Tin nông nghiệp Bảo vệ sức khỏe đàn gia súc trong mùa hè

Bảo vệ sức khỏe đàn gia súc trong mùa hè

Tác giả Thanh Huyền, ngày đăng 28/06/2018

Bảo vệ sức khỏe đàn gia súc trong mùa hè

Đặc tính sinh lý của trâu, bò là chịu nắng nóng kém, do vậy trong điều kiện nhiệt độ cao kéo dài những ngày qua khiến sức khỏe của trâu, bò giảm sút, dễ phát sinh nhiều bệnh. Để không ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi, người dân các địa phương đã chủ động nhiều biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe đàn gia súc.

Tăng cường cho bò ăn thức ăn xanh như rau, cỏ, củ, quả tươi và giảm tinh bột.

Nhiều năm nay, gia đình anh Nguyễn Tử Bẩy ở thôn Cao Bạt Lụi, xã Nam Cao (Kiến Xương) nuôi bò sinh sản. Có những thời điểm gia đình anh nuôi tới 25 con bò sinh sản và bê con, do chi phí đầu tư chăn nuôi lớn nên gia đình anh đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe đàn bò, nhất là trong những ngày nắng nóng.

Anh Bẩy cho biết: Khi xây dựng chuồng trại chăn nuôi, tôi lợp mái chuồng bằng ngói, về mùa hè thường lấy thêm rơm rạ đan thành tấm phên phủ lên mái để chống nóng trực tiếp cho đàn bò. Hệ thống che chắn xung quanh chuồng cũng được làm bằng tre, lá tạo sự thông thoáng, đồng thời bảo đảm che chắn cho đàn bò không bị nhiễm lạnh đột ngột khi có những trận mưa đột xuất. Hàng ngày thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi, không để chất thải bốc mùi, phát sinh vi khuẩn gây ảnh hưởng đến sức khỏe đàn vật nuôi và ô nhiễm môi trường xung quanh. Đồng thời, đưa bò ra nhốt ở những nơi có nhiều cây, bóng mát, không chăn thả khi trời nóng, nhiệt độ cao.

Gia đình anh Đặng Việt Hùng ở thôn Xuân Phong, xã Đông Lĩnh (Đông Hưng) hiện đang nuôi 5 con bò sinh sản. Về mùa hè, anh đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi. 

Anh Hùng cho biết: Những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao, bò thường ăn ít, uống nhiều nên tôi tăng cường thức ăn xanh như rau, cỏ, củ, quả tươi, giảm tinh bột trong khẩu phần ăn, cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát trong ngày; luôn cung cấp đủ nước sạch, mát cho bò uống cả ngày, đồng thời bổ sung khoáng chất, vitamin C, các chất điện giải vào nước uống để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi dần thích nghi với sức nóng ngoài môi trường.

Hiện nay, đàn trâu, bò toàn tỉnh có gần 53.000 con. Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, để bảo vệ sức khỏe đàn trâu, bò những ngày nắng nóng, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất chăn nuôi, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp sau: xây chuồng theo hướng Đông Nam, mái chuồng cách mặt đất ít nhất 2m, nên lợp bằng mái ngói hoặc mái lá; làm mới, sửa chữa, nâng cấp nền chuồng cao hơn so với mặt đất từ 30 - 40cm để tạo sự thông thoáng; trồng nhiều cây xanh xung quanh chuồng trại, trồng các loại cây dây leo để che mái. Giảm mật độ nuôi nhốt, diện tích nuôi nhốt bảo đảm từ 5 - 6m2/con. Về chế độ dinh dưỡng, cho trâu, bò ăn thức ăn bảo đảm chất lượng, không bị mốc và ôi thiu, cho ăn đầy đủ khẩu phần ăn theo từng giai đoạn sinh trưởng; cho ăn đầy đủ lượng thức ăn thô, rau xanh từ 15 - 35kg/con/ngày và bổ sung thức ăn tinh từ 1 - 2,5kg/con/ngày; bổ sung vitamin C, B-Complex, chất điện giải vào thức ăn, nước uống để tăng sức đề kháng và giải nhiệt cho vật nuôi; bảo đảm cung cấp đủ nước uống sạch, mát cả ngày cho trâu, bò. Không chăn thả khi trời quá nóng, thời gian chăn thả thích hợp là từ 6 giờ đến 9 giờ và 16 giờ đến 18 giờ, tránh chăn thả từ 10 giờ đến 16 giờ trong ngày vì có thể làm vật nuôi say nắng. Đối với trâu là con vật rất thích đằm nước, mùa hè phải được tắm chải hàng ngày, người nuôi nên cho trâu ngâm mình trong nước sạch, mát từ 1 - 2 tiếng mỗi ngày để điều hòa thân nhiệt.

Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần phải đặc biệt chú ý đến công tác thú y, vệ sinh chuồng trại bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi. Thường xuyên thu dọn, vệ sinh sạch sẽ chuồng trại để làm giảm sức nóng và khí độc từ chất thải chăn nuôi bốc lên; định kỳ phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các bệnh bắt buộc cho đàn vật nuôi. Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để chủ động các biện pháp chống nóng, chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi cho phù hợp nhằm giảm thiệt hại cho người nuôi và ngành chăn nuôi.


Phòng trừ sâu khoang không dùng thuốc BVTV Phòng trừ sâu khoang không dùng thuốc BVTV Xử lý rơm rạ sau thu hoạch Xử lý rơm rạ sau thu hoạch