Bà Rịa - Vũng Tàu giải pháp toàn diện bảo vệ sông Thị Vải
Sông đã hồi sinh
Từ bến Mương Đào, ấp Phước Thạnh (xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành), anh Nguyễn Minh Quyết chở chúng tôi xuôi dòng Thị Vải trên chiếc xuồng máy. Anh Quyết kể: “Những năm 2007 - 2008, sông Thị Vải đen đặc, cá tôm chết vì ô nhiễm. Tôi bỏ ghe, bỏ sông lên bờ làm tài xế. Sau khi vụ Vedan xả thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải bị phanh phui và chính quyền thực hiện nhiều giải pháp “cứu” sông thì từ năm 2010 nước sông dần cải thiện. Đến năm 2013 sông Thị Vải đã trong xanh, cá tôm sinh sôi. Tôi trở lại với nghề đánh bắt thủy sản trên sông. Tuy vất vả nhưng chăm chỉ làm ăn, mỗi tháng cũng kiếm được hơn chục triệu đồng”.
Vừa kéo rập, anh Nguyễn Văn Hò (tổ 4 ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Xuân) vui mừng: “12 giờ đêm tôi bủa rập, đến 9 - 10 giờ sáng hôm sau thì dong ghe kéo rập. Dạo này sông Thị Vải đã cho tôm, cá nhiều. Cá bống, cá đục, cá sặc tôi bán ở chợ Mỹ Thạnh; cua, ghẹ ngon thì người thân đặt mua hết. Mỗi ngày cũng kiếm được 300 - 500 ngàn đồng, chẳng phải khổ như lúc sông bị ô nhiễm, gia đình phải bỏ rập, bỏ ghe lên bờ làm thuê, làm mướn”.
Theo ông Hà Hảo Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa (huyện Tân Thành), tuy cá, tôm chưa nhiều như trước đây nhưng ngư dân đã bắt đầu trở lại với nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên sông Thị Vải và có nguồn thu nhập ổn định. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư hàng chục triệu đồng để mua lưới, tân trang lại ghe, thuyền và lại bắt đầu thả lưới, làm bè.
Ông Lương Quốc Ái, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Xuân (huyện Tân Thành) cho biết, thời điểm nước sông Thị Vải bị ô nhiễm, hơn 100 hộ đánh bắt thủy sản trên sông gần như bỏ nghề. Vài năm gần đây, người dân đã quay trở lại đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Hiện tại, toàn xã Mỹ Xuân có khoảng gần 60 hộ nuôi trồng thủy sản trên sông Thị Vải, trong đó có khoảng 15 hộ nuôi hàu với diện tích khoảng 8.600m2 mặt nước và gần 30 hộ đánh bắt thủy sản trên sông.
Anh Nguyễn Văn Hò trở lại với nghề lưới rập trên sông Thị Vải.
Không để sông Thị Vải ô nhiễm trở lại
Theo Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường, từ năm 2010, tỉnh BR-VT đã tiến hành quan trắc tại 7 vị trí trên sông Thị Vải với tần suất 6 lần/năm. Kết quả quan trắc chất lượng nước sông Thị Vải trên địa bàn tỉnh cho thấy các thông số đều đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08:2008/BTNMT, loại B2).
Qua kết quả thống kê, các nguồn thải vào sông Thị Vải trên địa bàn tỉnh BR-VT chủ yếu tập trung từ các KCN, CCN và nước thải sinh hoạt với tổng khối lượng nước thải phát sinh khoảng 46.398m3/ngày (nước thải KCN khoảng 28.291m3/ngày và nước thải sinh hoạt khoảng 18.107m3/ngày). Hiện nay, tỉnh BR-VT có 8 KCN và 2 CCN đang hoạt động có nguồn nước thải vào sông Thị Vải. Đến nay đã có 7/8 KCN và 2 CCN đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải tập trung. Chỉ còn KCN Cái Mép đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 4.000m3/ngày đêm, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 5-2016.
Theo lãnh đạo Sở TN-MT, để bảo đảm khai thông dòng chảy, tăng khả năng tự làm sạch của sông cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho tàu có trọng tải lớn ra vào các cảng trên sông Thị Vải, vừa qua, tỉnh BR-VT đã triển khai 10 dự án nạo vét trên sông Thị Vải với khối lượng bùn nạo vét khoảng 641.283m3. Ngoài ra, tỉnh BR-VT cũng đã đưa nhiệm vụ bảo vệ diện tích rừng ngập mặn trên sông Thị Vải vào Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ giai đoạn 2013-2015. Hiện nay phần lớn diện tích rừng ngập mặn đã được giao khoán cho các hộ dân...
Anh Nguyễn Minh Quyết (trái) vui mừng vì hàu nuôi trên sông Thị Vải phát triển tốt.
Để bảo đảm ngăn ngừa tái ô nhiễm môi trường nước sông Thị Vải, Tỉnh ủy BR-VT đã có Chỉ thị số 43-CT/TU, quy định không thu hút đầu tư các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: Chế biến tinh bột sắn; chế biến mủ cao su; sản xuất hóa chất cơ bản (có phát sinh nước thải công nghiệp); nhuộm, thuộc da; các dự án sản xuất thép xây dựng; phôi thép; chế biến giấy các loại, bột giấy; chế biến bột cá…
Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường BR-VT, dự kiến trong quý II - 2016, sẽ tiến hành lắp đặt 2 trạm quan trắc tự động chất lượng nước sông Thị Vải (nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng thế giới đối với dự án quản lý ô nhiễm các KCN thuộc lưu vực sông Đồng Nai). Khi hoàn thành, 2 trạm quan trắc này sẽ cung cấp các đánh giá về chất lượng nước, cảnh báo kịp thời các diễn biến bất thường hay các nguy cơ ô nhiễm… phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý, bảo vệ sông Thị Vải.
Sông Thị Vải có chiều dài khoảng 76km chảy qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố: Đồng Nai, BR-VT và TP.Hồ Chí Minh. Riêng đoạn chảy qua địa bàn tỉnh BR-VT có chiều dài khoảng 25km chủ yếu nằm trên địa bàn huyện Tân Thành. Sông Thị Vải có chiều rộng trung bình từ 400 - 650m, độ sâu trung bình khoảng 22m, nơi sâu nhất khoảng 60m rất thuận lợi cho hoạt động giao thông thủy, xây dựng cảng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn (trên 80.000 DWT).
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ