Bấp Bênh Vì Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng
Việc nuôi thẻ chân trắng hiện nay của bà con nông, ngư dân phía Bắc Quốc lộ 1A thuộc huyện Giá Rai phát triển tự phát không theo quy hoạch, không tuân theo khuyến cáo của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương.
Diện tích thả nuôi nuôi tôm thẻ chân trắng quảng canh cải tiến ở huyện Gia Rai có chiều hướng tăng dần. Cùng với sự gia tăng diện tích thì tình hình dịch bệnh ở tôm thẻ chân trắng cũng diễn biến ngày càng phức tạp và gây thiệt hại lớn đến sản xuất.
Huyện Giá Rai có diện tích nuôi trồng thủy sản là 20.300 ha, trong đó diện tích nuôi tôm thâm canh là 320 ha, tôm nuôi quảng canh cải tiến kết hợp là 19.600 ha. Những năm qua tình hình nuôi trồng thủy sản của huyện gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Chỉ tính riêng năm 2013, mô hình tôm nuôi kết hợp thiệt hại là trên 13 ngàn ha. Đây là diện tích đã khai báo thống kê, còn lại phần lớn bà con dấu không khai báo. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp trong ao nuôi tôm sú là 1.545 ha, tăng gấp 3 lần so với năm 2012.
Trong đó, có những xã diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng gấp 4 đến 5 lần so với cùng kỳ. Thất trắng vì nuôi tôm thẻ chân trắng cũng chiếm tỷ lệ khá cao, chiếm trên 70% tổng diện tích thả nuôi, nhiều nhất là hai xã Phong Thạnh và Phong Thạnh A.
Ông Nguyễn Văn Còn, ấp 18, xã Phong Thạnh A, huyện Giá Rai năm vừa qua nuôi 2 vụ tôm thẻ chân trắng trên tích 1,3 ha, vụ 1 nuôi 30.000 con, vụ 2 là 60.000 con. Cả 2 vụ tôm nuôi đều bị bệnh phải thu non và chịu lỗ trên 10 triệu đồng. Cùng mô hình với ông Còn, ông Nguyễn Việt Hồng ở gần bên thả nuôi 50.000 con tôm thẻ chân trắng trên diện tích 1,3 ha. Sau 3 tháng nuôi tôm bị bệnh đục thân, đen mang phải thu hoạch sớm.
Tôm thẻ chân trắng có ưu điểm là thời gian nuôi ngắn, ngưỡng chịu mặn rộng, lợi nhuận trước mắt cao hơn so với tôm sú nên có sức hấp dẫn với bà con nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, nhiều bà con lại không hiểu biết gì về đặc tính của loài tôm này và chưa nắm bắt được kỹ thuật nuôi.
Anh Đoàn Thanh Tùng, ấp 18, xã Phong Thạnh A, huyện Giá Rai năm nay kiên quyết không nuôi tôm thẻ chân trắng nữa. Bởi lẽ, anh nhận thấy sau một vụ tôm nuôi thẻ chân trắng thất bại, môi trường đất và nước bị thoái hóa, ô nhiễm, việc cải tạo gây nuôi tôm sú gặp rất nhiều khó khăn.
Với phong trào phát triển tôm chân trắng trong ao nuôi tôm sú quảng canh ở huyện Giá Rai một cách ồ ạt như hiện nay dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch vùng nuôi, vượt tầm khả năng kiểm soát dịch bệnh của ngành chuyên môn. Nhiều loại bệnh nguy hiểm ở tôm thẻ chân trắng đã xuất hiện trên một số vùng nuôi như: Bệnh đục thân, đốm trắng, đầu vàng, bệnh Taura… gây thiệt hại lớn về kinh tế cho sản xuất.
Kỹ sư Quách văn Cống, Phó trưởng trạm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN-KN) huyện Giá Rai cho biết: Trước đây, tôm thẻ chân trắng được xếp vào loài sinh vật ngoại lai không được phép gây nuôi, nay được cởi bỏ và chỉ được phép nuôi công nghiệp, bán công nghiệp (CN - BCN).
Ở Bạc Liêu, một số xã, phường ven biển nằm trong qui hoạch được nuôi tôm thẻ chân trắng CN - BCN. Theo các cán bộ kỹ thuật, nuôi tôm thẻ CN - BCN đòi hỏi phải đầu tư đúng mức, chọn con giống sạch bệnh, chăm sóc và quản lý tốt môi trường ao nuôi. Tuy nhiên, do chạy theo phong trào mà người dân vùng chuyển đổi thả nuôi tôm thẻ chân trắng quảng canh cải tiến ồ ạt, với hy vọng “được ăn, thất bỏ”, bất chấp cả khâu cải tạo, chăm sóc và quản lý.
Từ đó, đặt ra câu hỏi cho người nuôi là có nên nuôi tôm thẻ chân trắng thay cho tôm sú “truyền thống” đã tồn tại cách đây hàng chục năm nay không? Điều này được Kỹ sư Quách Văn Cống, Phó trưởng trạm KN-KN huyện Giá Rai khuyến cáo: Hiện nay, trong nước chưa tạo ra được tôm thẻ chân trắng bố mẹ nên phải nhập ngoại.
Nhiều cơ sở nhập tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, lưu trữ tại trại quá lâu, cho đẻ nhiều lần làm cho chất lượng tôm giống không đảm bảo chất lượng và khó kiểm soát. Bên cạnh đó, môi trường nuôi trồng thủy sản ngày càng ô nhiễm, thời tiết diễn biến bất lợi, dịch bệnh thường xuyên xảy ra với tần suất ngày càng cao.
Với phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng ngày càng phát triển rầm rộ, len lỏi từ ngoài ao cho đến tận mương vườn, nếu không được cảnh báo sớm sẽ gây hậu quả khó lường cho nghề nuôi trồng thủy sản sau này.
Trong việc chuyển đổi đối tượng nuôi phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia chuyên ngành và tuân thủ quy trình kỹ thuật nhằm đảm bảo lợi ích trước mắt cũng như lâu dài.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ