Tin nông nghiệp Băn khoăn với giá dịch vụ thủy lợi: Nông dân lo thêm nặng gánh

Băn khoăn với giá dịch vụ thủy lợi: Nông dân lo thêm nặng gánh

Tác giả Trần Quang, ngày đăng 16/11/2016

Băn khoăn với giá dịch vụ thủy lợi: Nông dân lo thêm nặng gánh

Dự thảo Luật Thủy lợi vừa được Quốc hội bàn thảo. Đáng chú ý, việc dự thảo Luật Thủy lợi bỏ khái niệm “thủy lợi phí” và đưa ra nguyên tắc để xác định giá đối với dịch vụ thủy lợi nhằm thu hút nguồn lực xã hội hóa trong xây dựng, quản lý và khai thác công trình thủy lợi... đã tạo ra nhiều lo âu, băn khoăn và các ý kiến trái chiều.

Một trong những điểm mới của dự thảo là quy định về giá dịch vụ thủy lợi thay cho “thủy lợi phí”, nhằm thống nhất với pháp luật hiện hành (Luật Phí và Lệ phí không quy định “thủy lợi phí”), giúp người sử dụng dịch vụ hiểu rõ bản chất hàng hóa của nước, coi dịch vụ thủy lợi là một dịch vụ đầu vào của sản xuất, góp phần nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm. Tuy nhiên, đề xuất này đang khiến không ít nông dân (ND) lẫn các hợp tác xã (HTX), đơn vị sử dụng nước băn khoăn, lo lắng.

Tác động nhiều đến nông dân

Trong ảnh: Nông dân Đông Hưng làm đất trên cánh đồng xã Đông Hưng, huyện Văn Giang (Hưng Yên). Ảnh: Trần Quang

ND Phạm Văn Toan ở xóm 3, xã Ân Hòa, Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cho hay: “Mỗi vụ nhà tôi cấy khoảng 10 sào lúa, năm nào được mùa thì năng suất khoảng 1,5 – 1,6 tạ/sào, mất mùa thì chỉ thu được 70 – 80kg lúa, trừ các loại chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, giống và khoảng chục loại phí, thuế các loại, tôi chỉ lãi khoảng 200.000 đồng/sào. Nếu trừ cả công chăm sóc, thu hoạch suốt 3-4 tháng, thì chả được xu nào. Tuy nhiên chúng tôi vẫn cố duy trì nghề làm ruộng để có lúa ăn. Nếu Nhà nước bỏ thủy lợi phí, ND sẽ vẫn mua nước để phục vụ sản xuất, song điều chúng tôi lo ngại nhất là việc cấp nước có ổn định hay không...”.

Xã Thái Thành (Thái Thụy, Thái Bình) là xã thuần nông với hơn 1.000 mẫu ruộng cùng 1.428 hộ tham gia sản xuất lúa. Hiện việc điều hành cũng như cung cấp các dịch vụ, trong đó có dịch vụ thủy lợi của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thái Thành rất thuận lợi.

Bà con ND ở đây rất tin tưởng các dịch vụ do HTX cung cấp. Ông Phạm Hồng Khiêm – Giám đốc HTX cho biết, sau 8 năm triển khai quy định miễn thủy lợi phí đối với một số đối tượng (từ 1.1.2008), người dân địa phương sử dụng nước phục vụ sản xuất khá thuận lợi. Phần lớn người dân đều hiểu chính sách miễn giảm thủy lợi phí là bỏ thủy lợi phí, trong khi thực tế đây là phần hỗ trợ của Nhà nước nhằm giảm gánh nặng chi phí sản xuất nông nghiệp cho bà con và để địa phương có kinh phí duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi.

“Tôi được biết dự thảo Luật Thủy lợi có điểm mới về việc chuyển thủy lợi phí sang giá dịch vụ, hoạt động theo cơ chế thị trường. Tôi đã trao đổi ngay với lãnh đạo một số HTX trong huyện, hầu hết mọi người đều bày tỏ sự băn khoăn, lo ngại, không hiểu nếu Luật Thủy lợi đi vào thực tế với quy định như vậy thì sẽ bị ảnh hưởng thế nào. Đặc biệt, bà con ND đang rất lo lắng chi phí sản xuất sẽ tăng thêm” – ông Khiêm nói.

Vẫn theo ông Khiêm: “Việc sản xuất nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu phức tạp khiến lợi nhuận thu về của bà con rất thấp, nếu nhà nước lại chuyển sang “bán” nước sản xuất nông nghiệp cho ND, e rằng sẽ ngày càng có thêm nhiều người bỏ ruộng đi làm công nhân”.

Trao đổi với phóng viên, lão nông Phạm Minh ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) cho biết: “Mấy mùa vụ gần đây, thời tiết diễn biến rất thất thường khiến việc trồng cấy 3 sào lúa của gia đình tôi rất khó khăn, vất vả, tính ra cũng chả được là bao. Nhà chỉ có vài sào ruộng, trồng lúa chủ yếu để lấy thóc ăn chứ làm gì có lãi. Có năm sau khi trừ chi phí, chúng tôi còn lỗ nặng. Tới đây nếu phải mua nước để cấy lúa, tôi và bà con sợ không gánh nổi”.

Ông Khiêm cho biết thêm, bên cạnh những băn khoăn của bà con ND, các HTX cũng đang e ngại trước vấn đề xã hội hóa dịch vụ thủy lợi. Cụ thể, việc đưa các đơn vị, doanh nghiệp bên ngoài địa phương vào vận hành máy móc, hệ thống kênh mương cung cấp nước có thể sẽ gặp thách thức, bởi hiện nay HTX là đơn vị được Nhà nước phân cấp hoạt động dịch vụ, cung cấp nước cho ND nên rất tiện lợi cho việc điều hành. Đặc biệt là các cán bộ HTX có điều kiện gần gũi với ND, am hiểu mùa vụ, đặc thù đồng đất tại địa phương nên luôn có giải pháp giúp dân kịp thời, hiệu quả. Ngược lại, các đơn vị ngoài “nhảy vào” làm thay HTX e rằng khó đáp ứng được mong mỏi của bà con.

Sợ bỏ ruộng nhiều hơn

Cùng nỗi lo với ông Khiêm, ông Bùi Việt Thái – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đại Hưng, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho rằng: “Việc chuyển từ thủy lợi phí sang cơ chế giá dịch vụ thủy lợi sẽ khiến người dân thêm khó khăn hơn trong sản xuất nông nghiệp, không khéo sẽ làm bà con nản chí, bỏ ruộng nhiều hơn”.

Nhà có 4 sào ruộng cấy ở xã Đông Hưng, huyện Văn Giang (Hưng Yên), bà Phạm Thị Thảo tỏ ra lo lắng khi được phóng viên trao đổi về dự thảo Luật Thủy lợi, theo đó sẽ chuyển thủy lợi phí sang giá dịch vụ theo cơ chế thị trường. Bà Thảo cho biết: “Không chỉ tôi mà hầu hết ND ở Đông Hưng cấy lúa lấy công làm lãi là chính. Nếu tính chi li các khoản chi phí, thuế… thì 3-4 tháng cấy lúa chúng tôi còn lỗ. Nếu Nhà nước đưa các đơn vị tư nhân vào vận hành hệ thống bơm tưới tiêu rồi bán nước cho nông dân thì chúng tôi sẽ thêm gánh nặng, khó duy trì sản xuất”.

Ông Khiêm cho biết thêm, việc miễn thủy lợi phí giúp giảm đáng kể chi phí gánh nặng cho người ND. Trước khi có chính sách này, nông dân Thái Thành phải đóng khoảng 14kg thóc/sào/năm cho HTX. Sau khi thực hiện chính sách thủy lợi phí, bà con chỉ phải đóng 7kg thóc/sào/năm, tức là giảm khoảng 50%. Nếu chuyển sang cơ chế giá, ND sẽ phải mua nước để phục vụ sản xuất, khả năng chi phí sẽ tăng lên rất cao.

Tương tự, ông Phùng Quốc Lượng - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Thái, huyện Ba Vì (Hà Nội) cũng lo ngại khi có một thực tế là hiện nay, ND đang được miễn thủy lợi phí mà ở nhiều nơi còn bỏ ruộng. Nếu tính theo cơ chế giá, chi phí sản xuất tăng lên thì tâm lý bỏ ruộng sẽ nhiều hơn. Ông Lượng cũng cho biết, trước đây khi chưa miễn thủy lợi phí, việc thu tiền từ người dùng nước sản xuất đã rất khó khăn, thậm chí có nhiều hộ không trả tiền. “Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, kể cả khi lúa cho năng suất cao, hơn 2 tạ/sào thì trừ chi phí, lợi nhuận của bà con vẫn rất thấp. Do đó, tôi nghĩ phải có cơ chế hỗ trợ giảm bớt gánh nặng cho người dân” - ông   Lượng chia sẻ. 


Bí quyết không cần ngâm ủ, lúa vẫn nảy mầm như thường Bí quyết không cần ngâm ủ, lúa vẫn… Chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông Chủ động dự trữ thức ăn cho gia…