Mô hình kinh tế Bắt tay nuôi bò sữa

Bắt tay nuôi bò sữa

Ngày đăng 26/11/2015

Bắt tay nuôi bò sữa

* Loại bỏ bò cho dưới 20 lít sữa/ngày

Đó là chia sẻ của Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) Hoàng Thanh Vân tại hội nghị triển khai Chương trình hợp tác phát triển chăn nuôi bò sữa và xây dựng chuỗi chăn nuôi, tiêu thụ sữa tươi do Trung tâm Phát triển chăn nuôi (Sở NN-PTNT Hà Nội) phối hợp với Cty CP Sữa Quốc tế (IDP) vừa tổ chức.

92% bò lai

Theo thống kê của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, năm 2015 ngành chăn nuôi bò sữa của Thủ đô có tốc độ tăng trưởng chậm (12,26%) so với 2014.

Tình hình tiêu thụ sữa của các hộ chăn nuôi và của IDP gặp nhiều khó khăn do giá sữa bột trên thế giới giảm sâu.

Hiện Hà Nội có trên 15.000 con bò sữa, trong đó đàn bò cái sinh sản gần 10.000 con, chiếm xấp xỉ 64% tổng đàn, đàn bò cái vắt sữa gần 7.500 con (chiếm 76,4% tổng đàn bò cái sinh sản), sản lượng sữa đạt 111 tấn/ngày.

Bình quân năng suất sữa của đàn bò đạt 4.600 - 4.900 kg/chu kỳ 305 ngày, tương đương chỉ 14 kg sữa/con/ngày, thấp nhất cả nước hiện nay.

Sở dĩ sản lượng sữa của đàn bò cái của Hà Nội quá thấp chủ yếu do cơ cấu giống đã lạc hậu và kém chất lượng.

Nông dân chủ yếu nuôi các giống bò Hà Lan (HF), song lượng bò thuần chủng chỉ đạt có 8%, còn lại chiếm tới 72% là HFF3 trở lên, 12% HFF2 và 8% còn lại là HFF1.

Về vấn đề con giống, Cục trưởng Hoàng Thanh Vân đề nghị Hà Nội nên mạnh dạn loại bỏ ngay những con bò cho sản lượng sữa dưới 20 lít/ngày, phải phấn đấu nâng sản lượng sữa của con bò cái lên tối thiểu 25 - 30 lít/ngày mới gọi là tạm ổn chứ bình quân thế giới hiện nay đạt 50 lít sữa/con/ngày.

“Ngành bò sữa Hà Nội ngoài con giống, khâu thức ăn cũng cần phải cải tiến ngay.

Tôi đi thăm các quốc gia trên thế giới không thấy nơi nào cho bò ăn thuần cỏ voi như Việt Nam cả, ăn như vậy bảo sao bò ít sữa, chất lượng kém.

Phải tăng cường thức ăn tinh, thức ăn theo công nghệ TMR.

Hội nhập rồi thì chúng ta buộc phải mở cửa, không còn thời gian ngồi nghĩ nữa, phải bắt tay vào làm ngay còn kịp, thậm chí xách ca táp sang Thái Lan nhập cỏ về trồng luôn đi", Cục trưởng Hoàng Thanh Vân.

Theo ông Vân, trước đây vì còn khó khăn nên còn thông cảm với IDP và người nuôi bò tại Thủ đô gọi là tận dụng để tăng thêm thu nhập.

Nhưng với giá thành SX lên tới 9.000 - 10.000 đồng/lít sữa như hiện nay, trong khi thế giới giá thành chỉ có 6.500 - 7.000 đồng/lít, nếu ngành bò sữa Thủ đô không thay đổi nhanh thì chắc chắn sẽ thất bại.

“Theo tôi để nâng cao chất lượng giống đàn bò sửa của Hà Nội cần phải có sự vào cuộc và nổ lực của cả "4 nhà".

Các DN như IDP hỗ trợ một phần, phía Hà Nội hỗ trợ một phần, bà con nông dân cũng phải cố gắng thêm một phần phối hợp với các nhà chuyên môn, nhà khoa học mạnh dạn nhập khẩu những con bò sữa chất lượng cao về để cải thiện đàn giống, chứ vẫn cứ cố giữ lại những con bò chỉ có có 14 lít sữa như hiện nay thì sẽ rất gay”, ông Vân lo lắng.

Liên kết thay vì cãi vã!

Theo ông Tạ Văn Tường, GĐ Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện có 6 DN chế biến sữa có hoạt động thu mua với trên 45 trạm thu gom.

Trong đó, IDP có 28 trạm (chiếm 62,2%), sản lượng bình quân khoảng 80 tấn/ngày (chiếm 71,4%), còn lại là các đơn vị khác khoảng 28,5 tấn ngày.

Là DN hiện chiếm thị phần lớn nhất trong việc thu mua sữa tại Hà Nội, ông Lê Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc IDP chia sẻ:

Nhằm thúc đẩy cũng như cải tiến nâng cao giá trị ngành bò sữa tại Thủ đô theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, bắt đầu từ tháng 11/2015, IDP và Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển chăn nuôi bò sữa và xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sữa trên địa bàn Hà Nội.

Theo ông Dũng, mặc dù tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20%/năm, song với quy mô nuôi bình quân 4,5 con bò/hộ, sản lượng 14 lít/con/ngày như hiện nay thì lợi nhuận từ 1 con bò sữa của người nông dân Thủ đô chỉ vào khoảng 15 triệu đồng/con/năm.

Bên cạnh đó, do khâu tuyển chọn giống, kiểm soát thức ăn đầu vào, dịch vụ thú y còn nhiều bất cập ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng và sản lượng sữa của đàn bò Hà Nội. Vì vậy, việc IDP ký kết thỏa thuận với Trung tâm với mục đích chính là tư vấn cho hộ chăn nuôi bò sữa tăng quy mô, áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng sữa và đặc biệt là ATVSTP.

IDP cũng cử cán bộ kỹ thuật, thuê chuyên gia giúp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa cho người chăn nuôi Thủ đô.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng được tăng cường, công tác tuyên truyền, quảng bá được đẩy mạnh.

Đặc biệt, IDP bắt đầu cho ra mắt sản phẩm sữa tươi Ba Vì được làm từ 100% sữa tươi với giá bán rẻ hơn bình thường 20% để góp phần tiêu thụ nguyên liệu sữa tươi tại các nông hộ, nhất là thời điểm các tháng mùa đông.

Hoan nghênh việc ngành nông nghiệp Hà Nội và phía IDP có sự hợp tác ngày một chặt chẽ hơn nhằm giúp đỡ người nuôi bò sữa, Cục trưởng Hoàng Thanh Vân cho biết, trong khối các nước TPP mà Việt Nam mới gia nhập có ba cường quốc về sữa của thế giới gồm New Zealand, Mỹ và Úc.

"Khi thuế quan các sản phẩm sữa về 0% chắc chắn những DN sữa hàng đầu trên thế giới sẽ có mặt tại Việt Nam.

Bằng chứng là hiện nay 6 DN sữa hàng đầu của New Zealand liên tục bay sang Việt Nam khảo sát thị trường và kiến nghị chúng ta mở cửa, các DN sữa của Mỹ và Úc cũng vậy", ông Vân khẳng định.

Theo ông Nguyễn Huy Đăng, PGĐ Sở NN-PTNT Hà Nội, việc IDP và Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội tổ chức hội nghị này là rất kịp thời và đúng định hướng của TP.

Xu thế của chúng ta là xu thế hợp tác toàn cầu và ngành chăn nuôi Thủ đô cũng cần phải ứng dụng, liên kết lại với nhau, mỗi người cố gắng vì cái chung một tí cắt giảm khâu trung gian thay vì "động tí là cãi vã kiện tụng".

"Nếu chúng ta không thay đổi ngay từ bây giờ, sau này sữa mà không có tiêu chuẩn quy chuẩn có cho người ta cũng không lấy chứ đừng nói gì đến chuyện bán", ông Đăng nói.

Qua tìm hiểu được biết, sở dĩ DN quốc gia khác quan tâm tới thị trường Việt Nam bởi hiện nhu cầu tiêu thụ sữa của Việt Nam so với thế giới còn rất thấp, chỉ vào khoảng 18 kg sữa/người/năm, trong khi Nhật Bản 81,4 kg, Thái Lan 35 kg, Hàn Quốc 43 kg/người/năm.

Mặc dù các nhà đầu tư triển khai rầm rộ các dự án chế biến sữa nhưng đàn bò trong nước mới đáp ứng nhu cầu khoảng 28% thị trường nên hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu đến 72% lượng sữa bột với trị giá lên tới 1 tỷ USD.


Xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học Xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh… Liên kết trồng đậu nành Liên kết trồng đậu nành