Bám sát đồng ruộng chủ động phòng trừ sâu bệnh cho lúa xuân
Để bảo đảm cho lúa xuân sinh trưởng, phát triển, ngành Nông nghiệp, các địa phương đang tích cực chỉ đạo nông dân chủ động theo dõi, phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng sinh vật hại.
Nông dân thôn Lầy, xã Đào Viên (Quế Võ) chăm sóc lúa xuân.
Vụ xuân năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Hằng, ở thôn Phán Lâm, xã Bằng An (Quế Võ) gieo cấy gần 1 mẫu lúa, chủ yếu là các giống năng suất, chất lượng cao như: Khang dân 18, BC15, Bắc thơm số 7, Nếp N87. Để tạo điều kiện cho lúa xuân sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu, bệnh, gia đình bà Hằng thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, chăm sóc, bón phân, làm cỏ. Khi lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ và có dấu hiệu bị bệnh đạo ôn, gia đình chủ động phun thuốc phòng trừ, không để bệnh hại lây lan ra diện rộng.
Tại xứ đồng Mỏ Trạng, thôn Lầy, xã Đào Viên (Quế Võ) bà Đỗ thị Quyên đang nhổ cỏ kết hợp phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa xuân cho biết: “Do được chăm sóc chu đáo, kịp thời ngay sau khi cấy nên toàn bộ diện tích lúa xuân của gia đình tôi đều sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, qua thăm đồng kiểm tra phát hiện trên một số diện tích xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ, bọ trĩ gây hại cục bộ. Vì vậy, gia đình tiến hành phun thuốc phòng trừ.
Trong vụ xuân, thời điểm đầu vụ hay xuất hiện chuột hại, ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn, bệnh nghẹt rễ; thời điểm cuối tháng 3 trở đi khi thời tiết ấm lên hay xuất hiện sâu cuốn lá, ruồi đục nõn; còn thời điểm cuối vụ hay xuất hiện sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy nâu, rầy lưng trắng... Do vậy, để chủ động phòng, trừ các loại sâu, bệnh hại lúa xuân, ngay từ đầu vụ, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Quế Võ cùng các ngành chuyên môn của huyện tập trung hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng, trừ sâu, bệnh hại cây trồng đến nông dân, Trạm cử cán bộ thường xuyên thăm đồng theo dõi sát diễn biến sâu, bệnh hại, khuyến cáo nông dân có biện pháp phòng, trừ kịp thời. Đến nay toàn bộ diện tích lúa xuân của huyện sinh trưởng, phát triển tốt.
Ngay sau khi hoàn thành gieo cấy lúa xuân, nông dân các địa phương trong tỉnh thường xuyên bám sát đồng ruộng, theo dõi, phát hiện và phòng trừ kịp thời các loại sâu, bệnh hại cây trồng vụ xuân. Theo kết quả điều tra, thăm đồng của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, trên đồng ruộng đã xuất hiện một số đối tượng sinh vật hại lúa, trong đó đáng lưu ý là:
- Chuột với tỷ lệ hại phổ biến 0,3-0,5%, cục bộ 25-30% số dảnh tại các chân ruộng cao, đám mạ.
- Ốc bươu vàng với mật độ phổ biến 0,3-0,5 con/m2, cục bộ hơn 15 con/m2, mật độ ổ trứng nơi cao xấp xỉ 0,1 ổ/m2.
- Bệnh đạo ôn lá xuất hiện trên các giống lúa Nếp PD2, BM9603, BC15, Q5... tỷ lệ bệnh phổ biến 1-2%, cục bộ 10%.
- Ruồi đục nõn với tỷ lệ hại phổ biến 1-2%, cục bộ 10% số dảnh.
- Sâu cuốn lá nhỏ phát sinh trên một số ruộng xanh tốt giai đoạn cuối đẻ nhánh.
- Ngoài ra: Rầy, châu chấu, bọ trĩ, bọ xít đen... phát sinh với mật độ thấp.
Cũng theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, giai đoạn từ nay đến cuối vụ trên các trà lúa xuân sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều loại sâu, bệnh hại như: Bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn, bệnh đốm sọc vi khuẩn và bạc lá, bệnh lùn sọc đen, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu và rầy lưng trắng, sâu đục thân 2 chấm… làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất lúa nếu không được phòng, trừ kịp thời.
Để hạn chế sâu, bệnh hại, bảo đảm cho lúa xuân sinh trưởng, phát triển tốt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật yêu cầu Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố tăng cường theo dõi, giám sát đồng ruộng, mở rộng tuyến điều tra kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng dịch hại. Nông dân cần tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ