Áp dụng thâm canh mía, nhà nông xứ Tuyên bội thu
Nhờ tham gia dự án “Mô hình sản xuất thâm canh tổng hợp mía phục vụ chế biến đường công nghiệp”, hàng chục hộ nông dân ở huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) đã nâng cao thu nhập, trong đó nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.
Trong ảnh: Chị Triệu Thị Thu (dân tộc Tày) ở xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang phấn khởi trước vụ mía bội thu. Ảnh: Thu Hà
Dự án trên do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn (T.Ư Hội NDVN) và Hội ND tỉnh Tuyên Quang triển khai, thực hiện tại các xã Chiêu Yên, Tân Tiến, với 25 hộ ND tham gia, tổng diện tích mô hình là 10,5ha.
Năng suất tăng gấp đôi
Trước khi các hộ làm đất, xuống giống, Hội ND tỉnh Tuyên Quang đã mở 4 lớp tập huấn về quy trình trồng, chăm sóc mía và sử dụng thuốc bảo vệ tực vật, chế độ bón phân hợp lý cho 25 hộ dân tham gia dự án thuộc 2 xã Chiêu Yên, Tân Tiến (huyện Yên Sơn).
Ông Lộc Quốc Hạnh – Chủ tịch Hội ND xã Chiêu Yên cho biết: “Chiêu Yên là xã miền núi, có lợi thế về đất đai, điều kiện sinh thái để phát triển nghề trồng mía. Hiện, toàn xã có hơn 400ha trồng mía với hơn 1.000 hộ dân tham gia. Nhiều năm nay, thị trường tiêu thụ mía đường khá ổn định, do đó mía đang trở thành loại cây trồng mang lại thu nhập chính cho bà con”.
Tuy nhiên theo ông Hạnh, nhiều hộ dân trồng mía trong xã vẫn giữ thói quen canh tác cũ, dẫn đến hiệu quả kinh tế mang lại từ cây mía chưa cao. Để giúp bà con tăng thu nhập, đầu năm 2016, Hội ND xã Chiêu Yên đã chọn ra 13 hộ dân tham gia dự án “Mô hình sản xuất thâm canh tổng hợp mía phục vụ chế biến đường công nghiệp”.
Tham gia dự án, các hộ dân được hỗ trợ 100% giống mía ROC 22 (hỗ trợ 10,5 tấn mía giống/ha) và vật tư trồng trọt (phân đạm, lân, kali, vôi bột, thuốc bảo vệ thực vật). Bên cạnh đó, các hộ dân còn được tập huấn kỹ thuật thâm canh mía và quan trọng nhất là được Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương ký kết bao tiêu sản phẩm với giá 900.000 đồng/tấn mía nguyên liệu.
Là 1 trong 13 hộ dân tham gia dự án, chị Triệu Thị Thu (dân tộc Tày) phấn khởi nói: “Trước đây, gia đình tôi trồng giống mía cũ, cây nhiều sâu bệnh, thu nhập thấp. Tham gia dự án với 0,5ha trồng mía, gia đình tôi được hỗ trợ toàn bộ giống mía cao sản ROC22. Sau 1 năm trồng, tôi thấy giống mía này chịu hạn tốt, ít sâu bệnh và năng suất cao. Bên cạnh đó, hàng tháng chúng tôi đều được cán bộ kỹ thuật của công ty về tận nơi hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Năm nay, mía được mùa, cây nào cây ấy đều to mập. Dự kiến gia đình thu về hơn 40 tấn mía, cao gấp đôi so với năm ngoái. Với giá bán 900.000 đồng/tấn, ước tính năm nay gia đình tôi thu về gần 40 triệu đồng”.
Lan tỏa mô hình hay
Cách đồi mía nhà chị Thu không xa, chị Nguyễn Thị Trà thổ lộ: “Chồng tôi mất sớm, nhà lại đông con, mình tôi phải lo toan chi tiêu cho gia đình rất vất vả. Mọi năm cứ đến vụ mía, tôi đều phải chạy vay tiền khắp nơi để kịp mua giống, phân bón. Năm 2016, được lựa chọn tham gia dự án, gia đình tôi rất mừng. Với 500m2 diện tích trồng mía, tính ra gia đình tôi tiết kiệm được 1 triệu đồng tiền mua giống, có thêm điều kiện trang trải cho con cái ăn học”.
Theo tính toán của các hộ dân trồng mía xã Chiêu Yên, với giá thu mua 900.000 đồng/tấn, năng suất mía bình quân 81,5 tấn/ha, lại được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…, các hộ dân tham gia dự án lãi ròng khoảng 30 triệu đồng/ha, tăng 20 - 25% so với trước khi có dự án. “Những hộ tham gia dự án được bình xét, lựa chọn công khai nhằm đảm bảo dự án thành công, tạo hiệu ứng lan tỏa, nhân rộng mô hình. Dự án ưu tiên cho các hộ có kinh nghiệm trồng mía, chí thú làm ăn, đang gặp khó khăn về vốn... Trong số 13 hộ tham gia dự án của xã Chiêu Yên với tổng diện tích 5,5ha, có 6 hộ nghèo và cận nghèo. Được hỗ trợ bài bản, 2 hộ đã thoát nghèo” - Chủ tịch Hội ND xã Chiêu Yên Lộc Quốc Hạnh cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ