Mô hình kinh tế Bất Công Đến Thế Là Cùng

Bất Công Đến Thế Là Cùng

Ngày đăng 22/02/2012

Bất Công Đến Thế Là Cùng
THU HỒI ĐẤT CỦA DÂN NGHÈO LÀM… QUỸ GIẢM NGHÈO

Họ vẫn phải sống, nhưng sống trong những căn chòi cheo leo sườn đồi, trong cảnh đèn dầu tù mù, nước sạch không có, đi lại vô cùng khó khăn, nguồn thu nhập chính trông vào ít đất khai hoang trồng điều, khoai mì. Lẽ ra, họ phải là những người đầu tiên trong diện giảm nghèo. Vậy mà, để lập quỹ xóa đói giảm nghèo, chính quyền địa phương lại biến họ thành những kẻ nghèo hơn khi thẳng tay thu hồi trắng số đất họ khai hoang bấy lâu nay.
BAO NĂM VẤT VẢ BÂY GIỜ TRẮNG TAY
Chỉ cách TPHCM chừng 170 km, nhưng để về được đến Đăng Hà, phải đi 30 km quốc lộ 14 lồi lõm ổ trâu, ổ voi. Sau đó đi tiếp gần 30 cây số nữa trên con đường đất đỏ bụi mịt mù. Gần đến Đăng Hà, xe chúng tôi bắt đầu lúc lên, lúc xuống trên những con đường gập ghềnh dốc đứng. Anh Công, người đón tôi từ ngã ba Sao Bọng (thị trấn Đức Phong, Bù Đăng) an ủi: “Bụi thế này còn đỡ chứ nếu trời mưa thì khổ gấp chục lần. Người không quen, xuống những cái dốc cao và trơn tuột thế này rất nguy hiểm”.
Quá trưa chúng tôi mới “bò” được đến nhà ông Trần Văn Kiệm ở thôn 2. Gọi là nhà cho oai chứ thực tế nó chỉ là một cái chòi nằm cheo leo giữa sườn đồi. Gần 20 người dân đại diện cho khoảng 200 hộ dân khiếu nại trong xã đã ngồi đợi sẵn. Nhìn những bộ đồ nhàu nát họ mặc, khuôn mặt khắc khổ, sạm đen vì dãi dầu mưa nắng, tôi không khỏi chạnh lòng.
Theo trình bày của người dân thì tháng 7/2011 vừa qua, chính quyền huyện Bù Đăng đã thực hiện việc cưỡng chế, thu hồi toàn bộ số đất họ đã khai hoang từ 9-10 năm trước. Đáng nói là họ khai phá công khai suốt nhiều năm nhưng không hề có ai đến tư vấn hay cảnh báo, ngăn cản. Đến khi những mảnh rừng hoang vắng biến thành vườn điều, khoai mì sum suê thì chính quyền mới đến và quy họ vào tội khai phá trái phép để thu hồi.  

Những khu đồi vừa bị cưỡng chế, thu hồi

“Lúc họ đến cưỡng chế, điều có chỗ mới trồng được 2-3 năm, có chỗ đã bắt đầu thu hoạch. Còn khoai mì mới trồng, củ to cỡ ngón cái. Nhưng lúc đó ông Nguyễn Anh Hoàng, Chủ tịch huyện vẫn ra lệnh chặt hết điều, nhổ bỏ hết khoai mì. Chúng tôi phải xin mãi họ mới đồng ý nhổ mì theo lằn ranh 3 mét để trồng cao su”, chị Nguyễn Thị Hợi, ở thôn 2, bức xúc.
Còn chị Trương Thị Mai, 42 tuổi, cũng kể: “2 vợ chồng tôi có đến 6 đứa con, đứa nhỏ nhất mới 6 tuổi. Tất cả chỉ trông vào 3 sào lúa 2 vụ, mỗi vụ thu hoạch chưa được nửa tấn thóc. Trong nhà lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Năm 2006, tôi chạy vạy mãi mới vay lãi 20 triệu sang lại 2 mẫu đất đồi đã khai hoang của người trong thôn để trồng điều, khoai mì. Giờ coi như mất trắng. Hiện gia đình tôi đã vay nợ tổng cộng 40 triệu rồi”.
Bi đát nhất có lẽ là “đại gia đình” gần 30 con người của ông Trần Văn Kiệm, 69 tuổi, ở thôn 2. Lâu nay cuộc sống của họ chỉ trông vào gần 20 hécta đất khai hoang vừa bị cưỡng chế, thu hồi. “Lúc đó vì không có đất canh tác nên hầu như ai cũng chỉ biết vào rừng khai hoang. Chúng tôi phải đầu tư khá nhiều công sức, thời gian cho những mảnh đất này. Mãi đến năm 2000 mới bắt đầu trồng được cây điều và khoai mì xuống. Điều vừa cho thu hoạch được 2 vụ thì họ cưỡng chế, thu hồi trắng. Bây giờ chúng tôi không biết làm gì để sống”, ông Kiệm nói.
MẤT ĐẤT, DÂN CÙNG KIỆT
Người dân xã Đăng Hà không phản đối việc chính quyền thu hồi đất khai hoang trái phép để làm quỹ xóa đói giảm nghèo. Điều khiến họ bức xúc là cùng cưỡng chế, thu hồi nhưng có khu vực người dân được hỗ trợ tiền công khai phá, có chỗ lại không được. Cụ thể, những hộ có đất khai hoang tại khu vực đồi Khỉ (tiểu khu 314) được hỗ trợ đến 2 lần.
Chúng tôi đã tìm gặp anh Trần Văn Sử, một trong những hộ có đất tại đồi Khỉ tìm hiểu và được anh Sử cho biết: “Khu vực đồi Khỉ là đất của công ty MT38, tôi không rõ lắm nhưng chắc tiền bồi thường này là của công ty. Lần thứ nhất chúng tôi được hỗ trợ tiền công khai phá 12 triệu/ha (đối với đất có cây trồng) và 6 triệu đồng/ha (đất trống). Sau đó chúng tôi thấy đất bỏ trống nên trồng khoai mì lên. Đến khi họ thu hồi để trồng cao su, chúng tôi lại được hỗ trợ 40 triệu đồng/hécta nữa”. Tuy nhiên, anh Sử cho biết, hiện nay khu đồi Khỉ dù vẫn do công ty MT38 đứng tên nhưng thực tế đã được sang nhượng cho một người tên Cường.
Những ngày ở Đăng Hà, chúng tôi có dịp đi “tham quan” một vòng các thôn và thấy cuộc sống của người dân quá khốn khổ, khổ đến bần cùng! Những con đường đất nhỏ hẹp lúc nào cũng bụi mịt mù. Mặt đường đầy ổ gà khiến xe chạy như nhảy tưng tưng. Quan sát mãi, cuối cùng chúng tôi cũng nhìn thấy 2 căn nhà tương đối khang trang. “Đó là nhà của ông Cường và ông Hiển. Nghe nói 2 ông này bán đất ngoài Cao Bằng rồi vào đây làm chứ không phải do làm ruộng mà có đâu. Ở đây chỉ có nhà cán bộ xã là đẹp thôi”, chị Lê Kim Dung ở thôn 2 cho biết.



Ở Đăng Hà có rất nhiều “ngôi nhà” như thế này

Ngày 15/2 vừa qua, tại UBND huyện Bù Đăng, UBND tỉnh tổ chức họp rút kinh nghiệm giai đoạn 1 kế hoạch cưỡng chế giải tỏa đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép tại Bù Đăng và triển khai giai đoạn 2. Theo đó, từ ngày 22/2 đến 7/3/2012 huyện Bù Đăng tiếp tục thực hiện giai đoạn 2, san ủi tại các tiểu khu 174, 175, 176, 177, Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng, thuộc địa bàn xã Phú Sơn. Dự kiến sẽ có hơn 800 cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, bảo vệ và công nhân cùng 76 máy ủi, máy cuốc tham gia giải tỏa, san ủi.
"Sau khi bị cưỡng chế thu hồi đất, rất nhiều lao động thiếu việc làm. Nhiều người không có việc làm bắt đầu tìm cách vào VQG Cát Tiên “kiếm ăn”. “Họ không phải “lâm tặc”, cũng chẳng muốn vào VQG săn bắn, chặt cây làm gì. Nhưng không có đất sản xuất, tìm việc làm thuê không xong, buộc lòng họ phải vào đó thôi. Như vợ chồng tôi, bây giờ phải cố tìm việc làm thuê, ngày nào biết ngày đó. May mắn thì kiếm được trăm ngàn, còn không thì vài chục ngàn/ngày cũng phải làm”, anh Trần Văn Sơn, ở thôn 2, than thở.
Sáng ngày 9/2, chúng tôi tìm đến UBND xã Đăng Hà, và thật bất ngờ khi lãnh đạo xã này cho biết họ không biết có nhiều hộ dân khiếu nại như thế. Đại diện phòng tiếp dân nói: “Cũng có vài người đến đưa đơn khiếu nại, nhưng vì việc không thuộc thẩm quyền của xã nên chúng tôi không nhận đơn mà kêu họ lên huyện nộp. Theo tôi, chỉ có một vài người cầm đầu, kích động bà con khiếu nại thôi chứ không nhiều như thế”.
Cán bộ địa chính xã lại tỏ ra thông cảm với bà con: “Họ bị cưỡng chế như vậy cũng thiệt thòi, nhiều hộ bỏ ra mấy chục triệu sang nhượng đất, đến khi bị thu hồi không đền bù, họ mất trắng”. Ông Hoàng Đình Nhất, Chủ tịch xã trăn trở: “Việc cưỡng chế thu hồi không hỗ trợ diện tích đất bà con lấn chiếm rừng trái phép là chủ trương của tỉnh. Những trường hợp sau khi bị thu hồi không còn đất sản xuất thì địa phương sẽ đề nghị huyện có phương án cấp đất cho họ. Cũng phải làm sao để cho cuộc sống của người dân ổn định chứ thu hồi xong để người dân không có đất sản xuất thì chủ trương đó cũng không được tốt lắm”.


Agribank Hạ Lãi Suất Cho Vay Agribank Hạ Lãi Suất Cho Vay Loại Trừ Cypermethrin, Deltamethrin, Enrofloxacin Trong Nuôi Trồng Thủy Sản Để Cứu Ngành Tôm Loại Trừ Cypermethrin, Deltamethrin, Enrofloxacin Trong Nuôi Trồng…