Tin nông nghiệp Bắc Ninh: Mô hình sản xuất khoai tây giống áp dụng cơ giới hóa ở Tiên Du

Bắc Ninh: Mô hình sản xuất khoai tây giống áp dụng cơ giới hóa ở Tiên Du

Author Nguyễn Công Cường - Trung tâm Khuyến nông Bắc Ninh, publish date Saturday. April 22nd, 2017

Bắc Ninh: Mô hình sản xuất khoai tây giống áp dụng cơ giới hóa ở Tiên Du

Khoai tây giống là yếu tố quan trọng và quyết định hiệu quả của việc sản xuất khoai tây thương phẩm. Phương pháp trồng khoai truyền thống là trồng bằng củ, củ sau thu hoạch để giống cho vụ sau. Quá trình để giống qua nhiều vụ làm cho khoai tây bị thoái hóa gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.

Trong ảnh: Ứng dụng cơ giói hóa các khâu trong sản xuất Khoai tây

Để chủ động về số lượng, chất lượng giống khoai tây cho vụ đông, vụ xuân 2017, Trạm Khuyến nông huyện Tiên Du (Bắc Ninh) đã xây dựng mô hình sản xuất khoai tây giống siêu nguyên chủng Marabel áp dụng cơ giới hóa với quy mô 2 ha tại thôn Long Khám, xã Việt Đoàn.

Ngoài chi phí về giống cho sản xuất khoai tây thì công làm đất trồng, chăm sóc và thu hoạch rất lớn. Do vậy việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất khoai tây đã giảm được 70% chi phí công lao động so với trồng thủ công. Từ đó đem lại hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích.

Thời tiết vụ xuân 2017 tương đối thuận lợi cho sản xuất khoai tây giống, ngày có nắng nhẹ, ban đêm nhiệt độ thấp hơn nên tạo điều kiện cho quá trình tích lũy dinh dưỡng vào củ tốt. Các bước vùi, vun, xới khoai được làm bằng máy nên năng suất chất lượng củ cao hơn, mẫu mã củ đẹp hơn so với làm bằng tay. Mỗi sào khoai tây làm bằng máy tiết kiệm được từ khoảng gần 400.000 đồng so với cách làm thủ công truyền thống (1 sào = 360 m2). Sau 90 ngày trồng, với năng suất trung bình khoảng 450 kg/sào, trừ chi phí, mỗi sào khoai tây giống cho lãi từ 1,5- 1,7 triệu đồng.

Anh Nguyễn Thế Đồng - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tiên Du cho biết: Trong những năm qua, diện tích cây vụ đông trên địa bàn huyện có xu hướng giảm. Nguyên nhân là do lao động tập trung vào các khu công nghiệp, công lao động thủ công quá cao, giá nông sản bấp bênh. Một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng trên, góp phần giảm chi phí trong sản xuất là đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, trồng cây khoai tây áp dụng cơ giới hóa có thể giúp phát triển diện tích và tăng thu nhập chongười sản xuất.

Hiện nay khoai tây là cây trồng chủ lực trên địa bàn nhiều địa phương của tỉnh trong cơ cấu cây trồng vụ đông. Khoai tây hoàn toàn phù hợp với công thức luân canh trên đất 2 lúa của tỉnh là lúa xuân - lúa mùa - khoai tây đông. Ngoài ra luân canh khoai tây với lúa còn có tác dụng tăng cường độ phì cho đất và ngăn cản sự lan truyền một số đối tượng sâu bệnh. Trồng khoai tây áp dụng cơ giới hóa giảm chi phí, tăng hệ số sử dụng đất, làm giảm diện tích đất bỏ hoang vào vụ đông trên địa bàn huyện. Vì vậy, việc đưa mô hình sản xuất  khoai tây giống áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất vụ xuân để đảm bảo cung ứng giống khoai tây chất lượng cho vụ thu đông là một hướng đi đúng, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và xây dựng nông thôn mới thành công.


Vĩnh Long: Trồng xen chuối trong vườn bưởi cho thu nhập cao Vĩnh Long: Trồng xen chuối trong vườn bưởi… Năng suất lúa Kiên Giang giảm gần 1 tấn/ha Năng suất lúa Kiên Giang giảm gần 1…