Bảo Vệ Nguồn Lợi Hải Sản Ven Bờ: Khi Cộng Đồng Vào Cuộc
Bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ là một trong những hoạt động thiết thực thể hiện tình yêu biển đảo của ngư dân Quảng Nam. Mô hình “đồng quản lý vùng biển” là ví dụ sinh động.
Nhật ký biển
Những ngày này, các phương tiện khai thác hải sản của ngư dân xã Tam Tiến hối hả cập bờ. Các nghề lưới vây, trũ, mành mùng, giã cào… đều ăn nên làm ra khi sản lượng khai thác vượt trội so với các chuyến biển trước đây. Ông Trần Việt Linh - Trưởng thôn Phước Lộc (xã Tam Tiến) cho biết, mọi năm vào tháng giêng, không khí ra khơi của ngư dân địa phương rất trễ nải nhưng năm nay thì khác. “Chúng tôi rất phấn khởi vì gần đây nhiều phương tiện có những chuyến biển bội thu và càng vui hơn khi được gắn bó mật thiết với vùng biển quê hương bằng cách khai thác bền vững và ngăn chặn các hành vi xâm hại nguồn lợi hải sản gần bờ” - ông Linh nói. Hơn nửa năm qua, nhờ sự hỗ trợ của Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, ngư dân xã Tam Tiến đã thành lập Ban Đồng quản lý khai thác hải sản xã Tam Tiến. Bằng các quy chế, thể lệ hoạt động cụ thể, việc khai thác hải sản gần bờ ở địa phương đã đi vào nền nếp.
Các thành viên trong Ban Đồng quản lý khai thác hải sản xã Tam Tiến ý thức rất rõ việc ghi chép nhật ký chuyến biển trong mỗi lần ra khơi. Thông qua việc ghi chép đó, sản lượng khai thác hải sản, các loài cá, mực đánh bắt được tại các tọa độ khác nhau trong vùng khai thác cách bờ 6 hải lý đều được phản ánh chi tiết. Điều này rất thuận tiện cho việc đánh giá nguồn lợi hải sản gần bờ của địa phương vào mỗi tháng tổng kết để có cách thức bảo vệ nguồn lợi thích hợp.
Không chỉ vậy, ngoài việc cụ thể hóa hoạt động đánh bắt trên biển bằng nhật ký chuyến biển, ngư dân địa phương cũng tham gia phát hiện và ngăn chặn các trường hợp khai thác hải sản gần bờ không đúng quy định như dùng mắt lưới quá nhỏ, dùng xung điện hoặc khai thác bằng phương tiện có công suất lớn hơn 20CV. “Không chỉ khai thác hợp lý nguồn lợi, ngư dân địa phương còn biết cách để thành một quan sát viên trên biển nhằm ngăn chặn các trường hợp phá hoại nguồn lợi hải sản, đây là điều rất đáng mừng. Trước kia nhiều tàu cá có công suất lớn từ các nơi đã đến khai thác tại vùng biển ven bờ nằm trong địa phận của địa phương và có những tác động xấu đến các loài hải sản, đặc biệt là rạn san hô Bãi Rạn. Trong thời gian đến, việc này sẽ được chúng tôi siết chặt hơn” - ông Nguyễn Xuân Luận, Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban Đồng quản lý khai thác hải sản xã Tam Tiến cho biết.
Hiện tại, Ban Đồng quản lý khai thác hải sản đã được thành lập tại các xã Bình Hải (Thăng Bình) và Duy Hải (Duy Xuyên). Tại các địa phương này, thông qua việc giới thiệu, thảo luận, ngư dân và chính quyền địa phương đã thống nhất về các phương thức quản lý hải sản bền vững trong các vùng biển đồng quản lý. Không chỉ phương tiện, mã lực, vùng, thời gian khai thác… mà quy chế vùng biển đồng quản lý còn được cộng đồng đề cập trên các phương diện là loài, kích thước, trọng lượng cá thể khai thác. Các thông số và chỉ số được đề cập này góp phần nâng cao nhận thức và năng lực của ngư dân khi tham gia quản lý tài nguyên và môi trường tại địa phương.
Cộng đồng trách nhiệm
Sự ra đời và hoạt động quy củ của Ban Đồng quản lý khai thác hải sản tại các xã bãi ngang ven biển trên địa bàn tỉnh là một tín hiệu rất đáng mừng. Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa thiết thực của Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm trong việc đề phòng những tác động xấu đến Khu dự trữ sinh quyển thế giới - Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Ông Lê Văn Thảo, cán bộ phụ trách Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, sự ra đời của các mô hình đồng quản lý khai thác hải sản tại 3 xã Tam Tiến, Bình Hải, Duy Hải đã gia tăng được diện tích bảo tồn biển, nhất là bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ của Quảng Nam. Theo ông Thảo, trong tương lai, tính khả thi của mô hình đồng quản lý khai thác hải sản được nhân rộng cho 6 huyện/thành phố ven biển của Quảng Nam là rất cao. Đây là cơ sở cần thiết cho nguồn lợi được phát triển, đảm bảo khai thác bền vững của ngư dân.
Theo Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, qua hơn 6 tháng xây dựng và triển khai, mô hình đồng quản lý khai thác hải sản tại 3 xã Tam Tiến, Bình Hải, Duy Hải đã xây dựng được nền móng vững chắc ban đầu. Tuy nhiên, để phát triển tốt mô hình, tạo đà nhân rộng tại các địa phương khác, cần sự đầu tư rất nhiều từ nỗ lực của ngư dân, chính quyền địa phương, các bên liên quan như Bộ đội Biên phòng, Công an xã. “Trong thời gian đến, Ban Đồng quản lý khai thác hải sản tại 3 xã Tam Tiến, Bình Hải và Duy Hải cần được triển khai thực hiện theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đây là cách tốt nhất để kêu gọi vận động cộng đồng cùng tham gia, chia sẻ trách nhiệm và lợi ích theo nguyên tắc Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng hưởng lợi” - ông Thảo cho biết.
Hiện nay, tổng diện tích bảo tồn biển của Quảng Nam đạt khoảng 552km2, trong đó diện tích Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm 235km2, Khu Bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô Tam Hải (Núi Thành) là 5km2, Khu Bảo vệ rừng dừa nước Cẩm Thanh (TP.Hội An) 10km2, Khu Bảo vệ rừng dừa nước Bến Đình (Tam Nghĩa, Núi Thành) 2km2. Ở các vùng biển đồng quản lý, xã Tam Tiến có 100km2 được bảo vệ, xã Bình Hải có 100km2, xã Duy Hải 100km2. Các diện tích được bảo vệ này đã chiếm 17% diện tích biển ven bờ của Quảng Nam (khoảng 3.000km2). Tỷ lệ này đạt loại khá so với tỷ lệ lý tưởng cần phải phấn đấu bảo vệ là 30%
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ