Mô hình kinh tế Bắc Ninh làm giàu từ nuôi con đặc sản

Bắc Ninh làm giàu từ nuôi con đặc sản

Ngày đăng 12/08/2015

Bắc Ninh làm giàu từ nuôi con đặc sản

Xã Việt Đoàn (Tiên Du) có một diện tích lớn là đất vườn đồi, nên việc phát triển các loại cây, con phù hợp, cho hiệu quả kinh tế luôn được chính quyền xã và người dân quan tâm. Trong đó, các mô hình nuôi con đặc sản như lợn rừng, nhím, chồn hương, chim công, chim trĩ… từng bước lan tỏa, góp phần quan trọng vào việc giúp cho nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi chim công của gia đình ông Nguyễn Hữu Khởi, ở thôn Đông Sơn (xã Việt Đoàn, Tiên Du). Ông Khởi chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi nuôi gia cầm nhưng do giá cám tăng cao, dịch bệnh nhiều nên không còn nuôi nữa. Năm 2009, trong một lần tình cờ xem phóng sự trên truyền hình VTV2 về mô hình nuôi chim công của một nông dân ở tỉnh Nam Định, tôi bị thu hút bởi loài chim hoang dã có bộ lông sặc sỡ rất đẹp này nên bàn bạc với gia đình xuống tận nơi mua 20 con chim công mới nở giống Ấn Độ, giá 750.000 đồng/con về nuôi thử. Chim công dễ nuôi, ăn tạp, thức ăn cho chim đơn giản, dễ kiếm, chủ yếu là thóc, ngô, cỏ và rau xanh nên tiết kiệm được chi phí…”.

Vốn bản tính cần cù, ham học hỏi, ông Khởi tự tìm hiểu những kỹ thuật nuôi chim trên mạng internet, sách báo, cộng với kinh nghiệm nhiều năm nuôi gia cầm nên chim công sinh trưởng và phát triển tốt. Sau 2 năm chăm sóc, chim công đạt độ tuổi trưởng thành và bắt đầu có khả năng sinh sản. Mỗi con chim công non mới nở được bán với giá 1 triệu đồng, nếu nuôi khoảng 2 năm, con trưởng thành nặng 6 - 7kg, có thể làm giống thì giá lên đến 10 triệu đồng/con. Đàn chim công của gia đình ông Khởi hiện sinh sôi lên đến hàng trăm con, mỗi năm xuất bán khoảng 200 con chim công mới nở, thu về hơn 200 triệu đồng. “Giá công cao nên người tìm mua thường là người có tiền, họ mua chim công thường để làm quà biếu, hoặc mua về chơi cảnh, có người nuôi để sinh sản rồi bán, thậm chí có người mua về để phóng sinh vào các dịp lễ”, ông Khởi cho hay.

Theo báo cáo của Hội Làm vườn huyện Gia Bình, hiện có gần 500 mô hình trang trại, gia trại với thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/mô hình/năm. Trong đó có 39 mô hình nuôi con đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao như ba ba gai, dê, nhím, cá trắm đen… Việc phát triển các mô hình nuôi con đặc sản theo hướng nâng cao chất lượng đã giúp nhiều hộ nông dân nơi đây vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Ông Nguyễn Duy Kiếm, Chủ nhiệm CLB Trang trại huyện Gia Bình nhớ lại: “Năm 1994, gia đình tôi nhận 1ha ruộng trũng để đào ao thả cá và xây dựng trang trại làm vườn trồng cây ăn quả. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, trang trại của gia đình ngày một phát triển, doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 1997, chúng tôi đã nuôi thành công mô hình cá rô phi đơn tính, được Bộ Thủy sản đánh giá cao”. Đặc biệt, năm 2013, ông Kiếm đã thử nghiệm thành công với mô hình nuôi ba ba gai theo hướng thương phẩm và sản xuất được con giống, tạo thuận lợi và giảm giá thành, mở ra hướng đi mới đầy hiệu quả cho bà con nông dân.

Tại thôn Thiên Đức (xã Thái Bảo, Gia Bình), mô hình chăn nuôi dê của gia đình ông Trần Danh Trưởng cho hiệu quả cao, được nhiều người học tập, nhân rộng. Từ việc đọc sách, báo và tự nghiên cứu rồi mạnh dạn đầu tư vốn mua 13 con dê lai Bách Thảo từ năm 2010, đến nay đàn dê của ông Trưởng lên đến gần 100 con. Dê lai Bách Thảo là loài vật hiền lành, lại rất dễ nuôi, khả năng sinh sản nhanh, chi phí thấp, thị trường tiêu thụ rộng lớn… Dê thịt bán hơi được ông bán với giá 120.000 - 130.000 đồng/kg, dê giống khoảng 3 - 4 triệu đồng/con. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Trưởng thu lãi bình quân 100 triệu đồng.

Biết tìm những loại vật nuôi để phát triển và khẳng định chất lượng đã giúp nhiều hộ chăn nuôi có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chưa có nhận thức đầy đủ về nuôi con đặc sản, khi thấy con vật nào đang thịnh hành, được giá là nuôi mà không tính đến đầu ra. Để tiếp tục phát huy, trong thời gian tới, các đơn vị chức năng khuyến cáo người dân không nên nuôi tự phát; thực hiện tốt các biện pháp quản lý để tránh nguy cơ dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái; bảo đảm điều kiện chuồng trại và thức ăn. Ngành chức năng đẩy mạnh tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân; tranh thủ các dự án, xây dựng những mô hình trình diễn phù hợp với điều kiện từng vùng; kiểm soát chặt chẽ nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại về kinh tế, môi trường, góp phần phát triển ngành chăn nuôi bền vững.


Phù Mỹ (Bình Định) phát triển phong trào trồng cỏ nuôi bò Phù Mỹ (Bình Định) phát triển phong trào… Tập trung tổ chức lại sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ cho hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) Tập trung tổ chức lại sản xuất, tìm…