Ba Không Trong Phòng Chống Dịch Bệnh Tôm Nuôi
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi, việc phòng, chống dịch bệnh cũng như bảo vệ môi trường vùng nuôi là vấn đề bức xúc nhất hiện nay. Trong đó, thực hiện "ba không" (không giấu bệnh, không xả thải nước ao khi chưa được xử lý và không xả thải xác tôm chết do nhiễm bệnh ra môi trường) là giải pháp tốt nhất mà người nuôi tôm cần tuân thủ.
Theo báo cáo của Chi cục Thú y Cà Mau, qua kiểm tra phát hiện 182,79 ha nuôi tôm trên địa bàn tỉnh bị nhiễm bệnh. Bệnh xuất hiện trên cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng ở giai đoạn 20 - 40 ngày sau thả nuôi, mức độ thiệt hại 100%.
Cần nêu cao trách nhiệm cộng đồng
Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II xác định, tác nhân gây bệnh là nhóm vi khuẩn NHP (Necrotizing hepotopanc reatitis) ký sinh nội bào tế bào gan tụy của tôm nuôi. Mức độ lây nhiễm bệnh nhanh và thiệt hại gần như hoàn toàn. Vì vậy, việc phòng, chống bệnh là khâu quan trọng và nên thực hiện triệt để "ba không" trên tôm nuôi khi bị nhiễm bệnh.
Khi bệnh xảy ra trên đầm nuôi thì cần báo cáo ngay cho cán bộ thú y địa phương lập thủ tục xác định mức độ thiệt hại để có chính sách hỗ trợ chlorine diệt khuẩn, tránh lây lan trên diện rộng. Người nuôi tôm cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm cộng đồng của mình, đó là "không giấu bệnh" khi tôm trong ao nuôi có bệnh xảy ra.
Đã qua, vẫn còn tình trạng người nuôi tôm không báo cáo bệnh xảy ra trên tôm nuôi cho chính quyền địa phương mà chỉ âm thầm tự xử lý. Điều đó gây khó cho sự quản lý của các ngành chức năng, tạo cơ hội cho dịch bệnh lây lan và phát triển.
Điều đáng lo ngại hơn, khi ao đã bị nhiễm bệnh thì người nuôi tự xử lý nên không thể xác định được nồng độ, liều lượng dùng của các loại thuốc và hóa chất để diệt hoàn toàn mầm bệnh. Càng nguy hiểm hơn khi có hộ không xử lý thuốc, hóa chất mà xả thẳng nước thải ra môi trường.
Việc "không xả thải nước ao chưa được xử lý tiêu diệt mầm bệnh ra môi trường" là điều mà mỗi người nuôi tôm trong tỉnh cần phải làm để chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Theo đó, việc xử lý xác tôm chết do nhiễm bệnh cần được quan tâm và xử lý triệt để. Người nuôi tôm cần thu gom sạch xác tôm chết trong đầm, sau đó đem chôn nơi xa bờ vuông để tránh lây lan, tạo cơ hội cho vi-rút, vi khuẩn phát triển. Việc thu gom xác tôm chết không những góp phần bảo vệ môi trường ao nuôi mà còn góp phần bảo vệ môi trường của vùng nuôi.
Tự bảo vệ mình bằng "ba không"
Ngoài thực hiện "ba không" trong phòng chống dịch bệnh, thì ở các khâu cải tạo sên vét bùn sau khi xử lý mầm bệnh phải được thực hiện đúng như khuyến cáo của các ngành chức năng. Đó là không xả các chất thải của đầm nuôi thẳng ra môi trường, phải có diện tích chứa chất thải sau vụ nuôi.
Vấn đề này, thời gian qua chưa được các ngành chức năng quan tâm cũng như có chế tài nào khi các hộ nuôi không chấp hành. Ông Ngô Hoàng Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Cà Mau, cho biết: "Đã qua, Chi cục Thú y kết hợp với các ngành liên quan tiến hành kiểm tra xử lý đầm nuôi khi bị dịch bệnh, nhưng xem ra chưa triệt để. Ý thức phòng chống dịch bệnh của người nuôi tôm chưa cao, còn xem thường sự tồn tại và phát sinh của dịch bệnh".
Áp dụng "ba không" trong phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi sẽ góp phần rất lớn cho việc phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi trong thời gian tới. Đồng thời thực hiện tốt "ba không" chính là người nuôi tôm tự bảo vệ mình. Vì vậy, khâu quy hoạch phát triển vùng nuôi phải đi đôi với phòng chống dịch bệnh.
Để nghị quyết 10.000 ha nuôi tôm công nghiệp của tỉnh Cà Mau về đích đòi hỏi sự tham gia quyết liệt hơn từ các ngành chức năng, Ban phòng chống dịch bệnh, trách nhiệm cộng đồng của người nuôi tôm trong tỉnh hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ