Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cần sự góp sức của cả cộng đồng
Hằng năm, TP Cần Thơ đều tổ chức thả cá bản địa về sông để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phong Điền, năm 2014, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện đạt hơn 726ha, vượt 3,8% kế hoạch. Tổng sản lượng thu hoạch ước đạt gần 8.168 tấn, vượt 7,44% so kế hoạch năm. Năm qua, Phong Điền khuyến khích phát triển các mô hình nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Huyện còn triển khai các mô hình nuôi thủy sản: nuôi cá thác lác trong vèo; nuôi cá cộng đồng trong mương vườn, ruộng lúa, nuôi cá thác lác kết hợp trồng ấu trên địa bàn các xã Giai Xuân, Mỹ Khánh, Nhơn Nghĩa và Trường Long. Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, đánh giá: “Mặc dù diện tích, sản lượng thủy sản năm qua đều tăng nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân là do việc đánh bắt thủy sản tự nhiên bằng các dụng cụ trái phép còn diễn ra thường xuyên”.
Tại huyện Vĩnh Thạnh, nuôi trồng thủy sản là một tiềm năng của địa phương sau cây lúa. Tuy nhiên, theo ông Đoàn Đức Trường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, do thời tiết bất lợi, xuất hiện nhiều dịch bệnh, tình trạng thua lỗ kéo dài nên diện tích và sản lượng thủy sản của huyện thời gian qua có xu hướng giảm.
Những tháng đầu năm 2015, nuôi trồng thủy sản có chiều hướng hồi phục nhưng chậm. Nhiều ý kiến cho rằng, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, TP Cần Thơ có rất nhiều lợi thế để phát triển nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng, việc khai thác, đánh bắt quá mức, một bộ phận người dân sử dụng xung điện, chất độc trong khai thác làm giảm đáng kể nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên.
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: “Đa số người dân sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản đều là hộ nghèo và cận nghèo, không đất sản xuất, không có nghề nghiệp để mưu sinh nên quá trình xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên hoạt động thanh, kiểm tra không được tiến hành thường xuyên.
Đặc biệt là việc thực hiện Chỉ thị 01/1998/CT-TTg về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản”. Thời gian qua, việc triển khai nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… do ngành thủy sản phát động được coi là hướng phát triển bền vững nhưng mức phí chứng nhận còn cao. Một số tiêu chuẩn chưa là đòi hỏi của một vài thị trường nên gặp khó trong khâu mở rộng.
* Khai thác đi đôi với bảo vệ
Theo các chuyên gia đầu ngành, các địa phương cần phải nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư và vận động xã hội hóa trong vấn đề bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ông Đoàn Đức Trường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, nói: “Hướng đến sự bền vững trong khai thác, nuôi trồng thủy sản, Vĩnh Thạnh tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm, cá trên ruộng, ao, vùng nước ngập.
Đồng thời, xây dựng mô hình và đánh giá hiệu quả nuôi thủy sản trong mùa lũ để có kế hoạch nhân rộng. Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích phát triển các mô hình nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tăng giá trị và chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường”.
Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và trở thành mối lo lớn cho ngành nuôi trồng, khai thác thủy sản. Vì vậy, cần nâng cao vai trò của các cơ quan chuyên môn trong công tác dự báo, cảnh báo các tác động về môi trường, thời tiết có thể ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản để kịp thời thông báo cho các hộ nuôi.
Song song với công tác tuyên truyền, nhiều địa phương đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra để ngăn chặn tình trạng khai thác, đánh bắt thủy sản trái phép. Theo ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong năm 2014, Phong Điền triển khai 256 cuộc tuần tra, vận động giao nộp 346 bộ xung điện, yêu cầu 608 hộ cam kết không sử dụng xung điện trong khai thác thủy sản.
Đồng thời, xử phạt hành chính 17 trường hợp với tổng số tiền là 39,5 triệu đồng. Những tháng đầu năm 2014, huyện ra quân 21 đợt tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tịch thu 9 bộ xung điện. Song song đó, huyện đặc biệt nghiêm cấm tình trạng đánh bắt thủy sản bừa bãi như dùng chất độc, xuyệt điện, bắt tất cả các loài cá nhỏ, cá đang trong mùa sinh sản... Nhiều ý kiến cho rằng, cần có chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ kinh phí hoặc tạo điều kiện để những hộ nghèo, cận nghèo chuyên đánh bắt thủy sản trái phép chuyển đổi nghề...
Nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hằng năm, ngành nông nghiệp thành phố đều phối hợp với các quận, huyện tổ chức Lễ Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ngày 1-4-2015, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ phối hợp với các quận, huyện thả khoảng 1 triệu con cá giống (cá rô, lóc, thác lác, trê vàng, hô...) về sông.
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: Hoạt động này có ý nghĩa thiết thực nhằm bổ sung nguồn lợi thủy sản vào môi trường tự nhiên và góp phần bảo vệ sự đa dạng thành phần giống thủy sản và ngăn chặn đà suy giảm nguồn lợi thủy sản do khai thác quá mức. Tuy nhiên, để công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ngày càng hiệu quả, các ngành chức năng TP Cần Thơ cần triển khai những giải pháp đồng bộ như: Thực hiện tốt qui hoạch phát triển thủy sản gắn với việc phát triển nuôi thủy sản theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú để vận động cả cộng đồng cùng tham gia công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Ngoài ra, thành phố cần bố trí đủ kinh phí cho công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực khai thác thủy sản; xúc tiến việc xây dựng các khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên địa bàn...
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ