Bay theo những cánh ong
Đưa ong tìm mật
Rẫy cà phê của anh Nguyễn Đức Ngọ (27 tuổi, xã Ea Tân, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) nằm cách nhà 1km, là nơi được ông chủ trẻ chọn để đặt đàn ong 200 thùng. Bên trong thùng ong là nhiều cầu ong, bám chặt bên trên là bánh tổ (còn gọi là sáp ong). Đây là nơi chứa mật, phấn hoa và ấu trùng, cũng là nơi để con ong trú ngụ.
Lúc đến vườn, chúng tôi thấy một tốp 7 người đang tất bật quay mật. Khi chiếc cầu ong được tách khỏi thùng, những chú ong giương cánh “gầm gừ” như muốn tấn công người phá “nhà”. Thấy thế, một người trong nhóm mang khói áp sát, người còn lại xịt nước mát vào ong. Đàn ong bị khói và nước “trấn yểm” nên hiền lành lạ thường, ngoan ngoãn nằm yên trên đế thùng.
Những người còn lại lần lượt mang cầu ong cho vào máy quay mật và bắt đầu quay tay. Từng làn mật đặc quánh tuôn chảy ra thùng chứa. Trong 200 thùng ong, cả nhóm mất 3 giờ để quay mật.
Theo anh Ngọ, 7 người có mặt ở đây là bố, mẹ, anh chị, tranh thủ rãnh rỗi nên qua phụ anh quay mật. “Ban đầu tôi vay 50 triệu đồng để đầu tư 50 đàn. Sau một năm nuôi thử thì mới bắt đầu nhân rộng. Tính trung bình mỗi thùng ong cho thu nhập 1 triệu đồng/năm. Như vậy với 200 thùng, nếu không có rủi ro về bệnh tật thì mình sẽ thu về 200 triệu đồng/ năm”, ông chủ trẻ phân bua. Nghe đến 200 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Hoa, mẹ anh Ngọ, vội chen ngang: “Để bắt ong nhả ra chừng đó tiền, người nuôi ong phải “đổ mồ hôi, sôi con mắt”.
Mệt nhất vẫn là việc không có thời gian ở bên gia đình, cứ đi suốt. Như Ngọ, tiếng là ở với vợ chồng tôi nhưng cả năm chỉ ở có hơn 3 tháng, thời gian còn lại sống lang bạt ở đất khách”. Anh Ngọ gật gù kể thêm: “Từ tháng 2 đến tháng 4 mình ở nhà để đánh mật cà phê, cao su, tháng 4 đến tháng 10 khai thác mật tràm ở Huế, tháng 10 đến tháng 11 mang ong về nhà dưỡng, những tháng còn lại đánh mật cao su ở Bình Phước, có người còn ra tận Bắc Giang đánh mật vải.
Đánh nhiều nơi thì ong cho nhiều mật, còn ít đi đánh thì đói. Mang ong đánh ở đâu, bọn mình mượn đất của dân để dựng lán ở tạm, mọi sinh hoạt đều diễn ra ở trên đấy. Hết mùa mật lại thu dọn đồ đạc mang đi”.
Trong khi đó, chỉ trong vòng bán kính 3km tính từ đoạn đường bê tông chạy dọc vườn cao su nối từ xã Cư Liêng M’nông đến xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar), có khoảng 40 trại ong với 7.000 đàn. Những chú ong tranh thủ “vét” những giọt mật cao su cuối cùng trước khi được ông chủ mang đến vùng đất mới để tiếp tục đánh mật.
Dẫn chúng tôi đi thăm trại ong 230 đàn, anh Nguyễn Văn Minh (25 tuổi, xã Cư Liêng M’nông) nói: “Với thời tiết thế này thì chỉ khoảng non nửa tháng nữa là cao su cạn mật, khi ấy phải thuê xe tải chở ong ra Huế đánh mật tràm thôi”.
Sướng khổ cùng ong
Bà Hoa kéo vạt áo chúng tôi thì thầm: “Chú xem trên phố có mối nào không thì giới thiệu cho chứ nó ế vợ rồi đấy nhé”. Chúng tôi không tin bởi Ngọ to con, đẹp trai thì sao lại ế. “Ế thật rồi. Cũng tại con ong cả đấy”, Ngọ khẳng định. Theo anh Ngọ, cuộc sống người nuôi ong quanh năm mải bay theo cánh ong, nơi nào có mật là tới cho đến khi hết mật là lại đi. Cứ như vậy, mỗi năm anh phải sống ở 3 tỉnh. Tại mỗi vùng đất, anh dựng lán tạm để ở, suốt ngày quần quật chăm sóc, vệ sinh và bảo vệ đàn ong nên chẳng có thời gian hò hẹn.
Cũng có nơi đặt chân đến, nhiều cô thôn nữ cảm mến đức tính cần mẫn, chịu khó của anh. Hai bên cũng trao đổi qua điện thoại, thư từ, cũng hò hẹn, thề nguyền nhưng chừng độ vài tháng, khi kết thúc mùa ong thì mỗi người lại mỗi nơi, khoảng cách không gian quá lớn nên tình duyên vì thế cũng đứt đoạn. Có trường hợp, nhiều cô cũng muốn theo nhưng gia đình lại ngăn cản vì nghĩ cuộc sống người nuôi ong bất định, nếu con gái họ theo cũng lông bông, khổ cực nên kiên quyết cấm cản…
Nhắc đến anh Nguyễn Ngọc Đỉnh (32 tuổi, xã Ea Tân, huyện Krông Năng), người thân cứ phì cười chuyện anh bị ong “giận” chỉ vì mải về thăm vợ con. Chuyện bắt đầu từ nhiều năm trước, lúc anh Đỉnh mang ong ra Huế (cách Đắk Lắk hơn 500km) đánh mật cũng là lúc hay tin vợ mang bầu được cậu quý tử. Nhiều đêm ngủ canh ong, phần gió rét, phần nhớ vợ con da diết nên anh chẳng chợp mắt nổi. “Không kìm được cảm xúc, nửa đêm mình chạy thục mạng ra quốc lộ để bắt xe vào Đắk Lắk thăm vợ con trong đêm, còn đàn ong thì nhờ bạn chăm sóc.
Tuần sau trở lại, mình thấy đàn ong cứ xa lánh, hễ đến thăm là chúng bay vò vè chứ không chịu đậu yên một chỗ như mọi ngày. Có đàn cho ăn cũng chẳng chịu ăn. Biết ong “giận”, mình vỗ về, “xin lỗi” ong liên tục thì mấy ngày sau chúng mới gần gũi mình như trước”, anh Đỉnh hồi tưởng.
Hôm dẫn chúng tôi đi thăm trại, tôi và Minh đều bị ong chích. Trong khi khách nhăn mặt vì tê, đau thì Minh chẳng chút hề hấn gì. “Nghề nuôi ong ăn sương nằm gió đã quen nên da thịt cứng như đá, ong chích hàng ngàn mũi nhưng chẳng biết đau, miễn nhiễm cả rồi. Buồn nhất vẫn là chuyện mang ong đi đánh bị trộm ăn, rồi xin đểu. Chuyện này xảy ra thường xuyên nhưng không làm gì được. Những lúc ấy phải bỏ tiền ra tái đầu tư đàn ong, tốn rất nhiều tiền”, Minh tâm sự.
Đắk Lắk là một trong những địa phương có ngành ong mật phát triển hàng đầu cả nước với khoảng 1.500 hộ nuôi ong. Những năm gần đây, nghề nuôi ong lấy mật tại Đắk Lắk đang phát triển rất mạnh theo hướng nuôi công nghiệp, đặc biệt là từ khi có thị trường đầu ra ổn định. Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết: Vào năm 2000, toàn tỉnh mới có 32.403 đàn ong thì đến năm 2010 đã tăng lên 156.059 đàn. Vào năm 2014, tổng số đàn ong nơi đây đã vọt lên gần 250.000 đàn.
Sản phẩm mật ong chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ (chiếm 80%) và các nước Nhật, Đức, Canada, Hàn Quốc… với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt trên 30 triệu USD, dẫn đầu cả nước về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ