Tin nông nghiệp Áp dụng khoa học công nghệ để nâng năng suất, sản lượng

Áp dụng khoa học công nghệ để nâng năng suất, sản lượng

Tác giả Phương Đông, ngày đăng 04/07/2016

Áp dụng khoa học công nghệ để nâng năng suất, sản lượng

Trong 2 ngày làm việc, Chủ tịch Lại Xuân Môn đã có buổi tiếp, trao đổi một số vấn đề về nông nghiệp, ND, nông thôn với Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải; thăm mô hình sản xuất kinh doanh giỏi tại huyện Lục Nam; tìm hiểu mô hình trồng vải thiều GlobalGAP, trồng cam đường của hội viên, ND trên địa bàn huyện Lục Ngạn…

“Mắt bão” trong ngành nông nghiệp

Trao đổi với Chủ tịch Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải đã thông báo tình hình phát triển kinh tế-xã hội nói chung lĩnh vực nông nghiệp, ND, nông thôn nói riêng của địa phương trong 6 tháng đầu năm 2016.

Theo đó, các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ có bước tăng trưởng tích cực. Mặc dù nông nghiệp chỉ đạt mức tăng trưởng 3% nhưng vẫn cao hơn so với các địa phương khác và cao hơn mức bình quân tăng trưởng âm của toàn ngành trong 6 tháng đầu năm 2016.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải khẳng định, năm nay ND Bắc Giang được mùa vụ lúa đông xuân; về sản xuất vải thiều, tuy sản lượng giảm nhưng bù lại giá bán bình quân cao hơn năm 2015.

Vì vậy, thu nhập của ND trồng vải cũng như tổng giá trị cây vải thiều mang lại không thấp hơn năm 2015. Tính đến nay, toàn tỉnh đã tiêu thụ trong và ngoài nước hơn 100.000 tấn vải thiều. Tình hình thị trường khả quan nên vấn đề tiêu thụ 50.000 tấn vải thiều còn lại khá thuận lợi.

Trước băn khoăn của Chủ tịch Lại Xuân Môn về thông tin thương nhân Trung Quốc ép giá, ông Bùi Văn Hải khẳng định: “Vấn đề tiêu thụ vải thiều 2 năm nay khá thuận lợi do địa phương và các bộ, ngành làm tốt công tác thị trường. Từ đầu vụ vải đến nay không có hiện tượng thương nhân Trung Quốc ép giá bà con trong thu mua vải thiều; giá thu mua của họ cũng cao hơn từ 5.000-7.000 đồng/kg so với giá thị trường” - ông Hải khẳng định.

"Sản xuất nông nghiệp bền vững là phải gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh nông sản, thực phẩm. Vì vậy, những ND giỏi phải là người đi đầu trong áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản thích ứng với môi trường cạnh tranh thời hội nhập…”.

Chủ tịch Ban chấp hành T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn

Chủ tịch Lại Xuân Môn cho rằng, nông nghiệp Bắc Giang là “mắt bão” trong bối cảnh ngành nông nghiệp cả nước tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm 2016 do biến đổi khí hậu, thời tiết bất lợi, hạn hán, xâm nhập mặn. Chủ tịch đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục có sự quan tâm, đầu tư cho nông nghiệp, ND; chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để Hội ND tỉnh Bắc Giang hoạt động có hiệu quả, thể hiện vai trò trung tâm nòng cốt trong phong trào ND…

Nông dân giỏi phải đi đầu

Tại huyện Lục Ngạn, Chủ tịch Lại Xuân Môn đã có buổi trao đổi tình hình nông nghiệp, ND, nông thôn, nhất là tình hình tiêu thụ vải thiều trên địa bàn với Bí thư Huyện ủy Thân Văn Khánh, Phó Bí thư Huyện ủy La Văn Nam.

Ông Thân Văn Khánh cho biết, trọng tâm phát triển kinh tế của huyện Lục Ngạn vẫn là nông nghiệp, trong đó tiềm năng là phát triển vùng cây ăn quả tập trung. Toàn huyện hiện có tới hơn 25.000ha cây ăn quả, trong đó 17.000ha là vải thiều, còn lại là bưởi Diễn, cam Vinh, cam đường Canh…

Nếu như năm 2015, cây vải thiều mang lại giá trị hơn 1.600 tỷ đồng thì năm 2016 ước đạt 1.770 tỷ đồng. “Đó là chưa kể mỗi vụ nông dân thu hàng ngàn tấn mật ong hoa vải, nhãn và chưa kể giá trị kinh tế từ các ngành dịch vụ đi kèm” - ông  Khánh khẳng định.

Chủ tịch Lại Xuân Môn chia sẻ với lãnh đạo huyện Lục Ngạn về những bước phát triển, nhất là trong nông nghiệp của địa phương trong những năm gần đây và cho rằng chiến lược phát triển nông nghiệp của Lục Ngạn là phù hợp xu hướng hội nhập quốc tế.

Chủ tịch Lại Xuân Môn và đoàn công tác của T.Ư Hội NDVN đã tới thăm, khảo sát tình hình tiêu thụ sản phẩm của nhóm ND sản xuất và xuất khẩu vải thiều ở thôn Kép 1, xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn).

Nhóm có 23 hộ trồng vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên diện tích 10ha. Báo cáo với đoàn, ông Giáp Văn Thành - nhóm trưởng cho biết, sản lượng vải thiều GlobalGAP của nhóm năm 2016 là 100 tấn. Mặc dù sản lượng vải xuất khẩu của nhóm mới đạt 10 tấn, nhưng việc tiêu thụ nội địa cũng rất thuận lợi bởi các doanh nghiệp uy tín đến thu mua.

Giá vải thu mua tại vườn là 19.000 đồng/kg. “Tuy giá bán không cao so với vải sản xuất thông thường nhưng do chi phí giảm về vật tư phân bón, công chăm sóc nên lợi nhuận của người trồng vải thiều GlobalGAP vẫn đảm bảo” - ông Thành nói.

Cũng tại xã Hồng Giang, Chủ tịch Lại Xuân Môn còn tới thăm mô hình trồng cam áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao của hộ anh Bùi Đức Long. Trao đổi với ND giỏi - nơi đoàn tới thăm, Chủ tịch Lại Xuân Môn chia sẻ những thành công, đánh giá cao nỗ lực tìm tòi, mạnh dạn đầu tư của nông dân giỏi trong việc xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất tiên tiến. “Sản xuất nông nghiệp bền vững là phải gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh nông sản, thực phẩm.

Vì vậy, những ND giỏi phải là người đi đầu trong áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản thích ứng với môi trường cạnh tranh thời hội nhập…” - Chủ tịch Lại Xuân Môn lưu ý.


1,1 tỉ người nghèo trên Trái đất sẽ được cứu rỗi bằng phát minh cực kỳ ý nghĩa này 1,1 tỉ người nghèo trên Trái đất sẽ… Vải được mùa, ngon, ngọt nhờ bón phân Lâm Thao Vải được mùa, ngon, ngọt nhờ bón phân…