Tin thủy sản Bể biogas giải quyết vấn nạn chất thải chăn nuôi, thủy sản

Bể biogas giải quyết vấn nạn chất thải chăn nuôi, thủy sản

Tác giả MInh Đảm - Hữu Đức, ngày đăng 26/06/2021

Bể biogas giải quyết vấn nạn chất thải chăn nuôi, thủy sản

Những năm qua, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH-CN tỉnh Trà Vinh (Sở KH-CN Trà Vinh) đã tích cực thực hiện việc ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ chăn nuôi cũng như sinh hoạt của người dân và bảo vệ môi trường.

Giải quyết vấn đề môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Đồng thời, đây cũng là hoạt động nhằm góp phần xử lý môi trường nước ngày càng bị ô nhiễm cũng như giúp người dân nâng cao ý thức trong việc xử lý chất thải sản xuất, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản trước khi xả ra môi trường.

Bể biogas bằng vật liệu composite đã xử lý hiệu quả chất thải chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản ở Trà Vinh, góp phần xây dựng môi trường nông thôn trong lành hơn. Ảnh: Minh Đảm.

Từ năm 2018, Trung tâm được Sở KH-CN tỉnh Trà Vinh sản xuất và lắp đặt 2 mô hình ứng dụng công nghệ khí sinh học cho 2 hộ nuôi tôm mật độ cao tại huyện Duyên Hải. Đến nay, mô hình này hoạt động rất hiệu quả, vừa xử lý được môi trường, vừa tạo khí đốt trong sinh hoạt, tiết kiệm chi phí cho người dân.

Năm 2019, Sở KH-CN Trà Vinh tiếp tục giao Trung tâm thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu Ứng dụng công nghệ composite sản xuất bể ương ấu trùng và sản xuất tôm giống nuôi thương phẩm cho nông hộ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Quá trình thực hiện, các nhiệm vụ trên đã được hội đồng khoa học đánh giá rất cao về kỹ thuật công nghệ và tính hiệu quả.

Năm 2020, Trung tâm tiến hành triển khai dự án Hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ khí sinh học bằng vật liệu composite trong xử lý nước thải các hộ nuôi tôm mật độ cao và các cơ sở sản xuất bún, hủ tiếu trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, dự án đang được triển khai thực hiện tại các huyện Duyên Hải và Châu Thành (Trà Vinh). Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh sản xuất và lắp đặt hệ thống bể biogas bằng vật liệu composite trong xử lý chất thải ao tôm mật độ cao.

Theo Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH-CN tỉnh Trà Vinh: Nuôi tôm mật độ cao diện tích 1.500 m2, cần xây dựng hệ thống bể biogas bằng vật liệu composite xử lý nước thải khoảng 20 khối. Trong đó, có 1 bể lắng khoảng 4 mét khối và 2 bể xử lý chất thải khoảng 16 mét khối, cùng với hệ thống xử lý sẽ hỗ trợ người nuôi tôm xử lý tốt chất thải trước khi xả ra môi trường và dùng khí gas để làm chất đốt trong sinh hoạt, tiết kiệm được chi phí sinh hoạt hằng ngày.

Ưu điểm của bể biogas bằng vật liệu composite là có độ bền cao tầm 25 năm đến 30 năm, dể dàng di chuyển, lắp đặt hay di dời từ nơi này sang nơi khác... Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ cho chuyện Cầu Ngang (Trà Vinh) xây dựng 10 mô hình cho 10 hộ nuôi tôm thâm canh...

Bể biogas composite còn được ứng dụng rộng rãi giúp các cơ sở sản xuất bún, hủ tiếu, bánh tráng xây dựng được hệ thống xử lý nước thải bảo vệ môi trường. Việc triển khai dự án còn giúp địa phương thực hiện thành công tiêu chí 17 về bảo vệ môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới đạt hiệu quả.

Giải bài toán môi trường nuôi tôm siêu thâm canh

ĐBSCL được thiên nhiên ưu đãi, rất thích hợp cho việc nuôi trồng thủy sản. Phong trào nuôi tôm siêu thâm canh đang phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh ven biển. Đã có hàng chục nghìn ha nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh "siêu lợi nhuận" trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, người dân các địa phương nuôi tôm siêu thâm canh cũng đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường trầm trọng từ chất thải của các ao nuôi tôm. Lượng chất thải này chủ yếu gồm phân tôm, thức ăn thừa, vỏ tôm lột… Nếu không được xử lý, không chỉ gây ô nhiễm cho sinh hoạt người dân mà còn gây ô nhiễm cho ao nuôi tôm và môi trường xung quanh.

Để giải quyết vấn đề này, một trong những phương thức hiệu quả là kết hợp ứng dụng công nghệ sinh học chế tạo bể biogas bằng vật liệu composite để xử lý an toàn chất thải ao nuôi, đồng thời tạo ra khí đốt phục vụ cho sinh hoạt.

Đào hố chuẩn bị lắp bể biogas xử lý chất thải chăn nuôi heo. 

Anh Lê Nguyễn Văn Khoa, ngụ Thị xã Duyên Hải cho hay: Khởi điểm, anh nuôi 2 ao tôm, mỗi ao có diện tích khoảng 1.200 m2, nhưng lúc đó chưa có hầm biogas. Lượng chất thải từ ao tôm ra môi trường rất nhiều và hôi thối. Sau này, anh tăng quy mô nuôi lên thành 6 ao. Tuy nhiên nhờ có bể biogas bằng vật liệu composite để xử lý chất thải nên môi trường không còn hôi thối, nước thải sau công trình biogas đã tương đối trong, không còn bị đen và hôi thối nữa. Đặc biệt, bả thải sau khi xử lý bể bogas còn có thể tận dụng rất tốt để làm phân bón cho. Hiện tại, anh đã nuôi 8 ao tôm, và đã lắp đặt bể biogas dung tích 17 mét khối. 

Còn hộ ông Thạch Hel đang sản xuất kinh doanh bún ở xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành (Trà Vinh) rất tâm đắc chia sẻ: "Nghề làm bún xài nước nhiều, nên lượng nước thải ra rất lớn. Lúc trước, tui xả trực tiếp xuống cống. Bây giờ, nhờ có bể biogas giữ lại bớt nước thải để xử lý nên đã đỡ, không còn hôi thúi. Hơn nữa, lại có thêm gas xài, xài không hết cho con cháu xài, đỡ tiền củi”.

Bể biogas composite cỡ lớn là sản phẩm mới, có công suất phù hợp với các hộ nuôi trồng thủy sản ở nông thôn. Ưu điểm của bể là độ kín khí cao, oxy hóa lâu, độ chịu lực lớn, chống axit ăn mòn, thi công nhanh, phù hợp với cả vùng đất lún, nứt, sình lầy.

Bên cạnh đó, bể biogas rất thuận tiện trong việc vận chuyển, vì nhẹ nhàng. Đặc biệt gas sử dụng làm chất đốt an toàn, hiệu quả cao, không có mùi hôi. Sản phẩm biogas bằng vật liệu composit góp phần làm cho môi trường trong sạch, từ đó không có dịch bệnh.

Sau nhiều năm sử dụng lấy bã thải biogas kết hợp với bã thải nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn và chất lượng. Bể có thể di dời đi các nơi khác sau một thời gian dài sử dụng. Với nhiều tính năng ưu việt trên, nên bể biogas composite thích hợp và tiện lợi cho người chăn nuôi ở nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL.

Bể biogas được nhiều hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh sử dụng hiệu quả trong xử lý chất thải ao nuôi. 

Anh Nguyễn Minh Trí, trú khóm 7, Thị trấn Càng Long, huyện Càng Long (Trà Vinh) đang sử dụng bể biogas composite xử lý chất thải cho 150 con heo. Hiện, anh Trí chuẩn bị nuôi thêm 50 con nái nữa. Anh Trí đánh giá: “Tôi đã lắp đặt bể biogas composte 6-7 tháng nay, thấy hiệu quả quá. Ngoài môi trường không bị ô nhiễm, phân thải ra làm khí gas cũng tốt. Nói chung là cũng đạt 99%. Bây giờ, tôi tiếp tục lắp đặt thêm bồn mới để mở rộng thêm trang trại.”

Còn ông Nguyễn Hữu Minh ở xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành cho biết: Mấy năm trước, ông có xây dựng hầm biogas bằng gạch thẻ. Trong quá trình sử dụng đã hư hỏng. Hiện ông đã chuyển sang sử dụng bằng bể biogas bằng composit. "Ưu điểm của bể biogas bằng composite là vừa không phải tốn công xây lại gọn nhẹ, sau này vận chuyển cũng dễ. Cái lợi thứ nhất là xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, lại có gas sử dụng", ông Minh đánh giá.

Nguyên liệu sản xuất bể composite là những nguyên liệu được cấu tạo nhiều lớp nhựa, lớp sợi và nhiều loại cốt bao gồm: Nhựa poly, sợi thủy tinh Mác 300, lớp Zen-cốt và chất phụ gia đã được kiểm tra chất lượng theo tiêu chuẩn ISO.

Đặc biệt có sợi Tissue làm cho bể tăng độ kín tuyệt đối, từ đó giúp bể sinh nhiều khí gas. ĐBSCL có hệ thống kênh rạch chằng chịt, nền đất yếu và mực nước ngầm cao.

Theo nhiều chuyên gia, làm công trình hầm biogas bằng công nghệ bể biogas composite được đánh giá là công nghệ phù hợp nhất ở khu vực này.


Nuôi tôm thế hệ mới chinh phục thị trường khó tính Nuôi tôm thế hệ mới chinh phục thị… Multiplex PCR - Phát hiện nhanh, chính xác bệnh gan thận mủ Multiplex PCR - Phát hiện nhanh, chính xác…