Mô hình kinh tế Bản Vẽ thoát nghèo nhờ làng nghề chế biến chè đặc sản

Bản Vẽ thoát nghèo nhờ làng nghề chế biến chè đặc sản

Ngày đăng 20/08/2015

Bản Vẽ thoát nghèo nhờ làng nghề chế biến chè đặc sản

Lần theo con đường đất dọc suối Nậm Luông chừng 6km, chúng tôi đến thôn Bản Vẽ, xã Nà Chì. Nằm kề bên suối là cơ sở thu mua, chế biến chè xanh của anh Hoàng Xuân Cầu. Lấy vạt áo quyệt ngang mồ hôi trên mặt, đón tôi bằng nụ cười rạng rỡ, anh Cầu cho biết: Vào mùa thu hái chè, cơ sở của anh mỗi ngày thu mua, chế biến khoảng 1 tấn chè búp tươi, tương đương 200kg chè thành phẩm. Theo giá bán bình quân 150.000đ/kg, có tổng thu 30 triệu đồng/ngày.

Thôn Bản Vẽ có 64 hộ, trên 300  khẩu. Bình quân mỗi hộ sở hữu trên 1,5ha chè. Nằm cận kề Bản Vẽ là thôn Bản Pó, Nậm Khương, Nguyên Thành, Nậm Sái... Các thôn này có diện tích chè cho thu hoạch trên 300ha, chiếm trên 1/2 tổng diện tích chè toàn xã Nà Chì (569 ha). Năm 2014, được sự ủng hộ của chính quyền các cấp và sự giúp đỡ của Phòng NN & PTNT huyện Xín Mần, Bản Vẽ đã ra mắt Làng nghề chế biến chè đặc sản. Làng nghề có 11 cơ sở chuyên thu mua, chế biến.

Tham gia làng nghề có 21 hộ chung tay góp vốn và đầu tư máy móc làm chè. Có 3 loại sản phẩm chè được chế biến tại Làng nghề là: Chè Đinh (chè 100% là búp, không có lá), chè xanh, chè vàng. Ngoài ra, tùy vào thị trường tiêu thụ mà Làng nghề chế biến thêm nhiều loại chè khác nữa cung cấp cho tiểu thương các nơi về thu mua. Để làm ra 1kg chè Đinh, người dân đã phải bỏ ra ít nhất 15 công lao động hái búp chè tươi và ít nhất 2 giờ đồng hồ để sao sấy, lấy hương cho sản phẩm.

Để có Làng nghề làm chè đặc sản Bản Vẽ, huyện Xín Mần đã hỗ trợ kinh phí cho các hộ trong thôn đi học nghề. Bà con trong thôn đã lặn lội về các làng làm chè nổi tiếng ở tỉnh Thái Nguyên để học cách thu hái, sao sấy chè đặc sản. Đi qua nhiều làng nghề, học cách làm chè của nhiều làng chè mới đúc rút kinh nghiệm mang về bản. Và đó là cách mà chính quyền xã Nà Chì, bà con thôn Bản Vẽ đã bỏ công kiếm tìm, học làm trước khi làng nghề chính thức ở Bản Vẽ được thành lập.

Bây giờ, Bản Vẽ là một Làng nghề làm chè Đinh. Đến Hà Giang, muốn mua 1 cân chè Đinh làm quà cho người thân phải vào Xín Mần, đến Bản Vẽ mới có. Sản phẩm chè Đinh của bản đã được người tiêu dùng đánh giá là loại chè “kén khách” và đó là sự khác biệt của làng nghề làm chè lần đầu xuất hiện tại huyện Xín Mần và tại Hà Giang. Người ta nhận xét: Thành công của bạn, chính là sự “khác biệt”!? Điều đó, tôi đã thấy ở làng nghề làm chè đặc sản Bản Vẽ.

Làng chè Bản Vẽ có gì khác biệt với các làng cũng làm chè khác? Các bô lão trong làng cho rằng, Bản Vẽ nằm ở phần “đuôi” phía Tây dải Tây Côn Lĩnh và phần “hông” hướng Tây Nam dải rừng Đèo Gió. Phía dưới bản là dòng Nậm Luông bắt nguồn từ phần đầu dãy núi Hoàng Liên Sơn đổ về và chạy dọc theo thôn: Bản Liền, Tả Cù Tỉ (Lào Cai) rồi đổ vào thôn Bản Vẽ. Phía Tây Bắc nhìn trên bản đồ là nơi cây chè bám đất, hứng gió Nam hút dưỡng khí mà lớn lên. Sự hội tụ âm dương ấy đã tạo cho cây chè nơi đây có hương vị khác biệt so với chè nhiều nơi khác. Vị ngọt, mà ngọt không quá, hơi chát, nhưng chát không đậm, cộng mùi hương cốm mát lành thoang thoảng như mùi sâm và màu nước xanh, hơi mang màu cánh dán là sự khác biệt của chè Bản Vẽ. Người dân Bản vẽ cần cù, mến khách, cảnh quan rừng núi xanh trong mát lành...

Từ khi Làng chè được thành lập, cách thu hái, chế biến chè được nâng cao đã tạo cho Bản Vẽ phát triển vượt bậc. Cả thôn có 11 cơ sở làm chè đặc sản đã thu hút toàn bộ vùng nguyên liệu chè búp của 6 thôn cận kề trên 300ha. Mùa làm chè, cả 11 cơ sở đều tấp nập thu mua, sao sấy. Toàn bộ chè búp của bà con các thôn đều được các xưởng chế biến thu mua công khai giá cả như nhau. Không còn chuyện chè ế, chè ôi và không có chuyện ép giá thu mua làm khó cho dân. Lượng chè làm ra đến đâu, bán đến đó.

Cả làng trên, bản dưới đều chăm cho cây chè phát triển để xóa đi cái nghèo. Ông Hoàng Xuân Thương, người thôn Nguyên Thành là thành viên của làng nghề cho biết, cứ mỗi tháng, vào mùa chè cho thu hoạch, đồng bào thu hái 2 lứa. Bình quân, một năm thu hái 10 tháng chè búp với 20 lứa/ha. Với 3ha chè đang thu hoạch, mỗi năm gia đình ông Thương thu về trên 100 triệu đồng. Ông Hoàng Xuân Cầu, Bí thư Chi bộ thôn Bản Vẽ cho biết, cả thôn có 64 hộ thì có 52 hộ khá giả, còn lại 12 hộ vẫn xếp vào loại hộ nghèo, vì quá lười biếng mà thôi? Nghèo do lười lao động thì cả làng đành chịu thua họ mà thôi. Anh Cầu thở dài?

Có thể nói, Bản Vẽ đã biết tận dụng nguồn tài nguyên cây chè có sẵn trên quê hương để xóa đi nghèo nàn, lạc hậu. Tin rằng, một ngày gần nhất, Bản Vẽ sẽ nổi tiếng trong cả nước nhờ nghề làm chè đặc sản để mời gọi du khách khắp muôn phương.


Khi dân quyết tâm thoát nghèo Khi dân quyết tâm thoát nghèo Vườn ươm sa mộc thôn Vai Lũng ươm những ước mơ thoát nghèo Vườn ươm sa mộc thôn Vai Lũng ươm…