Bám đất làng làm rau sạch, thu lợi gấp 5 lần trồng lúa
Thu nhập ổn định từ rau sạch
Vợ chồng ông Nguyễn Lai (ở thôn Tuý Loan Tây 1, Hoà Phong) trước đây có 1.500m2 đất màu trồng đậu. Khi thấy không hiệu quả, vợ chồng ông chuyển sang trồng rau sạch, luân phiên trồng rau cải, ngò tây, khổ qua, đậu tây, dưa leo, đậu phộng... Giá cả rau phụ thuộc vào thị trường, năm được năm mất nhưng bình quân vợ chồng ông thu được khoảng 15-20 triệu đồng mỗi năm.
Ông Lai cho biết, ông bắt đầu trồng rau sạch từ năm 2008, với diện tích 1.500m2 ông trồng các loại rau dền, muống, cải ngọt, cải cay, ớt… Mỗi ngày thu từ 120.000- 150.000 đồng tiền rau. “Không thu tiền nhiều một lúc nhưng ngày nào cũng có tiền bỏ túi. Nghề trồng rau sạch tuy vất vả, suốt ngày chăm chút từ tưới nước, làm cỏ, làm đất… nhưng thu nhập khá nên sống khỏe. Từ nhiều năm nay, người dân ở Túy Loan cứ bám đất ở làng mà trồng rau kiếm sống…” - ông Lai tâm sự. Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (thôn Túy Loan Tây 1, Hoà Phong) có 250m2 đất, sau khi trồng đậu không hiệu quả, bà chuyển sang trồng ớt, mỗi vụ thu hoạch được 5-6 triệu đồng. “Trước đây, trồng đậu làm chi có được số tiền đó, làm một vụ mấy tháng cũng chỉ được hơn 1 triệu đồng” - bà Tuyết cho biết.
Ông Đặng Phú Hành - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà Vang cho biết, hiện Hòa Vang có 8 vùng chuyên canh rau sạch với tổng diện tích hơn 30ha. Trong đó, hai vùng rau Hoà Tiến và Hoà Phong đã được chứng nhận và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Năng suất bình quân rau ăn lá các loại đạt từ 1-1,5 tấn/sào, rau ăn quả đạt 1,5-2 tấn/sào, bình quân mỗi hộ thu nhập từ 5-6 triệu đồng/sào, đạt hiệu quả kinh tế cao gấp 5-10 lần trồng lúa.
Gần 2 năm nay, gia đình ông Võ Mạnh (ở thôn Phú Sơn Nam, Hoà Khương) chuyển 3 sào đất làm lúa của gia đình sang trồng rau sạch. Mỗi năm ông Mạnh trồng 2 vụ khổ qua, dưa leo và đậu đũa, trừ chi phí, mỗi vụ ông thu được 20 triệu đồng, mỗi năm thu nhập được 40 triệu đồng.
Thấy làm rau hiệu quả, ông Mạnh tiếp tục thuê thêm 2 sào đất của người dân trồng bắp không hiệu quả để chuyển sang trồng 2 sào bí đao. “Từ năm ngoái đến nay, giá rau tăng, thương lái đến tận làng tìm mua rau nên người dân làm có lãi... Tính ra làm rau sạch lợi hơn làm lúa, mỗi vụ lúa thu hoạch xong, trừ chi phí mỗi sào cũng lãi chỉ được 500.000 đồng” - ông Mạnh thổ lộ.
Cầu vượt cung
Ông Bùi Dũng- Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Tuý Loan (Hoà Phong) cho biết, vùng rau sạch Tuý Loan có hơn 40 hộ tham gia trồng rau với diện tích 8ha, trồng hơn 30 sản phẩm rau quả các loại gồm mồng tơi, rau dền, xà lách, rau cải, hành lá, bí đao, khổ qua, bầu, mướp, ớt…
Hiện mỗi ngày, người dân vùng rau xuất bán khoảng 500kg rau/ngày. Trong đó, số rau cung cấp qua HTX là 30%. Còn lại các hộ dân bán lẻ cho các chợ, thương lái. Bình quân hàng ngày, mỗi hộ trồng rau thu nhập từ 120.000-150.000 đồng/ngày, mỗi tháng thu nhập từ 3-5 triệu đồng. Ban đầu, HTX được thành lập có diện tích 2ha với 20 hộ tham gia. Đến nay, HTX đã được mở rộng lên 8ha và đầu tư các mô hình sản xuất theo chuẩn VietGAP với các loại rau quả như dưa leo, bí đao, chanh, khổ qua, cải xanh, rau muống...
“Hiệu quả kinh tế của trồng rau sạch là thấy rõ, đầu ra của HTX đã tương đối ổn định. HTX vừa ký hợp đồng cung ứng mỗi ngày từ 500- 600kg các loại cho 2 công ty, 1 trường học trên địa bàn Đà Nẵng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang lo sản xuất không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường, một phần do diện tích đất canh tác ít, một phần là nhân lực không có bởi vùng rau này chủ yếu là những người lớn tuổi trồng, không có một đội ngũ kế cận. Chúng tôi cũng đang làm phương án đề nghị Sở NNPTNT mở rộng thêm 3ha diện tích đất trồng rau sạch” - ông Dũng nói.
Ông Trần Văn Mười- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Khương cho biết, vùng rau sạch Hoà Khương được hình thành từ năm 2015 của dự án QSEAF hỗ trợ do Sở NNPTNT chủ trì, có diện tích 6,3ha với 10 hộ tham gia trồng, mỗi năm mỗi hộ thu nhập khoảng trên 10 triệu đồng/sào từ trồng rau sạch. “Cái khó hiện nay là đầu ra sản phẩm bấp bênh nhỏ lẻ tại các chợ. Hơn nữa, nếu vùng rau tiếp cận được các siêu thị, nhà hàng, thì bắt buộc phải cung ứng trong cả năm, trong khi việc canh tác của người dân cũng gặp khó do thời tiết không thể sản xuất cả năm, và không thể đáp ứng đủ nhu cầu cần….” - ông Mười chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ