Bán quà cưới làm cây cảnh, tậu 3 xe hơi tiền tỷ
Không có tiền đầu tư mua cây cảnh, ông Nguyễn Văn Quý (62 tuổi, ở phường Hoà Cường Nam, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã bán chiếc xe máy đang đi và toàn bộ tư trang quà cưới để mua cây cảnh về trồng. Giờ đây, mỗi năm ông thu về cả tỷ đồng.
Học lỏm nghề trồng cây
Đến thăm vườn cây cảnh của ông Quý, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, bởi trong vườn có đủ các loại cây với các thế khác nhau. Ông Quý, lúc nào cũng tất tả chăm bẵm từng cây cảnh, mà nói như ông, chăm cây cảnh là niềm vui không thể bỏ.
Trong ảnh: Ông Quý chăm sóc vườn cây cảnh. Ảnh: Kim Oanh
Mô hình trồng cây cảnh của ông Quý đem lại hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận hàng năm thu về cả tỷ đồng và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ngoài ra, ông Quý còn đóng góp rất lớn vào công tác xây dựng Hội”. Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân quận Hải Châu (Đà Nẵng)
Ông Quý kể, ông đến với nghề trồng cây cảnh đã trên 20 năm. Trước đó, ông làm thợ điện cho một công ty dệt may. Lúc đó, nhà có sân vườn rộng nên ông tận dụng trồng hoa quanh nhà rồi gắn bó đến giờ. Bấy giờ, người dân Đà Nẵng còn xa lạ với nghề trồng hoa, cả thành phố chỉ có 2 -3 vườn, do các nghệ nhân từ Huế vào làm. Để có thể học hỏi cách trồng, ông thường tới các vườn hoa đó chơi rồi học lỏm.
“Khi đó, tôi chỉ học lỏm, chứ họ giấu nghề, chẳng ai dạy cho mình cả…” - ông Quý cho biết thêm. Vừa học, vừa “thực nghiệm”, ông mua các loại hoa như thược dược, cúc… về trồng, thấy hiệu quả ông nghỉ hẳn công nhân về nhà đầu tư trồng hoa. Năm 1995, ông bắt đầu chuyển qua trồng cây cảnh. “Khi đó, không có tiền đầu tư mua cây cảnh, tôi bán cả tư trang quà cưới và chiếc xe máy đang đi được 3 chỉ vàng để mua cây về trồng” - ông Quý chia sẻ.
Công trình đầu tiên của ông là tạo cảnh quan khuôn viên tại Đài tưởng niệm 2.9 thành phố Đà Nẵng. Công trình này để lại dấu ấn khiến ông quyết định theo nghề cây cảnh đến bây giờ . “Năm đó là năm 1995, thành phố giao tôi trang trí khuôn viên Đài tưởng niệm 2.9 cho kịp kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng thành phố. Đây là công trình lớn nhất đầu tiên của tôi và cũng là công trình tiêu biểu của Đà Nẵng. Lúc đó làm đúng mùa hè, Đà Nẵng chưa có công trình nào trồng cây giữa mùa hè trong một quảng trường lớn như vậy. Lần đầu tiên nhận một công trình quá lớn, tôi mất ăn mất ngủ, nhưng rồi cũng thành công. Từ công trình đó, tôi quyết định gắn bó với nghề cây cảnh đến giờ. Bây giờ thì có nhiều tài liệu, sách vở, cần gì tra cứu trên mạng là có thông tin, chứ hồi trước tự mày mò làm là chính” - ông Quý chia sẻ.
Tậu 3 xe ô tô tiền tỷ
Vườn của ông Quý có đủ loại từ bonsai đến cây trang trí trong nhà, cây công trình, cây mai. Ảnh: I.T
Sau thành công của tác phẩm đầu tay đó, tiếng tăm của ông được nhiều người biết đến. Đến bây giờ, sau 20 năm, công trình Đài Tưởng niệm 2.9 thành phố vẫn là một trong những biểu tượng văn hóa - lịch sử của Đà Nẵng.
Năm 2002, để đáp ứng công việc của mình, ông quyết định thành lập Công ty TNHH Văn Khoa chuyên nuôi trồng, mua bán, bảo dưỡng cây cảnh - bonsai các loại... Ông lặn lội khắp nơi để mua cây, vào tận miền Nam tìm tòi, học hỏi thêm cách trồng và chăm sóc các loại cây cảnh, đặc biệt là cây bonsai.
Lấy ngắn nuôi dài, tích góp dần, từ sân vườn trong nhà ông đầu tư cây dần lên. Do không có đất ông phải thuê thêm mặt bằng để trồng cây, đặt cây. Giờ đây, vườn cây cảnh của ông có đủ các loại cây, có cây vài trăm ngàn đồng, có cây tới vài chục triệu đồng. Ngoài ra, ông còn tậu thêm 2 xe ôtô tải và ôtô bán tải cả tỷ đồng để chuyên chở cây cho khách.
Vườn cây cảnh của ông Quý hiện có thể nói là lớn ở Đà Nẵng với đủ các loại cây từ bonsai, đến các cây công trình, cây trang trí… Khu vườn có diện tích 3.000m2 với hàng ngàn cây cảnh các loại với tổng giá trị hơn 6 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông còn thuê thêm một khu đất để ươm cây. Ngoài việc cung cấp các loại cây cảnh, công ty của ông còn nhận thi công sân vườn, cây cảnh, cây xanh cho nhiều công trình lớn. Ông còn mở dịch vụ cho thuê cây cảnh trang trí các nhà hàng, khách sạn, tòa nhà, hội nghị. Khách hàng của ông chủ yếu là các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam). Mỗi năm, tổng doanh thu từ nghề cây cảnh của ông đạt gần 3 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí, ông thu lãi cả tỷ đồng.
Ông cho biết, các đơn vị này không phải không có khả năng mua đứt những cây cảnh thuộc hạng “quý tộc” về trang trí quanh năm, nhưng mua thì quanh năm suốt tháng chỉ chưng có độc một cây. Thuê thì mỗi tuần hoặc mỗi tháng đã có ngay một cây mới. “Dịch vụ cho thuê cây cảnh này cũng xuất phát từ các khách hàng mua cây về đặt trong nhà nhưng không biết cách chăm sóc rồi cây chết, họ nhờ tôi chăm sóc, từ đó tôi nghĩ ra dịch vụ này” - ông kể lại.
Ông Quý cho biết thêm, mặc dù hiện nay có rất nhiều người làm nghề trang trí sân vườn, đường phố này, nhưng nhu cầu cũng nhiều lên do đất ở thành phố ngày càng hẹp lại, nhà nhà không có khuôn viên để trồng cây nên hầu như ai cũng thích đặt một chậu cây cảnh trong nhà để tạo không gian xanh. Do vậy các loại như bonsai hay các loại cây trồng trong chậu luôn được ưa chuộng.
“Nghề trồng, chăm cây cảnh cần đòi hỏi phải tỉ mỉ, chăm sóc kỹ càng và chu đáo. Trồng cây cũng là một cái thú để thư dãn, làm cho tính cách của mình đằm xuống. Dẫu ai có nóng tính mấy rồi cũng sẽ dịu lại” - ông Quý chia sẻ.
Hiện nghề cây cảnh của ông Quý đã tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên với mức thu nhập 6 triệu đồng/ người/tháng. Không chỉ vậy, ông còn đào tạo nghề và hỗ trợ nhiều lao động học nghề cây cảnh, có việc làm. Những lúc công việc nhiều, vườn cây của ông cần thêm cả 10 lao động thời vụ.
Thành công nhờ học lỏm, nhưng ông Quý không giấu nghề, ai có nhu cầu học đều được ông chỉ dạy tận tình.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ