Bài Học Từ Mô Hình Trồng Trám Ghép Ở Xã Cẩm Tâm (Thanh Hóa)
Mô hình trám ghép được đưa vào trồng trên đất xã Cẩm Tâm (Cẩm Thủy - Thanh Hóa) từ năm 2002 - 2003, do trạm khuyến nông huyện triển khai thực hiện. Theo đó, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ toàn bộ tiền giống, tập huấn về quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trám ghép.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thông qua các hộ dân và chính quyền xã Cẩm Tâm, thời điểm đó, trên địa bàn xã có khoảng 40 hộ dân tham gia, với tổng diện tích gần 4 ha. Khi vừa đưa cây trám ghép vào trồng trên địa bàn, chính quyền xã và nhiều hộ dân đều kỳ vọng lớn về hiệu quả kinh tế của cây trám ghép.
Thế nhưng, kỳ vọng bao nhiêu thì các hộ dân thực hiện mô hình thất vọng bấy nhiêu, bởi sau 3 đến 4 năm trồng và chăm sóc, đáng ra cây trám phải cho bội quả, nhưng lại cho kết quả ngược lại. Không nản lòng, nhiều hộ dân vẫn chăm sóc và chờ đợi thêm vài năm, nhưng kết quả cũng không có gì thay đổi, những cây trám cao lớn, tốt tươi vẫn không hề cho quả.
Thất vọng và không còn niềm tin vào cây trám ghép, nhiều hộ đã chặt bỏ để trồng các loại cây khác. Đến nay, trên địa bàn xã chỉ còn ít cây sót lại trên đất vườn nhà của một số hộ dân.
Chúng tôi gặp anh Quách Văn Dương, thôn Thủy Thanh, xã Cẩm Tâm tại khu vườn đồi trước đây được gia đình trồng trám ghép nhưng nay đã thay thế bằng cây keo, anh cho biết: Cuối năm 2002, được cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Cẩm Thủy giới thiệu, anh đã tham gia trồng 2 sào trám ghép, với gần 30 cây. Sau bao công chăm sóc, những tưởng sau 3 năm cây sẽ cho thu hoạch, nhưng chờ đến tận 8 năm vẫn chưa thấy cây cho quả bói, quá thất vọng nên anh chỉ để lại vài cây ở vườn nhà, số còn lại anh chặt bỏ hết.
Không chỉ có gia đình anh Quách Văn Dương mà hầu hết các hộ dân trong thôn, trong xã đều chặt bỏ cây trám ghép giống gia đình anh. Trao đổi với chúng tôi về việc chặt bỏ cây trám ghép trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Quốc Hưng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Tâm, cho biết: Cây trám ghép được đưa vào trồng trên địa bàn, nhưng sau một thời gian dài chăm sóc và chờ đợi vẫn không thấy cây cho quả, nên khi các hộ dân quyết định chặt bỏ, xã cũng không dám ngăn cản.
Khi được hỏi về nguyên nhân khiến cây trám ghép không trụ vững trên đất Cẩm Tâm, theo đánh giá cảm quan, hầu hết các hộ dân đều cho rằng, do không hợp thổ nhưỡng và khí hậu nên cây trám ghép không cho quả. Tuy nhiên, trao đổi với đồng chí Lê Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chúng tôi được biết: Cây trám ghép hoàn toàn phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu trên địa bàn xã Cẩm Tâm.
Việc cây trám được trồng trên địa bàn xã không cho quả bởi: Cây trám ghép cần có sự chăm sóc đặc biệt, theo đúng quy trình kỹ thuật, trong khi dân bản địa với tập quán canh tác lạc hậu, chỉ trồng mà không chú ý chăm sóc nên cây không cho quả. Bên cạnh đó, do cây trám ghép có đặc điểm là thụ phấn chéo, nên cần trồng theo quy mô lớn, tập trung, nhưng cây trám ở xã Cẩm Tâm chỉ được trồng nhỏ lẻ, không đủ điều kiện để cây thụ phấn cho quả.
Ngoài ra, khác với nhiều loại cây thông thường, cây trám ghép có cây cái và cây đực, trong quá trình trồng, người dân phải phân biệt được 2 loại cây để thực hiện trồng đan xen với nhau theo đúng mật độ và kỹ thuật, song hầu hết người dân không để ý đến đặc điểm này. Theo lý giải của phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lê Thị Hoa thì dường như nguyên nhân chủ yếu khiến cây trám ghép trồng trên đất Cẩm Tâm thất bại là do người dân.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trách nhiệm của Trạm Khuyến nông Cẩm Thủy - đơn vị xây dựng và triển khai thực hiện mô hình ở đâu trong việc hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc? Mặt khác cũng cần xác định rõ xem liệu có đúng cây trám phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở Cẩm Tâm không?
Thất bại của mô hình cây trám ghép ở xã Cẩm Tâm là kinh nghiệm cho các đơn vị thực hiện mô hình. Trước khi thực hiện mô hình, các đơn vị có liên quan cần phân tích, lựa chọn kỹ loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương cũng như trình độ canh tác của người dân bản địa. Và để mô hình phát triển bền vững, không thể thiếu sự sâu sát, đồng hành của cán bộ chuyên môn trong suốt quá trình thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ