Mô hình kinh tế Báo Động Tình Trạng Nông Dân Phá Bỏ Cây Cà Phê

Báo Động Tình Trạng Nông Dân Phá Bỏ Cây Cà Phê

Ngày đăng 21/02/2014

Báo Động Tình Trạng Nông Dân Phá Bỏ Cây Cà Phê

Thời gian gần đây, nông dân ở huyện Sông Hinh (Phú Yên) phá bỏ cây cà phê, chuyển sang trồng sắn, tiêu, cao su. Điều đáng nói là khi giá nông sản xuống thấp, nông dân đã vội bỏ cây trồng này để chạy theo cây trồng khác chỉ vì lợi nhuận trước mắt chứ không quan tâm đến định hướng quy hoạch lâu dài của địa phương.

Mấy ngày nay, Ma Nghĩa ở xã Ea Bar (Sông Hinh) huy động tất cả mọi người trong gia đình lên rẫy chặt bỏ cây cà phê. Ma Nghĩa cho biết: “Nhà tôi trồng 3ha cà phê. Mỗi năm, tiền đầu tư phân, thuốc, nước tưới, nhân công chăm sóc… tốn sơ sơ khoảng 25 triệu đồng/ha.

Chưa kể, đến kỳ thu hoạch, tôi còn phải thuê người hái và trả tiền theo tổng sản phẩm họ hái được là 2.500 đồng/kg. Ấy vậy mà giá cà phê tươi, thương lái mua tại vườn hiện nay chỉ có 4.000 đồng/kg. Thiết nghĩ, với giá ấy, chúng tôi bỏ công bỏ sức làm cho người khác hưởng rồi phải bù lỗ nữa chứ chẳng chơi”.

Hàng xóm của Ma Nghĩa là hộ Y Tý cũng đã đang thuê người dọn sạch cây cà phê trên rẫy nhà để chuẩn bị cải tạo đất trồng sắn. Theo Y Tý, hiện nay, thương lái mua sắn củ với giá rất cao. Nhiều người trồng sắn thu lãi từ 12 đến 15 triệu đồng/ha. Trong khi đó, tiền đầu tư ban đầu cho sắn không lớn, công chăm sóc đơn giản, sau 10 tháng là có thể thu hoạch được. “Trồng sắn thấy tiền ăn liền còn cà phê phải đợi đến mấy năm.

Chưa kể, quá trình chăm sóc cực nhọc, tốn nhiều công sức và phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Đến khi thu hoạch, giá cả lại bấp bênh khiến người trồng bị thiệt hại. Đợt này, tôi quyết phá hết cà phê, chuyển sang trồng sắn kiếm tiền”, Y Tý nói.

Mí Hoàng ở xã Ea Bar cũng mệt mỏi cho hay: Để đầu tư trồng cà phê, tôi đã vay không ít tiền từ họ hàng và cả ngân hàng. Nay, giá cà phê xuống thấp, càng thu hoạch càng thêm lỗ công nên tôi phá bỏ luôn, trồng cây khác có lợi hơn. Ngặt nỗi, tiền vay ngân hàng đã đến hạn trả, tôi không biết làm cách nào để xoay xở nữa.

Hiện, làn sóng phá bỏ cây cà phê không những lan rộng trên toàn xã Ea Bar mà còn lan sang các xã khác trên toàn huyện Sông Hinh. Đi dọc quốc lộ 29 và các tỉnh lộ trong huyện, đâu đâu cũng nghe thấy tiếng cưa máy, tiếng chặt cây ào ạt.

Thế nhưng, trong khi người dân địa phương than phiền vì hiệu quả kinh tế của cây cà phê không cao, tốn công sức đầu tư nhưng đến khi thu hoạch giá cả lại rớt thê thảm, ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình thì ngành chức năng của huyện lại có cách lý giải khác.

Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sông Hinh, đa số những diện tích cà phê mà người dân đang phá bỏ thuộc phần trồng xen với cao su, vì nay cao su đã lớn nên phải loại bỏ cây cà phê để cây cao su phát triển. Thêm vào đó, sau một vài năm thu hoạch, cây cà phê đã già, cho năng suất, sản lượng thấp, gặp lúc rớt giá nên càng không đáp ứng được mong muốn của bà con nên càng tạo động lực để người dân chặt bỏ.

Hiện, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sông Hinh đang nắm lại số diện tích cà phê đã phá bỏ để tham mưu cho UBND huyện có hướng chỉ đạo. “Bà con nên chăm sóc tốt vườn cà phê, nếu năng suất cao thì thu nhập cũng không đến nỗi nào.

Vì đã tốn rất nhiều công sức để đầu tư vào cây cà phê nên đừng vì giá thấp trong một vài thời điểm mà bà con vội vàng chặt bỏ cây cà phê để chuyển sang cây trồng khác, phá vỡ quy hoạch của huyện. Nếu đến mùa mà giá sắn, tiêu, cao su… xuống thấp thì người dân cũng bị thiệt hại không kém”, ông Sự nói.


Nhổ Rau Cho Bò Ăn Ở Quảng Ngãi Nhổ Rau Cho Bò Ăn Ở Quảng Ngãi Cánh Đồng Liên Kết Ở Đồng Tháp Phát Huy Hiệu Quả Cánh Đồng Liên Kết Ở Đồng Tháp Phát…