Trồng lúa Bảo vệ mạ, lúa mới gieo cấy

Bảo vệ mạ, lúa mới gieo cấy

Tác giả Bảo Thắng, ngày đăng 18/02/2022

Bảo vệ mạ, lúa mới gieo cấy

Trước diễn biến rét đậm, rét hại kéo dài, ngành chức năng khuyến cáo nông dân cần tuân thủ chặt chẽ các biện pháp nhằm bảo vệ mạ, lúa mới gieo cấy vụ đông xuân.

Nông dân cấy lúa vụ đông xuân tại khu vực ĐBSH. Ảnh: Bảo Thắng.

Theo Sở NN-PTNT Nam Định, tính đến ngày 16/2/2022, toàn tỉnh đã cấy và sạ được 65.000 ha lúa đông xuân, đạt 90% diện tích và trồng được 7.740 ha cây rau màu vụ xuân, đạt 66% diện tích.

Trong thời gian từ sát Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, thời tiết rét đậm kéo dài gây bất thuận cho quá trình sinh trưởng và phát triển của mạ và lúa mới cấy, sạ. Nhiều diện tích mạ nền, nhất là những diện tích gieo mỏng bùn, không che hoặc che không đúng kỹ thuật tuổi mạ bị kéo dài, sinh trưởng kém, đang có hiện tượng chết chòm rải rác.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, từ nay đến hết tháng 2/2022 sẽ tiếp tục xuất hiện không khí lạnh gây rét đậm, rét hại và kèm theo mưa ẩm. Nhiệt độ dao động từ 13 - 18 độ C. Kèm theo đó, một số ngày có nhiệt độ trung bình xuống dưới 11 độ C, không thuận lợi cho sinh trưởng, phát triển của mạ và lúa mới cấy, sạ.

Nhằm đảm bảo tiến độ, năng suất gieo trồng vụ đông xuân trong điều kiện rét đậm, rét hại kéo dài, Sở NN-PTNT Nam Định đã đề nghị UBND, phòng NN-PTNT các huyện, thành phố thực hiện một số nội dung:

- Dừng gieo, cấy, dặm tỉa, bón phân đạm khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C.

- Thực hiện ngay những biện pháp kỹ thuật như: Che phủ nilon đúng kỹ thuật để chống rét, bảo vệ mạ khi trời còn rét đậm, rét hại; tiếp tục duy trì độ ẩm trên mặt luống, tốt nhất là để rãnh có nước và cần kiểm tra độ kín của nilon.

Đối với những diện tích mạ nền gieo mỏng bùn, sinh trưởng kém, phải tưới nước bùn loãng và dùng các chế phẩm dinh dưỡng qua lá như ET, KH để phun hoặc có thể dụng 50 - 100g Super lân pha loãng với nước phân chuồng hoai mục để tưới cho 1m2 mạ. Những diện tích mạ có hiện tượng chết chòm phải khẩn trương cấy nhanh khi trời ấm. 

- Chăm sóc, bảo vệ tốt lượng mạ dư thừa đối với những hộ đã cấy xong để dự phòng và cấy dặm tỉa sau rét; chủ động gieo mạ dự phòng bằng các giống lúa ngắn ngày để bổ sung cho những diện tích mạ, lúa mới cấy, sạ bị chết rét.

- Duy trì mực nước mặt từ 3 - 5cm với diện tích lúa mới cấy. Phương châm lấy nước đảm bảo tăng cường khả năng chống chịu rét, không để ruộng khô hạn, đợi khi thời tiết nắng ấm trở lại thì chăm sóc bình thường.

Duy trì nước ở rãnh với diện tích lúa mới sạ, đảm bảo mặt luống luôn đủ ẩm, tránh đọng nước trên bề mặt luống khiến mầm bị chết.

- Tăng cường kiểm tra, đánh giá sinh trưởng, phát triển của lúa để chủ động phương án cấy, dặm hoặc gieo cấy lại với những diện tích có nguy cơ bị chết, đảm bảo thời vụ và mật độ.

- Chủ động phòng trừ bệnh lùn sọc đen trên lúa, trước mắt là giám sát mật độ rầy, thu thập, lấy mẫu giám định virus lùn sọc đen, tập trung diệt chuột, cỏ dại và ốc bươu vàng. Đối với rau màu, cần xới nhẹ, phá váng, làm cỏ, chú ý phun phòng bệnh lở cổ rễ trên cây lạc bằng thuốc có hoạt chất Hexaconazole (Anvil 5SC, Shut 677WP, Chevin 5SC, Lervil 50SC….), hoặc hoạt chất khác (Moren 25WP, Kasumin 2L, Amista top 325 SC...).

- Tổ chức tốt công tác tạo nguồn và điều tiết nước phục vụ chăm sóc lúa, màu vụ xuân, nhất là ở những chân ruộng cao.

- Tiếp tục rà soát, thống kê diện tích bỏ ruộng hoang, mô hình cánh đồng lớn, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, cơ cấu giống lúa vụ xuân 2022, diện tích áp dụng mạ khay - máy cấy và gửi kết quả thống kê về Sở NN-PTNT trước ngày 20/3/2022.


Thuốc trừ bệnh khô vằn hại lúa - Saipora Super 350SC Thuốc trừ bệnh khô vằn hại lúa -… Chăm bón lúa xuân trong điều kiện ít rét, ít nắng Chăm bón lúa xuân trong điều kiện ít…