Bà Rịa Vũng Tàu phát triển trang trại chăn nuôi tiên tiến
Những mô hình đầu tiên
Con đường vào trang trại chăn nuôi bò tiên tiến của Công ty TNHH Cao Phát khá xa với khu dân cư, nằm tách biệt phía sau rừng cao su vừa trồng mới của Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa tại xã Quảng Thành (huyện Châu Đức). Đây là trang trại chăn nuôi bò đầu tiên trên địa bàn tỉnh có quy mô hơn 400 con với hệ thống khép kín từ việc đầu tư vùng nguyên liệu đến chuồng trại, bắt đầu thực hiện từ năm 2015.
Dẫn chúng tôi tham quan trang trại, ông Trần Minh Tần, Giám đốc dự án của công ty cho biết, giống bò ở đây được nhập về từ Úc. Trên tai mỗi con đeo chip, đánh số để chủ trại theo dõi nguồn gốc, quá trình sinh trưởng, số lần chích ngừa, bệnh tật…
Trên diện tích 30ha, ngoài 1ha là chuồng trại nuôi bò phần còn lại được công ty trồng cỏ, bắp để làm thức ăn cho bò. Cỏ sau khi thu hoạch bằng máy sẽ được cắt nhỏ và chuyển đến trạm trộn thức ăn. Khâu pha trộn thức ăn cũng được lập trình sẵn theo công thức và thời gian cho ăn theo quy định, dựa trên tiêu chí bảo đảm sự tăng trọng và giá thành hợp lý.
Ông Tần cho biết thêm, sau một thời gian nuôi cho thấy, giống bò Úc khá thích nghi với môi trường tại đây, sinh trưởng tốt, tăng trọng nhanh. Mặc dù đang trong quá trình nuôi thử nghiệm nhưng dự báo mô hình này sẽ cho lãi cao vì tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, lượng phân bò thải ra bán cho các công ty và hộ dân bón cho cây trồng cũng đủ để mua thức ăn cho bò.
Ông Thân Xuân Động, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Châu Đức cho biết, mỗi con bò được nhập từ Úc về giá 55 triệu đồng, do vậy kinh phí đầu tư rất lớn.
Tuy nhiên, mô hình chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa phát triển bằng chăn nuôi heo và gia cầm. Hiện tổng đàn heo, gia cầm vẫn chiếm số lượng lớn trong cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh có 39.455 hộ, trại chăn nuôi với 3,8 triệu con gia cầm; 8.762 hộ chăn nuôi heo với gần 377 ngàn con.
Trong đó, xu hướng chọn đầu tư hệ thống phòng lạnh đã được một số trang trại chăn nuôi gia cầm ứng dụng. Mô hình mới này đang mang lại những tín hiệu tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thân thiện với môi trường. Đồng thời, các trang trại cũng bắt đầu hướng tới quy mô chăn nuôi khép kín như tự sản xuất con giống, học cách tiêm vắc xin phòng ngừa dịch bệnh. Trang trại chăn nuôi vịt chuồng lạnh của ông Phạm Văn Đạo, ấp 4, xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành) là một ví dụ.
Mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng ông Phạm Văn Đạo đã xây 1 trại kín nuôi gần 2.500 con vịt giống của Pháp và kho lạnh chứa trứng.Theo ông Đạo, ưu điểm của chuồng kín là nhiệt độ bên trong chuồng luôn được điều hòa ổn định từ 24 - 250C nên vịt sẽ mát và hạn chế được dịch bệnh. “Mô hình chăn nuôi khép kín bằng phòng lạnh sẽ hạn chế gây ô nhiễm môi trường, sản phẩm sạch, trứng đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Với giá bán 8.500 đồng/trứng (cho công ty thu mua ở Bình Dương), mỗi tháng chúng tôi thu lãi hơn 50 triệu đồng”, ông Đạo cho biết.
Chưa được nhân rộng
Mặc dù chăn nuôi theo mô hình trang trại tiên tiến đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng mô hình này vẫn còn ít. Theo các chủ trang trại, trở ngại lớn nhất khiến nông dân chuyển sang mô hình này ít vì đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Việc đầu tư chuồng kín yêu cầu quy mô trang trại từ cấp trung bình trở lên và người nuôi phải có vốn đầu tư ban đầu từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng cho 1 trang trại khoảng 1.000 - 2.000m2. Ngoài ra, để lắp đặt hệ thống làm mát cho chuồng kín, khu vực nuôi phải có hệ thống lưới điện mạnh và ổn định.
Ông Lê Thanh Liêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Đức cho biết, trên địa bàn huyện có 192.000 con heo, 670.000 con gia cầm. Chăn nuôi gia trại, trang trại đã từng bước hình thành và phát triển, toàn huyện hiện có 22 trang trại chăn nuôi heo, 27 trại chăn nuôi gà. Tuy nhiên, do vốn đầu tư lớn nên chỉ có 2 trại heo và 1 trang trại gà nuôi bằng phòng lạnh được hình thành từ khá lâu và hiện chưa được nhân rộng thêm. Số còn lại vẫn chăn nuôi theo phương thức truyền thống.
Điều này khiến người chăn nuôi bị thiệt hại về giá do khả năng cạnh tranh kém, không kiểm soát được đầu ra, bị thương lái o ép. Mặt khác, còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng phải sử dụng những sản phẩm chăn nuôi với giá cao và chất lượng không bảo đảm. Đã có một thời gian dài (khoảng từ năm 2012 đến 2014) người chăn nuôi lâm vào tình trạng thua lỗ, treo chuồng do cung vượt cầu, không có đầu ra, bị thương lái ép giá, hoặc không thể cạnh tranh với các đơn vị có vốn nước ngoài.
Theo ông Hà Lâm Quỳnh, Phó Chi cục Thú y tỉnh, để phát triển ngành chăn nuôi bền vững, UBND tỉnh đã có quy hoạch tổng thể các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, trọng tâm là các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức và Đất Đỏ. Theo đề án này, tỉnh BR-VT sẽ tăng cường triển khai quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAP, hình thành các mô hình chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm từ chăn nuôi - giết mổ - buôn bán sản phẩm động vật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 14/134 trang trại chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ chuồng lạnh cho khoảng 58.000 con, trong đó, có 5 trang trại nuôi bán tự động với tổng đàn 24.000 con, 1 trang trại áp dụng công nghệ tự động gồm 2.600 con heo nái chất lượng cao với các khâu sát trùng, ăn uống, theo dõi. Ngoài ra, BR-VT còn có 18 trang trại chăn nuôi gà cũng đang áp dụng mô hình chuồng lạnh, với tổng đàn gần 2 triệu con.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ