Áp Dụng Tốt Các Biện Pháp Canh Tác Để Tăng Năng Suất Lúa
Thời điểm này, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã xuống giống cho vụ thu đông, cũng đang vào mùa mưa, với nhiều trận mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển cây lúa. Tiến sĩ Chu Văn Hách, Trưởng Bộ môn Phân bón và Kỹ thuật canh tác, Viện Lúa ĐBSCL lưu ý bà con một số giải pháp để có thể bảo vệ vụ mùa thu đông và chuẩn bị tốt cho vụ mùa đông xuân.
Đối với trà lúa đã sạ được 7 - 10 ngày, cần bón phân đợt 1 như sau: Bón 25% tổng lượng N của cả vụ + 100% lân (nếu bón lân đơn) hoặc 50% lân (nếu bón DAP) của cả vụ + 50% tổng lượng kali của cả vụ. Nếu vì một lý do gì mà không sử dụng thuốc diệt cỏ tiền mọc mầm thì nên sử dụng thuốc diệt cỏ hậu mọc mầm sớm (từ 6 - 12 ngày) sẽ hạn chế tốt cỏ dại cho lúa, đỡ tốn công làm cỏ bằng tay sau này.
Đối với trà lúa đã sạ được 18 - 22 ngày cần bón phân đợt 2 với liều lượng như sau: Bón 40% tổng lượng N của cả vụ + 50% DAP còn lại. Giai đoạn này có thể sử dụng bảng so màu lá để quyết định lượng phân đạm chính xác. Sâu bệnh: Bà con cần lưu ý bù lạch, rầy nâu.
Đối với trà lúa đã sạ được 38 - 42 ngày cần bón phân đợt 3 với liều lượng như sau: Bón 35% tổng lượng N của cả vụ + 50% kali còn lại. Giai đoạn này có thể sử dụng bảng so màu lá để quyết định lượng phân đạm chính xác. Sâu bệnh: Bà con cần lưu ý sâu phao, rầy nâu.
Đối với các tỉnh vùng đầu nguồn như: An Giang, Đồng Tháp và Long An, cần đề phòng lũ về sớm, sẽ gây ngập lũ ảnh hưởng tới mùa màng. Cần củng cố đê bao tránh lũ, đảm bảo cho vụ mùa an toàn. Thường đỉnh lũ rơi vào thời điểm từ cuối tháng 9 tới đầu tháng 10; tuy nhiên, do thời tiết biến đổi thất thường nên cần chuẩn bị tốt mọi phương tiện máy bơm để cứu lúa, nếu bị ngập do mưa lớn và kéo dài. Sâu bệnh: Bà con cần lưu ý sâu cuốn lá, rầy nâu; bệnh đạo ôn, cháy bìa lá, nhện gié.
Để chuẩn bị cho vụ đông xuân, nông dân cần lưu ý hạn chế các yếu tố cản trở trong đất. Trong vụ đông xuân, do đất không gặp các yếu tố cản trở như vụ hè thu, trường hợp thường gặp là đất bị ngập nước lâu nên hình thành một lớp mỏng xác bã hữu cơ nằm trên tầng canh tác.
Trong điều kiện yếm khí, lớp hữu cơ này có chứa các chất khí độc như H2S, CH4, có thể gây ngộ độc cho cây mạ non. Để hạn chế thiệt hại mạ non, chỉ cần tiến hành xới đất hoặc trục trạt phá lớp váng để không khí oxy hóa và loại bỏ các chất độc nói trên. Với vụ đông xuân nên tiến hành làm đất và trang phẳng mặt ruộng rồi sạ, khi lớp bùn nhão hơi se (thường sau làm đất từ 2 - 5 tiếng). Nếu sạ lan thì để càng và rễ ló ra dài hơn một chút, thì khi sạ xuống sẽ không bị chìm trong lớp bùn nhão.
Bà con cần lựa chọn giống tốt, sử dụng giống kháng rầy nâu và đạo ôn, năng suất cao, phẩm chất tốt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, giống phải thích hợp với vùng trồng ở từng mùa vụ khác nhau. Đối với chất lượng hạt giống, tối thiểu phải sử dụng giống lúa xác nhận được cung cấp từ những đơn vị chức năng. Khi sạ giống cần lưu ý, mật độ sạ dao động từ 80 - 100 kg/ha, có thể sạ lan hoặc sạ theo hàng.
Muốn xử lý cỏ dại và ốc bươu vàng, phải áp dụng biện pháp quản lý cỏ dại tổng hợp. Lưu ý, khi sử dụng thuốc hóa học nên luân phiên sử dụng các loại thuốc diệt cỏ để tránh hiện tượng cỏ kháng thuốc. Đối với ốc bươu vàng, nên đánh các rãnh nhỏ sau khi sạ, để ốc tập trung xuống các vũng nước dưới rãnh, rồi bắt bằng tay hoặc xử lý thuốc diệt ốc theo các đường nước, sẽ hiệu quả và an toàn hơn cho môi trường.
Áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón cho cây lúa như: Bón phân theo nhu cầu của cây (áp dụng kỹ thuật ô khuyết để quản lý phân bón); giảm thất thoát phân bón; khuyến cáo bón phân theo mùa vụ; tình trạng đất và dạng phân phù hợp.
Quản lý nước hợp lý: Ứng dụng kỹ thuật tưới khô - ngập xen kẽ, để tiết kiệm nước tưới mà không ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất lúa. Trừ 2 giai đoạn phân hóa đòng (sau sạ 38 - 45 ngày) hoặc giai đoạn trổ (sau sạ 55 - 70 ngày), các giai đoạn còn lại có thể để cho mực nước ruộng rút xuống cách mặt đất từ 10 - 15 cm, mới bơm tiếp với mức ngập 5cm. Quản lý dịch hại tổng hợp theo IPM, thăm đồng thường xuyên, phát hiện dịch hại kịp thời, kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu hại. Không phun thuốc định kỳ, chỉ phun khi tới ngưỡng kinh tế, ưu tiên sử dụng các loại thuốc an toàn cho thiên địch và môi trường.
Để hạn chế thất thoát sau thu hoạch: Thu hoạch đúng độ chín (25 - 27 ngày sau khi trổ), tránh phơi trực tiếp trên nền xi măng, nên sấy sẽ chủ động điều chỉnh nhiệt độ, giảm tỷ lệ gạo gãy. Sử dụng máy gặt đập liên hợp sẽ giảm được chi phí thu hoạch; mặt khác, rơm được phun đều trên mặt ruộng nên rất thuận tiện để xử lý Trichoderma, trước khi cày ải.
Nếu áp dụng tốt 4 tiêu chí trên sẽ giảm được chi phí sản xuất, mang lại sản phẩm tốt, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ