Tin nông nghiệp Bạc Liêu chủ động phòng chống dịch bệnh vào đầu mùa mưa

Bạc Liêu chủ động phòng chống dịch bệnh vào đầu mùa mưa

Tác giả PHẠM ĐOÀN, ngày đăng 01/06/2016

Bạc Liêu chủ động phòng chống dịch bệnh vào đầu mùa mưa

Người nuôi tôm xã Điền Hải (huyện Đông Hải) chạy quạt sục khí ôxy trong ao tôm sau những trận mưa đầu mùa. Ảnh: P.Đ

Môi trường thay đổi đột ngột từ nắng hạn sang mưa dầm làm cho cây trồng - vật nuôi dễ mắc bệnh. Đối tượng đầu tiên của sự thay đổi khí hậu lúc chuyển mùa chính là con tôm.

Năm nào cũng vậy, những cơn mưa đầu mùa luôn làm cho người nuôi tôm lo lắng. Ông Phạm Tiến Thành (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) bày tỏ: “Thời tiết năm nay khác hẳn những năm trước, nhất là nắng nóng kéo dài rồi đến những cơn mưa dầm làm cho việc kiểm soát môi trường ao tôm gặp nhiều khó khăn, không ít diện tích tôm nuôi bị thiệt hại. Độ mặn hiện nay ở sông là 35%o, còn độ mặn ở ao nuôi tôm dao động từ 47 - 50%o nên việc thả tôm giống gặp nhiều bất lợi. Nếu còn tiếp tục nắng xen kẽ với những trận mưa dầm thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên tôm là rất cao”.

Không riêng con tôm, mà gia cầm cũng bị ảnh hưởng thời tiết vào đầu mùa mưa, đặc biệt là vịt chạy đồng. Theo bà Nguyễn Thị Thảo (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình): “Việc phòng chống dịch bệnh trên gia cầm trong thời điểm giao mùa rất khó, vịt rất dễ mắc bệnh. Đối với vịt chạy đồng thì nguy cơ càng cao”.

Ngành Nông nghiệp tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp giúp nông dân bảo vệ tôm nuôi, chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết. Cụ thể như huyện Hồng Dân đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực để hỗ trợ nông dân. Ông Nguyễn Thành Long, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết: “Huyện tập trung thực hiện công tác dự báo về tình hình dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi để bà con biết và chủ động phòng chống. Bên cạnh đó, ngành chức năng huyện tăng cường cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người nuôi tôm, nhất là ở vùng chuyển đổi. Đồng thời giám sát và quản lý tốt vùng nuôi, đẩy mạnh việc tiêm phòng trên đàn gia cầm; đảm bảo nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản…”.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khoa, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho rằng, sau những cơn mưa, nước trong ao nuôi sẽ bị phân tầng, vì thế bà con cần chạy quạt để sục khí cung cấp ôxy đầy đủ cho tôm; sử dụng men vi sinh hợp lý; tăng cường bón vôi trên bờ ao; giữ cho độ pH trong ao tôm ổn định; theo dõi điều kiện môi trường để có biện pháp kịp thời bảo vệ tôm nuôi sau khi mưa lớn xuất hiện.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con nên gia cố bờ bao vuông tôm; cho tôm ăn thức ăn loại tốt; thường xuyên bổ sung khoáng chất cho tôm; khi tôm nuôi gặp rủi ro phải có biện pháp xử lý để tránh làm ô nhiễm môi trường...


Làm VietGAP để vực dậy ngành chè Làm VietGAP để vực dậy ngành chè Trái cây Việt sẽ phá kỷ lục 1,8 tỷ USD Trái cây Việt sẽ phá kỷ lục 1,8…