Bấp Bênh Giá Hải Sản
Sự thành bại của mỗi chuyến ra khơi không chỉ quyết định bởi sản lượng đánh bắt được mà còn lệ thuộc rất lớn vào giá cả trong bờ.
Đầu ra bấp bênh của mặt hàng hải sản từ lâu đã trở thành nỗi lo thường trực của ngư dân sau những ngày dài vươn khơi.
Cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành, Kiên Giang) mỗi ngày tiếp nhận hàng chục chiếc tàu đánh bắt xa bờ trở về, với sản lượng tôm, cá cả trăm tấn. Trái hẳn với tâm trạng háo hức mang thành quả lao động từ biển về, phần lớn những ngư dân mà chúng tôi gặp tại đây đều buồn rười rượi.
Nguyên nhân là giá các mặt hàng hải sản đang rớt thê thảm, có loại giảm đến 40-50% so với cách đây mấy tháng. Mùa biển đắng không đến từ xa khơi mà là trong đất liền.
Anh Nguyễn Văn Trường, một ngư dân TP Rạch Giá có tuổi đời còn khá trẻ vừa đưa cặp tàu hành nghề cào đôi cặp cảng sau hành trình hơn 1 tháng bám biển. Hỏi về thành quả đi biển, anh Trường buồn rầu tâm sự: “Nghề này nhiều rủi ro lắm. Thất thu một chuyến biển hay thị trường đầu ra có biến động là lỗ ngay. Ít thì vài trăm triệu, nhiều lên đến tiền tỷ”.
Anh Trường xuất thân từ dân buôn bán. Nhưng thấy bên vợ làm nghề biển có ăn, anh cũng mạnh dạn đầu tư gần chục tỷ đồng để đóng tàu (2 chiếc) và mới hoàn thành cuối năm 2013. Chuyến ra khơi đầu tiên cặp tàu của anh trúng lớn, vì sau tết mặt hàng hải sản có giá. Thế nhưng, những chuyến tiếp theo giá cứ rớt dần, huề vốn rồi đến thua lỗ.
Anh Trường cho biết: “Nghề cào đôi cá mực chiếm tới 50-60% sản lượng, còn lại là các loại cá. Thế nhưng mấy tháng gần đây giá mực khô đã giảm rất mạnh. Mấy tháng trước mực loại lớn thương lái cân tại cảng còn được giá 360.000 đ/kg, nay chỉ còn 270.000 – 280.000 đ/kg. Còn mực nhỏ giờ chỉ còn quanh mức 150.000 đ/kg. Tính ra mỗi chuyến biển mất đứt 3 - 4 trăm triệu đ, không lỗ sao được”.
Ngay cả những ngư dân kỳ cựu, với đội tàu lên đến cả chục chiếc cũng lắc đầu ngao ngán với giá cá lao dốc như hiện nay. Ông Năm Dẫn (Dương Thế Dẫn), ở TP Rạch Giá là người đã gắn bó với nghề biển mấy chục năm nay nhưng cũng đành chịu không đoán được giá cá sẽ tăng hay giảm.
Năm Dẫn tâm sự: “Ngày trước đi biển chỉ cần dò tìm đàn cá, đánh bắt đầy ghe trở về là thắng lợi lớn, vì giá cả tương đối ổn định. Còn bây giờ, ra biển là phải đương đầu với đủ thứ, bão biển đôi khi không sợ bằng bão giá”.
Chẳng hạn mỗi khi giá xăng dầu tăng, chỉ cần ở mức 200-300 đ/lít là chi phí đã đội lên cả chục triệu đồng. Vì khi đó mọi thứ đều đồng loạt tăng theo, từ nước đá, ngư lưới cụ cho tới thực phẩm mang theo. Trong khi đó giá cá phải mất vài tháng mới điều chỉnh kịp.
Giá cả đầu ra lao dốc, biết đi là lỗ nhưng nhưng nhiều chủ tàu vẫn phải cho tàu ra khơi. “Cho tàu nằm bờ chờ giá thì quá dễ, nhưng còn đời sống của mấy chục gia đình ngư phủ họ sẽ ra sao. Mình nghỉ, họ bỏ đi làm việc khác, tới khi muốn ra khơi kiếm đâu ra người làm. Vậy nên có lỗ cũng phải làm. Đặc thù nghề biển là vậy, trúng, mất là chuyện thường”, ông Năm Dẫn nói.
Chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá Trương Văn Ngữ cho biết, hiện nay đời sống ngư dân đang gặp rất nhiều khó khăn do hầu hết các mặt hàng hải sản khai thác đều giảm giá, trong đó giảm mạnh nhất là mặt hàng mực khô. Vào thời điểm cuối năm 2013, giá mực khô loại I lên đến 515.000 đ/kg nhưng hiện nay giảm chỉ còn 350.000 đ/kg.Mực loại II từ 310.000 giảm còn 150.000 – 160.000 đ/kg.
Còn các loại cá cào (chủ yếu là các loài cá sống ở tầng đáy như cá đổng, cá cháo, cá phèn…) trước đây trên 20.000 đ/kg thì nay chỉ còn 15.000 đ/kg. Trong khi đó, phần lớn ngư dân TP Rạch Giá làm nghề cào với tỷ lệ cá mực chiếm rất lớn nên càng thất thu.
Theo ông Ngữ, nguyên nhân các mặt hàng hải sản mất giá mạnh là do chúng ta đang lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là khô mực. Bất ổn trên vùng biển Đông thời gian vừa qua đã tác động không nhỏ đến việc tiêu thụ hải sản.
Những mặt hàng tiêu thụ nội địa hoặc đi thị trường khác giá có giảm nhưng không đến nỗi, còn mặt hàng nào xuất đi Trung Quốc nhiều đều mất giá trầm trọng. Không chỉ mất giá mà hiện nay ngư dân bán mực khô phải đợi một tháng sau mới nhận được tiền. Áp lực trả nợ ngân hàng, đời sống ngư phủ nên đắt rẻ gì chủ tàu cũng phải bán chứ mang về để ở kho càng chết hơn.
“Trước những khó khăn, ngư dân đã đoàn kết lại để vượt qua như: Thành lập các tổ đội để khai thác, dùng tàu vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa ra vào để tăng thời gian bám biển. Cải tiến ngư lưới cụ, máy móc để giảm nguyên, nhiên liệu, giảm chi phí đầu vào…
Nhưng với sự bấp bênh của giá cả đầu ra thì ngư dân đành chịu, mình là người làm ra nhưng lại không thể quyết định được giá bán. Đôi khi thất bại không đến từ biển mà là trong đất liền”, ông Ngữ phân trần.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ