Bảo hiểm nông nghiệp, bà đỡ cho nhà nông
Còn nhiều bất cập
Theo ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, việc triển khai BHNN trong thời gian tới là yêu cầu rất cần thiết. Qua đó, nhằm đảm bảo quá trình phát triển nông nghiệp bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay.
“Nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng là ngành gặp nhiều rủi ro, đặc biệt là ảnh hưởng của hạn, mặn. Thực tế, vốn liếng của bà con rất ít nên rất cần bảo hiểm để được yên tâm. Việc triển khai chương trình này đã góp phần to lớn vào việc ổn định sản xuất các sản phẩm có ưu thế của các địa phương” - ông Nguyễn Trung Hiếu – Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hiếu, thời gian qua, khi BHNN được triển khai thí điểm, các ngành liên quan đã phối hợp tốt với các địa phương ở ĐBSCL trong vùng hình thành được 2 sản phẩm bảo hiểm chính là cây lúa và thủy sản. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai trên đã phát sinh nhiều bất cập như: Quy trình kỹ thuật nuôi trồng thủy sản chưa phù hợp với thực tế; tập quán canh tác của người dân, công tác kiểm tra, giám sát cũng như sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan còn nhiều hạn chế...
Liên quan đến việc triển khai thí điểm trên địa bàn tỉnh, ngoài những khó khăn, bất cập trên, theo ông Nguyễn Hữu Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, thời gian qua, đã xuất hiện tình trạng trục lợi bảo hiểm bằng cách bỏ mặc (cây, con) không chăm sóc, chờ khi có thiệt hại để hưởng đền bù từ công ty bảo hiểm. Ông Lập cũng thừa nhận thời gian qua, quy trình thẩm định, công bố dịch bệnh, cũng còn nhiều bất cập, chưa chính xác.
Siết chặt quản lý
Ông Trần Đình Luân – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng cho rằng: “Người dân đã rất khó khăn rồi nên phía ngân hàng cần mạnh dạn hỗ trợ. Tuy nhiên, để khắc phục những hạn chế đã gặp phải trong thời gian triển khai thí điểm, quy chế phối hợp giữa các ngành chức năng cần phân trách nhiệm rõ ràng, đơn vị nào, cấp xã hay công ty bảo hiểm giám sát, ai hỗ trợ kỹ thuật và thông tin tuyên truyền…”.
Sau 3 năm triển khai thí điểm, BHNN đã thu hút được hàng trăm ngàn hộ nông dân tham gia, cụ thể: Đối với bảo hiểm cây lúa có 236.396 hộ tham gia; bảo hiểm vật nuôi có 60.133 hộ tham gia và bảo hiểm thủy sản có 7.487 hộ tham gia. Về chi trả bồi thường, thiệt hại đối với cây lúa là 17,4 tỷ đồng; bảo hiểm vật nuôi là 19,5 tỷ đồng và bảo hiểm thủy sản là 675,9 tỷ đồng.
Còn theo ông Hiếu, trong triển khai BHNN thời gian tới, các cơ quan chức năng không chỉ phối hợp trong kiểm tra quy trình nuôi của hộ dân mà còn phải phối hợp trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với địa lý, tập quán canh tác của từng vùng. Nếu quy trình không chặt chẽ sẽ bất lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm hoặc quá khó khăn sẽ làm người dân bất mãn, không tham gia.
Riêng việc hỗ trợ cho hộ nghèo như trước đây (theo Quyết định số 315/QĐ-TTg của Chính phủ, giai đoạn 2011-2013, hộ nghèo sẽ được miễn 100% phí đóng BHNN) sẽ không còn nữa. Những đối tượng tham gia này sẽ đóng một khoản tiền nhất định để có trách nhiệm hơn và dễ quản lý rủi ro cho ngành bảo hiểm hơn.
“Vướng chỗ nào thì bàn để gỡ chỗ đó, xây dựng quy chế phối hợp rõ ràng; bộ chịu trách nhiệm ở đâu, địa phương ở đâu, để từ đó hạn chế hiện tượng trục lợi từ chế độ chính sách BHNN, tạo sự công bằng cho các đối tượng tham gia và đúng mục tiêu đề ra” – ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ