Tin nông nghiệp Bảo vệ thực vật theo phương pháp tự nhiên - Phần 3

Bảo vệ thực vật theo phương pháp tự nhiên - Phần 3

Tác giả 2LUA.VN tổng hợp, ngày đăng 18/12/2017

Bảo vệ thực vật theo phương pháp tự nhiên - Phần 3

Phần 3 - Các biện pháp cụ thể phòng ngừa dịch bệnh sâu hại cây trồng

1/ Vệ sinh

“KHÔNG BAO GIỜ ĐỂ NHỮNG THỨ BỊ NHIỄM SÂU BỆNH Ở XUNG QUANH.

CỐ GẮNG TẠO THÓI QUEN SẠCH SẼ”

Vệ sinh sạch sẽ là cực kỳ quan trọng để phòng ngừa sự lây lan của sâu bệnh, đặc biệt là bệnh.

Đất: Trước hết đảm bảo rằng đất ở luống gieo hạt không có những loài gây hại và mầm bệnh. Đất được xử lý đúng trong nhiều năm sẽ không chứa các loài gây hại và mầm bệnh nhưng nếu đất có nguy cơ có thể phải tiệt trùng bằng cách đốt các cành cây trên bề mặt đất đã được làm sẵn (tro giúp làm cho đất phì nhiêu hoặc có thể được sử dụng để kiểm soát sâu bệnh), tưới nước trộn với lá cây húng quế dại giã ra và trộn vào đất, phơi đất hoặc ủ đất bằng sức nóng mặt trời bằng cách phủ những tấm ni lông lên trên.

Hạt giống và cây con:cần phải sạch sâu bệnh, nếu không bản thân chúng không những bị sâu bệnh mà còn lây lan sang những cây khác ở trong ruộng. Một chiến thuật cũ nay vẫn còn sử dụng là cất giữ hạt giống với phân bò đã đốt hoặc tro củi để hạt giống không bị sâu bệnh khi mang trồng.

Nếu bệnh dịch lây lan, loại bỏ tất cả những cây và vật bị nhiễm. Những thứ này có thể ủ làm phân ủ nếu bảo đảm đủ độ nóng trong đống ủ, nếu không giữ đủ độ nóng thì có thể cho gia súc ăn hay chôn dưới đất. Đốt những thứ này cũng có thể giải quyết được vấn đề nhưng có thể là lãng phí những chất hữu cơ giá trị trừ phi tro của chúng được sử dụng để kiểm soát sâu bọ.

Công cụ: Tay và công cụ sử dụng phải được rửa sạch sẽ sau khi loại bỏ những cây và vật bị nhiễm. Nếu không làm như vậy sâu bệnh sẽ có thể lan sang các cây khác. Cũng cần nhớ rằng mầm bệnh của cây có thể bám vào quần áo và giầy dép.

Nước: Nước sử dụng để tưới cây và pha loãng phân chuồng, để phun hoặc pha chế cần phải lấy từ nguồn không bị nhiễm bệnh. Nước đã dùng để rửa tay, rửa dụng cụ và cây hoặc được để lưu lại sẽ là nước bị nhiễm bệnh.

2/ Chọn các loại giống kháng sâu bệnh

PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG TỰ NHÂN GIỮ GIỐNG

Các cơ quan nghiên cứu đã tạo ra các loại giống kháng các loại sâu bệnh nhất định. Tuy nhiên, người trồng trọt có thể gây giống riêng cho mình rất đơn giản bằng cách lấy hạt giống từ những cây khỏe mạnh ở ngoài đồng không bị sâu bệnh.

Những hạt giống từ những cây này sẽ cho cây phát triển mạnh và cây lớn lên từ những hạt này sẽ có cơ hội phù hợp với môi trường địa phương tốt hơn và kháng sâu bệnh tốt hơn. Thực ra, trong quá khứ, thông qua việc quan sát tốt thiên nhiên, những người nông dân truyền thống đã góp phần quan trọng vào việc phát triển các loại giống cây kháng nhiều lọai sâu bệnh. Vì hệ thống tự nhiên là hệ thống rất năng động, nó luôn chuyển động nên việc chọn lọc và nhân giống kháng sâu bệnh phải là một qúa trình liên tục, nếu không thì những giống kháng sâu bệnh phải rất khó khăn mới tạo ra được sẽ bị mất đi. Trong trường hợp nông dân sản xuất nhỏ tự cấp tự túc, việc làm giống tốt nhất là do chính tay họ làm ở trên đồng ruộng của họ.

3/ Thời vụ

“TRỒNG ĐÚNG THỜI VỤ ĐỂ TRÁNH SÂU BỆNH”

Việc cấy trồng cần phải làm đúng thời vụ để giảm đến mức thấp nhất sự tấn công của sâu bệnh. Để làm việc này hiệu quả, người nông dân cần phải biết chu kỳ sống của các loài sâu bọ gây hại và những điều kiện thuận lợi cho việc lây lan dịch bệnh.

Ví dụ, các vụ rau trồng vào mùa đông sẽ tốt hơn mùa hè bởi vì rất nhiều loài gây hại và bệnh tật đều ngủ đông hoặc kém hoạt động trong thời tiết lạnh. Loại sâu lớn là tuyến trùng hại rễ sẽ ít hoạt động trong thời gian này.

Một cách khác để làm tăng sự sống của cây là sản xuất cây con trong những khu vườn ươm được bảo vệ và sau đó trồng chúng ở bên ngoài ruộng khi chúng đã đủ lớn để có khả năng chịu đựng sự tấn công của sâu bệnh. Sự phá hoại của ốc sên, sâu ngài đêm, bọ cánh cứng và châu chấu có thể được giảm đến mức thấp nhất bằng cách này.

Rất nhiều loại côn trùng sau khi nằm trốn trong đất qua mùa đông và mùa xuân, xuất hiện với những trận mưa đầu mùa. Sự phá hoại cây mùa hè có thể giảm đến mức tối thiểu bằng cách trồng vụ hè sớm hơn hoặc trồng sau khi mưa một vài tuần.

4/ Sử dụng bẫy và hàng chắn ngăn côn trùng

Cây có thể đóng vai trò làm rào chắn tự nhiên đối với sự di chuyển của các loài gây hại. Bờ dậu ngăn cản rệp vào vườn; một vài hàng ngô có thể bảo vệ vụ đậu không bị rệp vào phá hoại và một hàng cây đậu Hà lan hoặc đậu leo có thể được sử dụng để bảo vệ cà chua, khoai tây và bắp cải không bị nhện đỏ tấn công.

Một phương pháp khác là bẫy côn trùng bằng những cây dẫn dụ. Cây dẫn dụ có thể là cỏ mọc trong ruộng hay có thể là các loại cây mẫn cảm được trồng thành những hàng xung quanh ruộng. Côn trùng thích những cây dẫn dụ này sẽ tấn công phá hoại chúng và không động chạm đến cây trồng chính trong ruộng. Những cây bị côn trùng phá hoại sau đó có thể bị nhổ bỏ và làm phân ủ hoặc cho gia súc ăn. Ví dụ, rệp bị hấp dẫn bởi cỏ sữa và cây lương thực sẽ được bảo vệ không bị chúng tấn công nếu để một ít cỏ này mọc ở trong ruộng.

Cây đậu được trồng theo hàng để dẫn dụ xung quanh ruộng trồng bắp cải hoặc bông để bảo vệ những loại cây này không bị nhện đỏ tấn công. Sau đó những cây đậu bị sâu bệnh hại này làm thức ăn cho gia súc ăn hoặc làm phân ủ. Loại cây này làm mồi lý tưởng vì chúng có ba chức năng: kiểm soát sâu bọ (làm mồi), cải tạo đất (cây họ đậu) và thức ăn cho gia súc hoặc nguyên liệu để làm lớp phủ hay phân ủ.

Hàng chắn và cây dẫn dụ cũng sẽ tạo ra môi trường sống thích hợp khuyến khích các động vật ăn mồi tới cư trú ở trên ruộng và ăn sâu hại.

5/ Khuyến khích động vật ăn mồi

TRƯỚC HẾT KHUYẾN KHÍCH TĂNG SỐ LƯỢNG ĐỘNG VẬT ĂN MỒI CUỐI CÙNG LÀ KHÔI PHỤC LẠI TRÌNH TỰ TỰ NHIÊN

Trong những giai đoạn đầu thiết lập trật tự tự nhiên, sẽ thiếu động vật ăn mồi. Phương pháp canh tác thông thường hiện nay đã tiêu diệt hầu hết các động vật này và sự phá hủy hàng loạt môi trường sinh sống tự nhiên của chúng.

Ở những nước phương tây, động vật ăn mồi được gây giống trong những khu trại sản xuất riêng và bán cho nông dân để họ thả vào ruộng của mình. Việc này được truyền bá sang châu Phi và các nơi khác nhưng đó là chi phí không cần thiết. Hầu hết các loại động vật này chỉ sống được một thời gian ngắn và sau đó chúng bị tiêu diệt ngay ở nơi chúng được thả ra đầu tiên chính bởi các biện pháp canh tác của người nông dân. Phương pháp tốt nhất là phải biết cách tạo điều kiện thích hợp để tăng số lượng các loài động vật ăn mồi hiện có tới mức nào đó để chúng có thể đảm đương được nhiệm vụ của mình là kiểm soát được các loài côn trùng gây hại cho cây trồng.

Việc phục hồi độ phì nhiêu của đất, cải thiện đa dạng cây trồng và tránh sử dụng các loại hóa chất trong nông nghiệp là để thiết lập lại trật tự tự nhiên và qua đó làm tăng số lượng các loài động vật ăn mồi cùng với việc tạo ra môi trường sống đa dạng trong các ruộng, các bờ dải đồng mức, ở những vùng đá sỏi không trồng trọt được và ở dọc theo các bờ ruộng. Phương pháp thiết lập lại trật tự tự nhiên có lẽ là an toàn nhất để kiểm soát dịch hại để tránh cho việc phán đoán chủ quan liệu loài côn trùng hay động vật này là có ích hoặc không có ích.

Nhiều tài liệu đã đưa ra danh mục các loài vật có ích để người nông dân có thể tránh tiêu diệt chúng. Việc lựa chọn này thường tùy hứng bởi vì một số loài vật ăn côn trùng trong giai đoạn này nhưng lại ăn thực vật ở giai đoạn khác trong chu kỳ sống của chúng. Không còn nghi ngờ gì nữa, hầu hết côn trùng đều có ích ở một giai đoạn nào đó. Ví dụ trong một nghiên cứu 86,000 côn trùng xác định trên đồng ruộng, 76,000 là bạn của nhà nông.

Tất cả côn trùng đều có lợi vì mỗi loại hình thành một phần của chuỗi thức ăn. Tuy nhiên có thể có có lợi khi liệt kê những loài được coi là có lợi hơn những loài khác do chúng có vai trò kiểm soát trực tiếp các loài gây hại ăn cây cối hoa màu. Những loại thường được xác định là: bọ ăn mồi, kiến, dơi, ong, chim, ong bắp cày, tắc kè hoa, chuồn chuồn, ong màu sắc rực rỡ, bọ kỳ cánh cứng, giun đất, ếch nhái, con tò vò, bọ rùa, thằn lằn, tuyến trùng có ích, bọ ngựa, nhện, và cóc...

Bước quan trọng nữa nhằm cải thiện và duy trì số lượng động vật ăn mồi là tránh tiêu diệt chúng vì những lý do thiển cận vì đây chính là điều đầu tiên gây nên vấn đề. Ví dụ, một người nông dân có thể thấy rằng con chim mồi có thể giết chết gà của anh ta. Thay vì bảo vệ đàn gà mái của mình bằng rào mắt cáo, „làm giả con quạ‟ hoặc che bằng cây, anh ta giết diều hâu và phá tổ và môi trường sống của chúng. Vì vậy số lượng chuột đồng, chuột nhắt và chim ăn hạt mà lẽ ra diều hâu ăn thịt bị tăng lên và ăn lúa ngô của người nông dân cả ở trên đồng và ở trong kho. Kết quả là anh ta và gia đình bị nghèo đói chỉ vì anh ta không suy nghĩ đủ kỹ trước khi hành động. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ.

Trong nhiều thập kỷ qua, thông qua việc cày bừa hàng năm, triệt phá môi trường sống tự nhiên, sử dụng không phân biệt các loại hóa chất trong nông nghiệp và tiêu diệt côn trùng thiếu suy nghĩ bằng nhiều cách khác nhau, chúng ta đã làm đảo lộn sự cân bằng mỏng manh nhưng có lợi của thiên nhiên và nay phải chịu hậu quả.

TÓM LẠI

“HÃY ĐỂ THIÊN NHIÊN KIỂM SOÁT DỊCH HẠI”

Cách tiếp cận thiết thực duy nhất là không tiêu diệt tất cả các loài gây hại mà phải phục hồi sự cân bằng tự nhiên. Hãy học từ thiên nhiên cách tăng đến mức tối đa sản xuất lương thực và giảm đến mức thấp nhất sự mất mùa

Tránh sử dụng thuốc trừ sâu. Chúng là chất độc. Chúng đe dọa sức khỏe con người, xáo trộn trật tự và cân bằng tự nhiên và trong tương lai làm tăng mất mùa.

1. Thay thế hóa chất dùng trong nông nghiệp bằng các Phương pháp tự nhiên.

2. Khuyến khích sinh sản của các loài động vật ăn mồi. Không giết chúng mà tạo cho chúng môi trường sống phù hợp.

3. Bắt chước thiên nhiên bằng cách tạo ra đa dạng thực vật càng nhiều càng tốt.

4. Ít đào xới, tạo lớp phủ bồi và luôn dùng phân ủ.

Nền tảng của sản xuất cây trồng là chăm sóc đất. Đất lành mạnh thì sẽ ít có khả năng chứa sâu bệnh ở mức nguy hiểm và sẽ tạo ra những vụ mùa tốt tươi có khả năng chống lại sự tấn công của sâu bệnh.

5. Luôn vệ sinh sạch sẽ. Không tạo điều kiện cho bệnh lan truyền và phát triển.

Đó là những cơ sở cho việc quản lý sâu bệnh tốt. Với việc thực hiện những điều này, số lượng và mức độ nghiêm trọng của sâu bệnh tấn công sẽ giảm đi.

Tuy nhiên có thể chấp nhận được việc dịch hại thỉnh thoảng xuất hiện, đặc biệt là trong những giai đoạn đầu khi người trồng trọt cố gắng phục hồi sự cân bằng tự nhiên. Đừng có bị cám dỗ bởi thùng thuốc sâu kia nếu không bạn sẽ làm hỏng tất cả những tiến bộ mà mình đã cố gắng đạt được cho đến nay.

Thay vào đó nên chọn một trong những Phương pháp tự nhiên, được nêu trong những phần còn lại của cuốn sách này, phù hợp với loại sâu bọ có vấn đề để kiểm soát dịch hại. Trừ một vài trường hợp ngoại lệ, những Phương pháp tự nhiên này sử dụng đơn giản, an toàn và chi phí hầu như không có.

Vấn đề chính cho thành công là sử dụng thậm chí hóa chất tự nhiên chỉ khi khẩn cấp. Và khi bạn làm như vậy, tránh tiêu diệt những loài động vật ăn thịt có ích. Vì vậy, hãy kiểm tra thường xuyên và phun có lựa chọn. Hãy học cách nhận biết các loài côn trùng có ích và khuyến khích chúng ở lại.

Ngoài ra, điều quan trọng cần biết rằng việc phát triển bất cứ kỹ năng nào cũng phụ thuộc hoàn toàn vào mức độ mà người nông dân hoặc người làm vườn chăm sóc và tập trung cho phương thức canh tác của mình, quan sát kỹ và chú ý đáp ứng nhu cầu của đất, cây cối và đời sống của côn trùng và chim muông. Tất cả phải hài hòa với người trồng trọt và vì vậy thái độ của người trồng trọt là yếu tố lớn mang lại thành công của những nỗ lực của mình trong việc hợp tác với những lực lượng nhạy cảm nhưng rất hùng mạnh đó làm cơ sở cho mọi sáng tạo.

(Tài liệu tham khảo cho nông dân sản xuất hữu cơ)

Dựa trên tài liệu canh tác tự nhiên của Zimbabue


Bảo vệ thực vật theo phương pháp tự nhiên - Phần 4 Bảo vệ thực vật theo phương pháp tự… Bảo vệ thực vật theo phương pháp tự nhiên - Phần 2 Bảo vệ thực vật theo phương pháp tự…