Bảo Hiểm Nuôi Tôm Vẫn Còn Nan Giải!
Sau hơn ba năm triển khai thí điểm, đến nay, mô hình bảo hiểm nông nghiệp, trong đó có nghề nuôi tôm, đang từng bước đi vào đời sống, trở thành tấm lá chắn cho người nông dân trước những rủi ro, biến động trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện lại gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải được tháo gỡ.
Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) là một trong những chính sách ưu tiên, nhằm tạo ra một công cụ dự phòng rủi ro ưu việt trong điều kiện ngành nông nghiệp nước ta ngày càng gặp nhiều thiên tai, dịch bệnh. Theo Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong hơn 3 năm tiến hành triển khai Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm mô hình BHNN giai đoạn 2011 – 2013, đã có hơn 300.000 hộ nông dân, tổ chức tham gia BHNN, trong đó có hơn 200.000 hộ nghèo, tổng diện tích lúa tham gia bảo hiểm là 65.300 ha, trên 1,2 triệu con vật nuôi và thủy sản 5.800 ha, với tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,9 tỷ đồng. Tổng doanh thu phí BHNN là 394 tỷ đồng, trong đó thủy sản 218,175 tỷ đồng (chiếm 55,4%).
Tổng số tiền đã giải quyết bồi thường bảo hiểm (BH) đến thời điểm 20/6/2014 là 701,8 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường BH 178%. Đặc biệt, trong đó chủ yếu bồi thường BH thủy sản với tổng số tiền đã bồi thường 669,5 tỷ đồng (chiếm 95%), tỷ lệ bồi thường 306%, cao nhất trong số các đối tượng tham gia BH.
Thủy sản là lĩnh vực sản xuất tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, khi nguy cơ dịch bệnh bùng phát và kéo dài, người nuôi tôm bị cạn vốn. Lúc này, BHNN là cứu cánh giúp nông dân có khoản đầu tư tái sản xuất. Đồng thời, những qui định về qui trình kỹ thuật nuôi đặt ra trong hợp đồng tham gia BHNN đã phần nào giúp nông dân cải tiến qui trình kỹ thuật, hạn chế dịch bệnh và tiến tới mô hình nuôi bền vững.
Ông Phùng Ngọc Khánh – Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm - nhận định: “Đây là một chính sách đúng đắn và hợp lòng dân nhằm ổn định sản xuất và đời sống của người dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội tại nhiều địa phương và cả nước”.
Mặc dù mang nhiều ý nghĩa thiết thực, nhưng mô hình BHNN đối với con tôm nuôi vẫn tồn tại nhiều yếu tố kém bền vững và rất khó triển khai, nhân rộng với qui mô lớn hơn.
Tỷ lệ bồi thường BH bằng 300% doanh thu
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của thời tiết và môi trường, dịch bệnh trên tôm xảy ra thường xuyên… Bên cạnh đó, tập quán sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, qui trình kỹ thuật nuôi còn nhiều hạn chế, đã khiến việc nuôi tôm của nông dân gặp nhiều rủi ro.
Chính vì thế tỷ lệ bồi thường BH đối với con tôm thường cao hơn rất nhiều lần so với doanh thu phí BH thu được. Tổng doanh thu phí BH thủy sản chỉ đạt trên 200 tỷ đồng, nhưng số tiền thực bồi thường BH lên đến 669,5 tỷ đồng. Tại các tỉnh tham gia thí điểm BH thủy sản như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, tỷ lệ bồi thường BH so với doanh thu phí BH đều xấp xỉ 300%.
Chính vì thế, trong những năm vừa qua, không ít DN BH đã phải đau đầu huy động tiền để bồi thường cho diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại.
Điển hình, tại Sóc Trăng, sau 3 năm triển khai thí điểm BHNN, tỉnh đã thu hút được 3.389 hộ tham gia với diện tích tham gia BH là 3.203 ha, doanh thu từ phí tham gia BH chỉ hơn 85 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại lên đến 2.686,91 ha, chiếm 83,8% số diện tích tham gia BH. Vì thế, tổng số tiền phải bồi thường lên đến 252,2 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ bồi thường 293%. Thực tế này đã gây ra rất nhiều khó khăn về tài chính cho DN BH tại địa phương. Hiện tại, DN BH đã bồi thường 250 tỷ đồng, số còn lại đang tiếp tục xem xét.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Bạc Liêu. Hiện số lượng hồ sơ yêu cầu bồi thường quá lớn, diện tích dàn trải. Người dân thì treo ao vì sợ thua lỗ. Thực tế trên đã khiến DN BH e dè, không dám tiếp tục ký hợp đồng BHNN với nông dân.
Mặt khác, với những qui định còn lỏng lẻo và sự hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ BH, tình trạng nông dân trục lợi từ BHNN cũng trở thành những vấn đề khó khăn cho DN BH và ngân sách nhà nước.
Cụ thể, việc nuôi tôm chân trắng tăng mạnh trong những năm qua không đơn thuần vì hiệu quả kinh tế , mà còn là vì người dân nhận thấy, với cách thức tính tỷ lệ bồi thường BHNN hiện nay, cùng với những khả năng rủi ro cao khác, thì ngay cả khi tôm thất thu, người mua BHNN vẫn có lợi. Vì theo quy định BHNN, tôm chân trắng nuôi từ 55 đến 60 ngày bị thiệt hại đều được BH bồi thường, trong khi người nuôi lại được tận thu số tôm còn trong ao để bán.
Để hạn chế, tiến tới xóa bỏ những tiêu cực trên, bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn, bổ sung thêm nguồn nhân lực cho lực lượng cán bộ làm công tác BH, cần phải tuyên truyền nâng cao ý thức của người nuôi tôm, loại bỏ trường hợp nông dân cấu kết với các đại lý cung cấp thức ăn, con giống, kê khai khống nhằm trục lợi trong BHNN đối với con tôm. Quan trọng hơn hết là xây dựng lòng tin giữa nông dân và DN BH cùng nhau hợp tác và chia sẻ rủi ro.
Ngoài ra, mức phí bảo hiểm 13,73% như hiện nay là khá cao, chưa thật sự thu hút được người dân và các tổ chức tham gia. Do đó, tạo thói quen sản xuất có BH trong nông ngư dân, đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh tỷ lệ phí BH tôm là 9,72% theo Quyết định số 1042 ngày 8/5/2013 của Bộ Tài chính.
Đồng thời Bộ NN&PTNT cũng cần sớm ban hành quy trình xét nghiệm hội chứng hoại tử gan tuỵ cấp trên tôm và Chính phủ tiếp tục hỗ trợ phí BH cho các đối tượng tham gia BH để khuyến khích người dân tham gia.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ