Mô hình kinh tế Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp 3 cái lợi

Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp 3 cái lợi

Ngày đăng 21/10/2015

Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp 3 cái lợi

Tại đây, nhiều ý kiến nhận xét cho biết, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp sẽ có 3 cái lợi.

Lợi nhờ cơ giới hóa

Tính đến năm 2015, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tốt cơ giới hóa đồng bộ, trong đó khâu làm đất đạt trên 90%, khâu cung cấp nước từ 52- 75%, khâu thu hoạch đạt 35%.

Toàn tỉnh có có 360 máy kéo cỡ lớn, 2.463 máy kéo cỡ trung, 11.275 máy kéo cỡ nhỏ, 9.100 máy bơm, 120 máy cấy lúa, 353 máy gặt đập liên hợp, 12.500 máy tút vò lúa… Mức độ trang bị động lực trong sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh đạt bình quân 3,75 HP/ha.

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Thanh Hóa cho hay: “Kết quả thực hiện cơ giới hóa đã đem lại 3 lợi ích lớn trong sản xuất trồng trọt, đó là vấn đề thời vụ đã được giải quyết tốt, nhất là những mùa vụ khẩn trương như vụ Mùa sang vụ Đông, Vụ Xuân sang vụ Mùa.

Việc tiến hành gieo trồng, thu hoạch đã tránh được thiệt hại cho bà con do yếu tố thời tiết.

Đưa cơ giới hóa đồng bộ vào thay thế sản xuất thủ công đã giảm chi phí sản xuất từ 5,5- 6 triệu đồng/ha, năng suất tăng 15- 20%.

Ngoài ra, máy móc trong sản xuất nông nghiệp còn giúp giải quyết được tình trạng thiếu lao động và hỗ trợ bà con phần việc nặng nhọc trước đây do sức người đảm nhiệm”.

TS Phan Huy Thông- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì diễn đàn.

Từ những lợi ích thu được, tỉnh Thanh Hóa cũng đã triển khai có hiệu quả các chính sách để khuyến khích nông dân áp dụng các mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Tính đến nay, tổng diện tích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đã đạt 5.200ha, giá trị sản xuất trên đất canh tác đạt trên 78 triệu đồng/ha/năm.

Đến năm 2020, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa vào các cây trồng chủ lực theo từng vùng.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng, chủ cơ sở mạ khay, máy cấy Phú Thanh, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) cho biết: “Khi thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, chỉ với 10 lao động, mỗi năm chúng tôi sản xuất 50.000-60.000 khay mạ để gieo trồng cho diện tích gần 300 ha, cấy máy được 25-30 ha, lợi nhuận hàng năm thu về 450 – 500 triệu đồng.

Tính ra, sản xuất mạ khay tiết kiệm được 120.000 đồng/sào, cấy máy tiết kiệm 80.000-100.000 đồng/sào, năng suất tăng 10-15% so với phương pháp truyền thống”.

Ông Vũ Quang Trung - Phó trưởng Phòng Trồng trọt, Sở NNPTNT Thanh Hóa cho biết: “Đã có nhiều cơ sở sản xuất mạ khay kết hợp lúc ngoài thời vụ lúa tiến hành sản xuất rau sạch, rau mầm, hạt giống, cây giống… Đây đều là hướng đi tốt giúp tạo thêm công việc cho người lao động, giữ chân được người công nhân.

Không còn hiện tượng để máy nằm chơi đến mùa lúa mới mang ra làm”.

Theo ông Trung, ở mỗi vùng có thời gian gieo trồng và thu hoạch khác nhau, sự liên kết giữa các chủ máy tại địa phương trong quá trình sản xuất để ai cũng có việc làm, nâng được thời gian sử dụng máy lên gấp 2 lần nhằm phát huy tối đa hiệu suất sử dụng máy, tiết kiệm được chi phí sản xuất, tăng thu nhập và nhanh thu hồi vốn.

Để mua được máy sản xuất thì cũng cần có nguồn vốn lớn nên biện pháp để có vốn đầu tư trước mắt thì cũng cần một sự liên kết lâu dài để có lợi ích lâu dài.

Người thật việc thật

Theo đánh giá của Sở NNPTNT Thanh Hóa, nguồn lực để thực hiện cơ giới hóa còn gặp rất nhiều hạn chế, chưa có lực lượng sản xuất chuyên nghiệp.

Lực lượng lao động chủ yếu là người có độ tuổi cao, chưa qua đào tạo nên rất khó tiếp cận với thiết bị và công nghệ mới, quá trình vận hành máy móc cũng không được bài bản.

Bên cạnh đó, việc sản xuất vẫn theo phương thức cũ, dựa trên kinh nghiệm nên hiệu quả sản xuất cũng chưa cao.

“Hiện nay, các lớp tập huấn, các lớp đào tạo nghề cơ giới hóa nông nghiệp còn ngắn ngày, chưa cập nhật thường xuyên các thông tin mới.

Đào tạo kiến thức không chỉ cho người chủ máy mà còn tiến hành cho cả những người sắp sửa mua máy.

Khi đưa máy xuống đồng, cần phải biết kỹ thuật của nông dân ở khâu nào không tốt để khắc phục thì mới sản xuất hiệu quả được” – ông Nguyễn Văn Nam cho hay.

Tại diễn đàn, các chủ cơ sở, hộ nông dân đều mong muốn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, ứng dụng lý thuyết kết hợp với thực hành các loại máy.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng cho hay: “Kỹ thuật làm mạ khay, máy cấy tại cơ sở vẫn chủ yếu là học truyền miệng, dựa vào kinh nghiệm lâu năm.

Trong quá trình sản xuất mỗi người một ý, chắp vá kỹ thuật nên chất lượng mạ khay chưa ổn định, chất lượng cấy máy chưa cao.

Mạ khay, máy cấy là một nghề mới, việc đào tạo nâng cao kỹ năng nghề hiện nay mang tính quyết định sự  gắn bó lâu dài của nông dân với sản xuất nông nghiệp lúa nước”.

Còn chủ cơ sở Tiến Anh, huyện Yên Định (Thanh Hóa), ông Bùi Tiến Lực chia sẻ: “Cơ sở tôi áp dụng cơ chế cổ phần hóa, người lao động nào tham gia quản lý máy sẽ vừa được hưởng lương sản phẩm vừa được chia lợi nhuận từ việc đóng góp máy.

Tuy nhiên, chính vì thiếu kiến thức lý thuyết và thực tiễn nên chủ máy dù sản xuất bằng máy móc đắt tiền vẫn chưa thu được hiệu quả cao, chi phí sửa chữa máy móc vẫn còn tốn kém”.

Phát biểu tổng kết diễn đàn, TS Phan Huy Thông- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng: “Kết quả từ cơ giới hóa đồng bộ cho thấy, bà con nông dân đã được tiếp cận khoa học công nghệ mới.

Đặc biệt trong sản xuất lúa đã giúp giảm chi phí sản xuất ở tất cả các khâu góp phần nâng cao được hiệu quả sản xuất.

Tuy nhiên, tâm lý chung của bà con nông dân vẫn là muốn biết người thật việc thật.

Các tỉnh chỉ tuyên truyền vẫn chưa đủ mà cần vừa tập huấn vừa xây dựng các mô hình hiệu quả để thuyết phục bà con tiếp cận phương pháp cơ giới hóa mà không có bất kỳ sự băn khoăn nào”.


Thỏa thích ngắm sản vật địa phương Thỏa thích ngắm sản vật địa phương Nông dân bàn cách cứu trái câyNông dân bàn cách cứu trái cây Nông dân bàn cách cứu trái câyNông dân…