Băn Khoăn Chuyện Xử Lý Ô Nhiễm Trên Sông Chà Và
Trước tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Chà Và gây nhiều thiệt hại cho các hộ nuôi cá lồng bè, ngày 10-4, Thường trực HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp với các sở, ngành để đánh giá thực trạng về tình hình thực hiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản, khai thác cát trái phép và vấn đề ô nhiễm môi trường trên sông Chà Và.Cuộc họp đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất, giải pháp khắc phục, xử lý nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn.
HĐND tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các đợt thị sát tình hình nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và. Trong ảnh: Ông Nguyễn Hữu Thi, Trưởng Phòng Nuôi trồng, Chi cục Thủy sản (Sở NN - PTNT) giới thiệu với đoàn kiểm tra về thực tế việc thực hiện quy hoạch nuôi cá, hàu trên nhà lồng bè.
Quy hoạch cũ bị phá vỡ
Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, quy hoạch chi tiết 1/2000 khu nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn) được UBND tỉnh phê duyệt ngày 27-2-2007. Theo đó, khu vực nuôi cá lồng bè được chia thành 7 vùng, tổng diện tích 64,8ha; khu vực nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ gồm 9 vùng bãi triều, tổng diện tích 72,4ha. Sau khi có quy hoạch, việc nuôi cá lồng bè phát triển rất nhanh. Năm 2010 có 163 hộ gia đình, DN nuôi trồng thủy sản trên sông, với tổng diện tích 129,5ha.
Tuy nhiên, trong các năm gần đây, do tình trạng cá chết hàng loạt nên số hộ nuôi trồng thủy sản đã giảm xuống còn 150 hộ gia đình và DN với tổng diện tích 90,7ha.Thế nhưng, theo ông Cường, việc nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và đã vượt quá quy hoạch.
Còn ông Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho biết, qua giám sát cho thấy khu vực nuôi cá trên sông Chà Và chưa có quy hoạch chi tiết 1/500. Trong 7 vùng nuôi được quy hoạch thì vùng nuôi số 2 và 4 phát triển vượt quá số lượng lồng bè cho phép, các vùng còn lại vẫn bỏ trống.
Trước thực trạng tăng cục bộ mật độ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và khiến quy hoạch năm 2007 không đáp ứng được nhu cầu, Sở NN-PTNT đã đề xuất UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch thay thế quy hoạch 2007.
Đến nay, Sở NN-PTNTđãlập quy hoạch chi tiết 1/2000, UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương và kinh phí thực hiện; phêduyệt kết quả đấu thầu tư vấn. Hiện đơn vị tư vấn đã hoàn thành công tác điều tra, khảo sát quy hoạch và đang xây dựng báo cáo quy hoạch, dự kiến hoàn thành, trình dự thảo báo cáo quy hoạch vào cuối tháng 4-2014.
Băn khoăn bài toán xử lý ô nhiễm
Theo kết quả nghiên cứu, đánh giá của Viện Môi trường và Tài nguyên, các nguyên nhân chính gây ra hiện tượng cá chết rải rác và đồng loạt trên lưu vực sông Chà Và là do hoạt động hoạt động khai thác cát; xả nước thải không qua xử lý từ khu chế biến hải sản Tân Hải (huyện Tân Thành); tác động qua lại giữa các lồng bè với nhau (mật độ nuôi dày, cự ly ngắn, vệ sinh lồng bè, nguồn thức ăn không bảo đảm); thời tiết thay đổi đột ngột...
Về vấn đề khai thác cát, ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết,các dự án nạo vét luồng, khai thác mỏ tại khu vực này đã hết hiệu lực và UBND tỉnh chỉ đạo dừng khai thác, hủy quy hoạch khai thác cát. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát lậu vẫn còn.
Thời gian tới đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra hoạt động khai thác cát nhiễm mặn trái phép trên tuyến và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Được biết, thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã kiểm tra, bắt giữ, xử phạt nhiều trường hợp vi phạm với tổng số tiền 300 triệu đồng.
Về vấn đề ô nhiễm nội sinh từ người nuôi, ông Trần Văn Cườngcho biết, đã giao Chi Cục nuôi trồng hướng dẫn về kỹ thuật cho hộ nuôi; quản lý nguồn giống, quan trắc nguồn nước và đưa ra các khuyến cáo. Sở NN-PTNTcũng đã hoàn thành dự thảo quy chế quản lý nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè (trong đó bao gồm tiêu chuẩn về khoảng cách, vệ sinh, quy cách kho, máy sục khí oxy…), đang chờ ý kiến góp ý củaSở Tư pháp để trình UBND tỉnh ban hành trong thời gian tới.
Riêng vấn đề khắc phục ô nhiễm môi trường tại khu chứa nước thải cống số 6, ông Lê Văn Sâm, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, Sở đã phối hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên khảo sát thực tế, lập dự án đầu tư cải tạo, phục hồi môi trường khu chứa nước thải cống số 6 và đã hoàn chỉnh trong tháng 3-2014.
Theo đó, phương án cải tạo, khắc phục bao gồm 3 hợp phần chính, trong đó có hợp phần cải tạo, phục hồi môi trường khu chứa nước thải cống số 6 bằng việc xây dựng khu wetland nhân tạo rộng khoảng 2,2ha tại vị trí bên cạnh khu chứa nước thải để xử lý bùn đáy; thiết kế xây dựng các cụm đảo nổi thực vật nước nhân tạo, sử dụng thực vật chịu mặn có khả năng xử lý ô nhiễm cao để xử lý chất ô nhiễm.
Phương án cũng đặt ra vấn đề kiểm soát chế độ đóng, mở cống số 6, trong đó đóng chặt trong mùa khô và chỉ mở 2 lần/tháng mùa mưa. Dự kiến cuối tháng 4-2014 sẽ thông qua UBND tỉnhvề giải pháp, kinh phí thực hiện.
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng bày tỏ nhiều băn khoăn trước thực trạng trên. Ông Trần Đình Khoa, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnhbày tỏ: “Tình trạng cá chết rải rác và hàng loạt cho thấy vẫn chưa có một giải pháp căn cơ nào giải quyết. Bao giờ Sở TN-MT mới hoàn thành xong việc giải quyết ô nhiễm tại cống số 6, nếu chưa xử lý thì việc nuôi cá vẫn phải chịu rủi ro?”.
Tương tự, ông Trần Văn Tuấn, Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng thắc mắc kinh phí dự án đầu tư cải tạo, phục hồi môi trường khu chứa nước thải cống số 6 là bao nhiêu, nguồn kinh phí này lấy từ đâu vì việc hỗ trợ của DN là không nhiều.
Còn ông Nguyễn Văn Tài, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP. Vũng Tàuđề nghịcần xem xét kỹ vấn đề xây dựng khu xử lý nước thải cống số 6, vì sắp tới 22 cơ sở chế biến hải sản ở khu vực Tân Hải sẽ di chuyển đi nơi khác, nếu xây dựng khu xử lý sẽ gây lãng phí.
Ông Trần Thanh Bình, phó chủ tịch HĐND tỉnh:
Công tác quản lý, quy hoạch phải theo kịp thực tế
Việc nuôi trồng thủy sản là tiềm năng và là nhu cầu chính vì vậy công tác quản lý cần có sự đổi mới để thích nghi với thực tế, quy hoạch cần theo kịp nhu cầu. Thế nhưng, việc quy hoạch cũng tồn tại bất cập, vừa quy hoạch nuôi trồng thủy sản lại vừa quy hoạch khai thác cát và chế biến thủy sản.
Việc nuôi cá lồng bè đã thực hiện 10 năm, nhưng đến nay mới xây dựng quy chế quản lý về nuôi cá lồng bè cho thấy công tác quản lý nhà nước còn yếu kém. Công tác quản lý, quy hoạch phải theo kịp tình hình thực tế. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các ngành và địa phương vẫn chưa chặt chẽ để xảy ra nhiều sai sót như nuôi cá lồng bè trái phép, tình trạng hút cát trộm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ