Bài học khi tham gia sân chơi lớn
Sau sự cố “tin đồn thất thiệt” nêu trên đã khiến cho ngành Chè Lâm Đồng một phen lao đao. Dẫn chiếu cụ thể, 9 tháng đầu năm 2015 đã có 4.918 tấn chè bị tồn kho, trong đó chè đen 2.590 tấn, chè xanh 1.660 tấn và chè Oloong là 668 tấn. Con số thống kê khiến không ít người tâm huyết với cây chè nói riêng và những người đang mong muốn ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiệm cận được với quy chuẩn chất lượng cao cảm thấy giật mình và lo lắng. Trước tình hình trên, ngay lập tức hàng loạt hội nghị, hội thảo thu hút các nhà chuyên môn, quản lý và chính quyền địa phương cùng vào cuộc để đánh giá những nguyên nhân tồn tại và đưa ra các biện pháp nhằm giảm thiểu dư lượng thuốc BVTV không những chỉ trên cây chè.
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, cuối năm 2015, sau nhiều tháng hành động với nhiều giải pháp và sự phối hợp tốt giữa các bên liên quan, từ chính quyền, ngành chuyên môn đến tận người trực tiếp trồng chè thì tình hình chè nhiễm dư lượng thuốc BVTV đã có chiều hướng giảm. Một số vùng nguyên liệu chè tập trung ở thành phố Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm đã quản lý được hoàn toàn việc sử dụng hoạt chất Fipronil trong sản xuất. Có thể nói, đây là động thái đáng hoan nghênh của cơ quan quản lý nông nghiệp tại Lâm Đồng, dù vẫn biết rằng, đến khi “mất bò mới lo làm chuồng”. Nhưng xét đến toàn cục và tương lai của một nền nông nghiệp đã được định hình, mà cây chè là một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh thì đó là tín hiệu tốt.
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Lâm Đồng, trong tổng số 237 hoạt chất thuốc BVTV được các cơ sở sản xuất và nông dân trồng chè sử dụng thì có 37 hoạt chất trừ sâu (gồm 73 thuốc thương phẩm) và 11 hoạt chất trừ bệnh (13 thuốc thương phẩm) đã đăng ký sử dụng trên cây chè. Còn lại 43 hoạt chất trừ sâu (102 thuốc thương phẩm) và 14 hoạt chất trừ bệnh (15 thuốc thương phẩm) chưa được sử dụng trên chè mà chủ yếu đăng ký trên cà phê, lúa và các loại cây trồng khác. Đáng chú ý hơn, các hoạt chất chưa đăng ký sử dụng trên cây chè tại Việt Nam, ngoài Fipronil, có tới 5 hoạt chất người trồng chè tại Bảo Lâm và Bảo Lộc còn sử dụng phổ biến gồm: Hexaconazole, Imidacloprid, Acetamiprid, Carbendazim, Chlorpyrifos Ethyl. Ngoài Fipronil, thì phần lớn các loại hoạt chất trên cũng đã bị Đài Loan và một số quốc gia thuộc Liên minh châu u nghiêm cấm sử dụng trên cây chè. Đây chính là nguyên nhân, các đối tác nước ngoài từ chối nhập khẩu đối với bất cứ sản phẩm chè của quốc gia nào (trong đó có cả Việt Nam) khi phát sinh dư lượng thuốc BVTV bị cấm.
Có một điều đáng lưu tâm, các loại thuốc BVTV phát sinh dư lượng các hoạt chất trên, đặc biệt là Fipronil, cho đến nay vẫn chưa được Việt Nam loại khỏi danh sách được phép sử dụng. Đây là hoạt chất thuốc BVTV thuộc nhóm độc II, được sử dụng để diệt kiến, bọ cánh cứng, bọ chét, ve, mối, mọt và một số loại côn trùng khác. Tuy nhiên, mặc dù không được sử dụng trên cây chè, chỉ được cho phép trên cây cà phê và lúa, nhưng theo thói quen người nông dân vẫn mua bán và sử dụng rộng rãi trên phần lớn các loại cây trồng.
Theo bà Vũ Thị Thúy - Trưởng phòng Kiểm dịch Pháp chế của Chi cục BVTV Lâm Đồng: “Phần lớn người dân sử dụng thuốc đều theo thói quen, theo “kinh nghiệm” của những người đã từng sử dụng thấy hiệu quả và theo hướng dẫn của các đại lý bán thuốc BVTV. Trong khi đó, vùng nguyên liệu của nhiều doanh nghiệp không được xác định cụ thể, để sản xuất thành phẩm, họ thường mua trôi nổi, đại trà trên thị trường, không có hợp đồng cam kết vì vậy việc kiểm soát chất lượng đầu vào không được đảm bảo”.
Theo khảo sát của Chi cục BVTV tỉnh, hiện nay, tại khu vực sản xuất chè của Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, có 254 quầy buôn bán thuốc BVTV. Thời gian vừa qua, Chi cục cũng đã tổ chức kí cam kết với 9/13 công ty phân phối thuốc trên địa bàn tỉnh không phân phối 14 sản phẩm thuốc BVTV có hoạt chất Fipronil tại Lâm Đồng. Bên cạnh đó, 109/254 đại lý buôn bán thuốc BVTV tại 10 xã trồng chè trọng điểm trên địa bàn các huyện Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc cũng ký kết không phân phối, buôn bán thuốc có hoạt chất Fipronil tại các vùng sản xuất chè tập trung của tỉnh.
Việc làm này đã dẫn đến hiệu quả trước mắt, nhưng về lâu dài mối lo đối với vùng nguyên liệu chè thì vẫn còn đó. Bằng chứng là, trong đợt kiểm tra gần nhất của Chi cục BVTV tại vườn của 50 nông dân trồng chè tại xã Đại Lào - Bảo Lộc, kết quả cho thấy, không có người trồng chè sử dụng thuốc có hoạt chất Fipronil nhưng vẫn còn 8/50 nông dân (16%) sử dụng một số hoạt chất không được phép sử dụng trên cây chè như Hexaconazole (Convil 10EC), Imidaclorip (Anvado 100WP), Acetamiprid (Ascend 20SP) để phòng trừ bệnh lá, thối búp, sâu cuốn lá… Con số 16% trong số 50 hộ dân của xã Đại Lào sử dụng các hoạt chất chưa đăng ký trên cây chè tưởng chừng như ít ỏi ấy, song nếu nguồn nông sản của các hộ được thu mua chế biến chung với các nguyên liệu không dùng thuốc BVTV mà phía đối tác cấm sử dụng trên cây chè thì sản phẩm trà thành phẩm xuất khẩu vẫn bị ảnh hưởng. Đây thực sự là một thách thức cho ngành Nông nghiệp Lâm Đồng trong công tác quản lý dư lượng thuốc BVTV trên cây chè được mệnh danh là “thủ phủ” chè Viết Nam nói riêng và các loại nông sản khác nói chung.
Ông Lại Thế Hưng - Chi Cục trưởng Chi cục BVTV Lâm Đồng cho biết: “Đối với sản phẩm chè Oloong, phần lớn các mẫu có dư lượng thuốc BVTV gốc carbamate và lân hữu cơ khi kiểm tra phân tích định tính đều cho kết quả an toàn, trong các mẫu phân tích định lượng thì chỉ có phần rất nhỏ dư lượng thuốc Acetamipird vượt ngưỡng 0,05mg/kg so với tiêu chuẩn EU (0.02mg/kg). Đối với sản phẩm chè đen, qua các cuộc kiểm tra từ tháng 8 -10/2015 vẫn còn có những mẫu có dư lượng Fipronil vượt ngưỡng quy định của Đài Loan (0,002/kg) từ 1,6 - 4 lần”.
Cũng theo ông Hưng, có một vấn đề bất cập nữa, đó là hầu hết các công ty tại Lâm Đồng đều chưa chủ động thực hiện kiểm tra dư lượng thuốc BVTV của từng lô hàng trước khi xuất khẩu, mà chỉ gửi mẫu kiểm tra khi có yêu cầu của nước nhập khẩu.
Không thể chần chừ hay chậm hơn nữa khi đảm bảo cho danh tiếng cây chè của Lâm Đồng có được sự an toàn, đáp ứng những quy chuẩn khắt khe nhất, bởi chỉ có thế, ngành Chè hay rộng hơn là nền nông nghiệp Lâm Đồng mới đàng hoàng bước vào “sân chơi ” toàn cầu trong sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.
“Việc sử dụng thuốc BVTV trên cây rau tại Lâm Đồng vẫn còn, tuy nhiên được kiểm soát tốt hơn, nhất là với những doanh nghiệp, đơn vị đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng bởi có nhật ký theo dõi. Điều đáng lo ngại là trên diện tích sản xuất nhỏ lẻ của người nông dân vẫn còn việc sử dụng thuốc BVTV không theo liều lượng, quy định hướng dẫn. Phần lớn, sản phẩm này lại được các lái thương thu mua đại trà, không có cam kết hợp đồng và tiêu thụ ở thị trường trong nước” - bà Vũ Thị Thúy - Trưởng phòng Kiểm dịch Pháp chế, Chi cục BVTV Lâm Đồng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ