Bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ
Ngư dân vào cuộc
Ông Đặng Duy Hải, Chi cục phó Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng) cho biết, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS) ven bờ, thời gian qua, ngành thủy sản thành phố đã tuyên truyền cho ngư dân, đồng thời thành lập 2 Tổ cộng đồng bảo vệ NLTS tại phường Thọ Quang và Mân Thái (quận Sơn Trà).
Nhiệm vụ của các tổ này là trong quá trình khai thác, quan sát những tàu có biểu hiện khai thác vi phạm sẽ nhắc nhở hoặc báo cho cơ quan chức năng để xử lý. Bên cạnh đó, trực tiếp tuyên truyền cho ngư dân không khai thác theo cách tận diệt, tránh khai thác những vùng có rạn san hô…
Ông Nguyễn Dinh, Tổ trưởng Tổ cộng đồng bảo vệ NLTS phường Thọ Quang cho biết, tổ thành lập từ năm 2008, với 15 hội viên, nay tăng lên 21 hội viên. Nhiều năm qua, tổ đã tuyên truyền cho ngư dân đánh bắt tại khu vực ven bán đảo Sơn Trà nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Từ khi thành lập đến nay, tổ đã phát hiện khoảng 50 vụ liên quan đến vi phạm hoạt động khai thác, đánh bắt của ngư dân ở ngoài địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thảo, Tổ trưởng Tổ cộng đồng bảo vệ NLTS phường Mân Thái cho biết, tổ bảo vệ giám sát gần như 24/24 giờ tại khu vực được phân công. “Trong quá trình đánh bắt, các thành viên trong tổ thường quan sát, hễ thấy các phương tiện có dấu hiệu khai thác vi phạm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản thì nhắc nhở hoặc báo cáo về cơ quan chức năng”, ông Thảo nói.
Theo ông Thảo, đã có hàng chục trường hợp bị tổ nhắc nhở hoặc điện báo cho Bộ đội Biên phòng. Ngoài trực tiếp giám sát trong lúc đi đánh bắt, các thành viên là những ngư dân này khi về bờ cũng tuyên truyền cho bà con ngư dân tuân thủ quy định, không vi phạm.
Với hiệu quả bước đầu của Tổ cộng đồng bảo vệ NLTS, Chi cục Thủy sản cho biết, thời gian đến sẽ nhân rộng ra trên toàn địa bàn ven biển, qua đó khuyến khích toàn thể ngư dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Không cho đóng tàu nhỏ để khai thác hải sản
Đại diện một số địa phương cho rằng, ngư dân khai thác ven bờ đa số là ngư dân nghèo và họ có thói quen với những chiếc thuyền nhỏ: tối đi, sáng về. Nếu đóng mới tàu lớn, họ cũng không có kinh nghiệm để ra khơi xa. Do vậy, họ vẫn cứ đeo bám những chiếc thuyền thúng, ghe nhỏ để khai thác, khiến cho NLTS ven bờ ngày một khan hiếm, môi trường biển bị ô nhiễm.
Trước thực tế đó, ngoài việc chỉ đạo các địa phương tiến hành chuyển đổi ngành nghề cho lực lượng ngư dân này, thành phố Đà Nẵng cũng đã có chủ trương không cho đóng mới các tàu có công suất nhỏ, mà khuyến khích đóng mới tàu lớn.
Ông Đặng Duy Hải cho biết, hiện nay, nếu ngư dân đóng tàu mới công suất nhỏ sẽ không cho đăng kiểm. Đối với các tàu nhỏ mua từ địa phương khác nếu dưới 90CV, thì phải thay máy có công suất 90CV trở lên mới được khai thác.
Năm 2012, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định 7068/2012, nay là Quyết định 47/2014 về một số chính sách hỗ trợ ngư dân thành phố đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác xa bờ. Theo đó, ngư dân đóng tàu tương ứng từ 400CV trở lên sẽ được thành phố hỗ trợ các mức từ 500 triệu đồng đến 800 triệu đồng/chiếc.
Ngoài ra, thành phố cũng đã có chủ trương hỗ trợ bảo hiểm cho ngư dân. Nhờ đó, gần 5 năm qua, đã có hàng chục tàu lớn vươn khơi ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Chỉ tính từ tháng 10-2014 đến nay, đã có 16 chiếc đóng mới theo quyết định này.
Song song với việc không cho đóng tàu nhỏ, khuyến khích đóng tàu lớn để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, ngành thủy sản thành phố Đà Nẵng cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành công tác tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm trong việc xâm hại đến nguồn lợi thủy sản ven bờ, như xung điện, dùng thuốc nổ…; đồng thời, tiến hành thả con giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản…
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ