Mô hình kinh tế Bài Học Từ Việc Bỏ Cây Ca Cao

Bài Học Từ Việc Bỏ Cây Ca Cao

Ngày đăng 07/05/2014

Bài Học Từ Việc Bỏ Cây Ca Cao

Đầu năm 2014, ACDI/VOCA, một trong những tổ chức tham gia hỗ trợ, tập huấn nông dân trồng ca cao từ đầu, công bố lý do vì sao nông dân chặt bỏ cây ca cao khi giá hạt ca cao giảm còn trên dưới 30.000 đồng/kg.

Mới đây, theo dự báo của Tổ chức Ca cao quốc tế - ICCO, nhu cầu sử dụng ca cao tăng mạnh mà nguồn cung thu hẹp nên năm 2014 toàn cầu sẽ thiếu 150.000 tấn ca cao nguyên liệu và có thể thiếu cả triệu tấn những năm tới, nếu không có giải pháp.

Giá và sâu bệnh

Cuộc khảo sát cho thấy, trong bối cảnh quỹ đất cây trồng không còn, chính sự hỗ trợ từ bên ngoài về đào tạo kỹ thuật chăm sóc, cây giống, kỹ thuật ủ chua hạt để gia tăng lợi nhuận cũng như triển vọng của cây ca cao là động lực để nông dân trồng ca cao xen với các loại cây trồng khác như cây dừa, cây điều….

Thực tế bà con nông dân nhận thức, đây là hình thức đầu tư dài hạn mà thách thức lớn nhất của nó là rủi ro. Với những hộ chặt bỏ, bao gồm cả việc không chăm sóc có 3 lý do chính đưa ra: Sâu bệnh, thiếu nước tưới và giá cả. Những nông dân bỏ ca cao khi trồng hơn 3 năm, mới cho quả bói đầu mùa, chăm sóc chưa đạt yêu cầu nên ít trái, hơn nữa cây chưa đến giai đoạn có năng suất cao.

Theo họ, chặt bỏ là để giảm lỗ. Cũng qua khảo sát cho thấy, có sự thiếu hụt giữa tập huấn và đầu tư cho cây ca cao, cùng với chi phí đầu vào tăng, năng suất thấp mà lại bán trái tươi (thường rất thấp so với trái lên men) là yếu tố làm nông dân không thiết tha với cây ca cao.

Người chặt bỏ ca cao thường có diện tích dưới 1,5ha/vườn. Một khảo sát của nhà quản lý cho thấy, đa số diện tích ca cao giảm ở khu vực không phù hợp với cây ca cao như thiếu nước tưới...

Trong khi những hộ nông dân giữ lại ca cao để trồng cũng có thời gian trồng tương đương hộ chặt bỏ, nhưng năng suất lại cao hơn và họ có chung một lý do: thu nhập từ cây ca cao khá tốt.

Như vậy, cả 2 nhóm này trồng cùng thời điểm, nhưng những người giữ lại đều có trên 600 cây ca cao và được chăm sóc khá bài bản, trong khi chỉ cần 500 cây ca cao chăm sóc tốt là có thể giúp duy trì sự ổn định về thu nhập. Những người giữ lại thường có diện tích lớn hơn, trên 1,9ha/vườn.

70% số hộ khảo sát cho rằng, giá ca cao dù có giảm (đầu năm 2013) so với những năm trước nhưng vẫn chấp nhận được. Họ tin rằng, năng suất sẽ còn tăng lên và ổn định thời gian dài, khi ca cao vào giai đoạn trưởng thành thì thu nhập từ ca cao sẽ còn tăng thêm.

Hiện nay giá ca cao hạt đã lên từ 55.000 đến 60.000 đồng/kg, cao hơn cà phê, cao su, hạt điều. Bài học rút ra ở đây là giá cả luôn là vấn đề lớn đối với nông dân.

Quan trọng là chính sách

Cây ca cao cũng như cà phê hay cây trồng khác, việc chặt bỏ riêng lẻ là điều không thể loại trừ mà luôn xảy ra trong sản xuất nông nghiệp.

Cũng như vùng Tây Nguyên phù hợp với cây cà phê, nhưng vẫn có người trồng cà phê ở đây thất bại. Vì vậy, làm sao giúp nông dân nhận thức ca cao cũng như cà phê, hồ tiêu hay cao su phải đầu tư bài bản vài năm mới có thu nhập, hưởng lợi. Điều quan trọng hơn, phải tuân thủ quy trình chăm sóc, không thể phó mặc hay lấy kinh nghiệm từ loại cây trồng này để áp dụng cho loại cây trồng khác.

Vấn đề là cần nghiên cứu chi phí của cây ca cao và cây khác để nông dân có so sánh chính xác hơn. Với những nơi trồng thuần, vấn đề là giúp nông dân giải pháp trước mắt để bà con có thu nhập khi chờ ca cao cho trái.

Với câu hỏi có muốn trồng tiếp ca cao không, nhiều hộ lắc đầu với lý do hết đất, nhưng cũng có khá nhiều trường hợp cho biết họ sẽ trồng lại nếu giá tốt. Một số nói sẽ trồng thêm để mở rộng diện tích khi họ nắm vững kỹ thuật xử lý sâu bệnh, tỉa cành năng suất cao, để có từ 3kg hạt/cây.

So với cây công nghiệp khác, nông dân cho rằng chi phí đầu vào, lao động và nước tưới cây ca cao đều thấp hơn mà lại cho thu nhập quanh năm. Nhưng người dân luôn lo lắng, không biết giá loại cây này tương lai sẽ như thế nào.

Tuy nhiên, bên cạnh nguồn thu, thách thức lớn nhất với đa số nông dân là vấn đề sâu bệnh, sóc và một số loại động vật khác ăn trái mà chưa biết cách xử lý. Trong khi thị trường và tín dụng là lĩnh vực người dân ít được tiếp cận.

Qua khảo sát cho thấy, không nên lấy điển hình nào đó để khái quát hóa về sự kiện chặt bỏ cây ca cao. Thách thức mang tính địa phương không thể khái quát chung cho toàn vùng. Và để khắc phục tình trạng này, mỗi khu vực đều phải có sự đa dạng về giải pháp để thích ứng mặc dù việc chặt bỏ chủ yếu đến từ những lý do như nêu trên.

Kinh nghiệm của các nước phát triển ca cao khá bền vững cho thấy, chính sách của nhà nước rất quan trọng trong việc giúp nông dân nắm chắc thông tin, tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Ở Bờ Biển Ngà, Ghana, chính phủ lập ra Ủy ban Ca cao để giám sát chất lượng, thị trường cũng như việc sản xuất kinh doanh, đề ra chính sách hợp lý với mục tiêu thúc đẩy việc liên kết và sơ chế hạt ca cao trong nước (đã qua ủ chua) để tạo ra giá trị nhiều hơn, qua đó giúp nông dân nâng cao thu nhập.


Tăng Thu Nhập Nhờ Chuyển Đổi Cây Trồng Tăng Thu Nhập Nhờ Chuyển Đổi Cây Trồng Tiêu Thụ Sôi Động, Gạo Thơm Tăng Giá Vùn Vụt Tiêu Thụ Sôi Động, Gạo Thơm Tăng Giá…