc nghiên cứu cho thấy tôm tiêu hóa và chuyển hóa tốt chất carotene trong tảo U.clathrata và có thể chính chất này có vai trò quan trọng tạo ra tỉ lệ tăng trưởng đột phá của tôm.

Armando tin rằng phương pháp nuôi của mình có thể “trả lại hương vị thơm ngon tự nhiên cho sản phẩm tôm” và cho biết, chính thức ăn tươi và tự nhiên ở các đầm nuôi đã tạo ra điều đó. Tôm của công ty Aonori có màu màu đỏ đậm, cơ thịt chắc, vị thơm ngon.

GS Dominick Medola, chuyên gia phát triển cao cấp của Viện Hải dương học Scripps ở La Jolla, California, là một thành viên trong ban cố vấn của Aonori, xác nhận điều đó: “Trong những năm 70, thử nghiệm trong nhà kính của Aquafarms Solar tại Encinitas, California, chúng tôi đã cho tôm chân trắng ăn khoảng 10% rong Ulva và các loại thức ăn tự nhiên khác, kết quả là tôm có màu đỏ đậm và vị ngon như công ty Aonori đạt được hôm nay”.

GS là người đã từng nuôi tôm trong một thời gian dài và bây giờ quay trở lại thử nghiệm nuôi tôm theo công nghệ biofloc tại Mỹ. Một trong những lý do chính khiến GS Dominick đồng ý làm việc cho ban cố vấn của Aonori Aquafarm là Armando đã tập hợp được nhiều người có năng lực làm việc cho công ty.

Hệ thống của Aonori còn có ưu điểm khác so với hệ thống nuôi tôm bán thâm canh thông thường là không phải thay nước, ngay cả trong thời gian thu hoạch. Việc thu hoạch diễn ra vào ban đêm. Tôm được dụ cho tập trung bằng ánh sáng và được bơm ra khỏi ao.

Chỉ cần bơm nước để bù lượng bay hơi, do đó chỉ cần dùng một đường ống 8 - 12 inch nối trại nuôi với biển mà không cần kênh rộng. Vì vậy, trại nuôi có thể đặt sâu hơn trong đất liền, cách xa khu đất ven biển đắt đỏ. Và tất nhiên, tổng lượng nước sử dụng ít hơn nghĩa là chi phí năng lượng ít hơn.

Ngoài ra, tôm chỉ sử dụng khoảng 60% lượng rong trong đầm. Số rong còn lại vẫn có thể thu hoạch để bán như một chất bổ sung giàu dinh dường hoặc để gói sushi.

Anonori dự định nuôi tôm nâu Mêhicô, Farfantepenaeus californiensis (Penaeus californiensis) một loài phân bố rộng dọc bờ biển Thái Bình Dương của bán cầu tây, từ Bắc Mêhicô tới Bắc Pêru. Loài tôm này có khả năng chịu lạnh tốt hơn tôm chân trắng và trong cuộc thử nghiệm, nó đạt được hiệu quả tốt như tôm chân trắng trong hệ thống Aonori.

Trong 2 năm đầu sản xuất, Aonori nhận tôm giống (PL F. californiensis) từ Trung tâm CIPBOR - một trong những viện nghiên cứu sinh thái biển hàng đầu ở châu Mỹ Latinh đặt tại La Paz, Mêhico, nơi đã phát triển công nghệ sản xuất giống loài tôm này.

Sự hỗ trợ từ đội ngũ quản lý và các trường đại học

Dự án của công ty Aonori nhận được sự giúp sức của một đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm. Eduardo Correa, Chánh văn phòng Điều hành, có 45 năm kinh nghiệm làm nông nghiệp thực phẩm ở Mỹ, châu Âu và Mêhicô. TS. Benjamin A.Moll, Chánh Văn phòng Khoa học, nhà sáng chế công nghệ Aonori, có 35 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sinh lý học thực vật, công nghệ sinh học, nuôi trồng thủy sản, phát minh và tư vấn về nhiên liệu sinh học tảo.

Ngoài ra, công ty còn có cố vấn là Peter H. Mattson, chủ tịch công ty Mattson Food, nhà phát triển các sản phẩm mới độc lập lớn nhất cho ngành thực phẩm và đồ uống ở Mỹ. Từ đó, dự án đã khởi động sự hợp tác với công ty Mattason Food để tạo ra thương hiệu “tôm hảo hạng”.

Kể từ năm 2005, Aonori cũng đã kết hợp với Chương trình Nuôi biển tại Đại học Nuevo Leon (UANL), đại học lớn thứ 3 của Mêhicô, dưới sự dẫn dắt của GS Elizabeth Cruz, một nhà nghiên cứu dinh dưỡng, và Denis Rique, một chuyên gia về dịch bệnh, có 25 năm nghiên cứu về sức khỏe và dinh dưỡng các loài giáp xác.


Kỹ Thuật Nuôi Cá Lóc Bông Thương Phẩm Kỹ Thuật Nuôi Cá Lóc Bông Thương Phẩm “Ba Không” Trong Phòng Chống Dịch Bệnh Tôm Nuôi “Ba Không” Trong Phòng Chống Dịch Bệnh Tôm…