Bạc Liêu Bao Giờ Nông Dân Có Điện An Toàn Để Nuôi Tôm Công Nghiệp?
Nuôi trồng thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bạc Liêu, không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế, mà còn giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Thế nhưng, khoảng 16.000ha tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh của tỉnh vẫn trong tình trạng “đói điện”.
Nông dân phải sử dụng điện chia hơi để phục vụ sản xuất, theo đó là gánh nặng về chi phí và tiểm ẩn nhiều nguy hiểm.
“Đói điện” triền miên
Thời gian gần đây, nhiều địa phương ở vùng chuyên canh con tôm gồm các huyện Đông Hải, Hòa Bình và TP. Bạc Liêu thường xuyên phải chịu cảnh mất điện cục bộ. Nguyên nhân là do nông dân dùng điện sinh hoạt để chạy quạt nuôi tôm làm đường truyền quá tải, gây nên tình trạng cúp điện.
Ông Nguyễn Thanh Liêm (ấp Hòa Thạnh, xã Long Điền, huyện Đông Hải) bức xúc nói: “Ở đây mỗi ngày điện cúp vài chục lần là chuyện bình thường. Cứ mỗi lần cúp điện thì có người chạy đến trạm biến áp số 27 để bật điện lên. Những hộ có tôm nuôi gần đến ngày thu hoạch thì cử người nhà ra trực 24/24 ở trạm biến áp để canh chừng điện bị cúp. Riết rồi quen và cũng không ai để ý đến những nguy hiểm khi tự ý bật cầu dao ở trụ điện”.
Với diện tích 16.000ha nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh của tỉnh thì nhu cầu đầu tư điện 3 pha là rất lớn. Trong khi đó, tôm nuôi công nghiệp không thể thiếu điện nên nông dân chỉ còn cách duy nhất là dùng điện sinh hoạt để thay thế.
Ông Đỗ Hiếu Thảo (ấp Chùa Phật, thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình) tính toán: “Nếu người nuôi tôm không có điện sử dụng mà phải chạy quạt bằng dầu thì chi phí tăng lên gấp 3 lần. Tôi có hơn 2ha tôm nuôi công nghiệp, chạy quạt bằng điện chia hơi nên chi phí cũng khá cao. Nếu Nhà nước đầu tư kéo điện 3 pha thì người dân ở đây mừng lắm”.
Có thể thấy, ở vùng Nam Quốc lộ 1A, con tôm đang “đói điện” từng ngày và người nuôi tôm phải gánh thêm khoản chi phí nặng nề vì không có điện sản xuất. Đó là chưa kể những hiểm nguy tiềm ẩn trong việc người dân tự ý kéo điện sinh hoạt để nuôi tôm.
Chết người vì điện chia hơi
Đi trên những vuông tôm ở vùng Nam Quốc lộ 1A, người ta dễ dàng nhận thấy cảnh dây điện chằng chịt mắc trên những cọc gỗ cao chưa tới 2m. Đây là điện phục vụ nuôi tôm của nông dân! Do tùy tiện kéo điện sinh hoạt để nuôi tôm nên nguy cơ xảy ra tai nạn điện là khó tránh khỏi.
Theo số liệu của Phòng Quản lý điện (Sở Công thương), từ năm 2011 đến nay, năm nào Bạc Liêu cũng có người chết vì sử dụng điện trong nuôi tôm không an toàn.
Riêng 6 tháng đầu năm 2014, trong số 3 vụ tai nạn điện thì có đến 2 vụ là do sử dụng điện trong nuôi tôm không an toàn. Dẫu biết sử dụng điện chia hơi là nguy hiểm, nhưng nông dân vẫn phải làm vì đây là giải pháp duy nhất cho việc nuôi tôm hiện nay.
Trên thực tế, điện chia hơi như “cái bẫy tử thần” mà người nông dân tự đặt trong vuông tôm nhà mình. Ông Phan Thanh Phong (ấp Thạnh An, xã Long Điền, huyện Đông Hải) nói: “Khi chia hơi điện, chúng tôi chỉ kéo một đường dây, đường dây còn lại được đấu nối từ dưới đất lên (còn gọi là điểm lấy mát). Điểm nối đất được đặt trực tiếp trên bờ vuông và điều này rất nguy hiểm.
Nếu đi quá gần điểm này thì có thể bị điện giật. Sử dụng điện chia hơi là rất nguy hiểm, nhưng không chia hơi thì lấy điện đâu để nuôi tôm?”.
Theo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đông Hải, năm nào trên địa bàn huyện này cũng có người chết vì điện chia hơi nuôi tôm công nghiệp. Bởi lẽ, khi nông dân chia hơi điện nuôi tôm theo hình thức nối đất thì không thể sử dụng thiết bị chống giật.
Mới đây, một tai nạn thương tâm về điện đã cướp đi sinh mạng 2 cha con ông Nguyễn Thế Hệ (ấp Long Hà, xã Điền Hải, huyện Đông Hải). Từ những hậu quả đáng tiếc cho thấy, để có điện nuôi tôm thì người nông dân đôi khi phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Bao giờ được sử dụng điện giá rẻ?
Hiện nay, không chỉ thiếu điện sản xuất mà nông dân ở vùng Nam Quốc lộ 1A còn chịu thiệt thòi vì mức tính giá điện quá cao.
Anh Trần Hoàng Mẫn (ấp Hòa Thạnh, xã Long Điền, huyện Đông Hải) bộc bạch: “Điện chia hơi quá nguy hiểm nên tôi đã đăng ký hạ thế bình điện công suất 75KVA với gần 200 triệu đồng để nuôi tôm, nhưng giá điện vẫn còn cao quá (2.900 đồng/kg).
Với mức giá này, với 8ha ao nuôi, gia đình tôi phải trả hơn 50 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, ở các tỉnh lân cận như Cà Mau, điện cho nông dân nuôi tôm được áp dụng ở mức 1.400 đồng/kg”.
Từ thực trạng trên, vấn đề đặt ra là: Bao giờ người nông dân Bạc Liêu mới đủ điện để nuôi tôm, tránh được tai nạn vì điện chia hơi, và giá điện được áp với mức thấp hơn? Những câu hỏi ấy luôn là nỗi bức xúc và trăn trở của người nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ